Trang

1 thg 9, 2013

Tạp Văn HEO MAY của Lưu Tuấn Kiệt -2

Thời thơ ấu

Khi tôi mười năm, mười sáu tuổi cha đã ngoài năm mươi. Tuổi trẻ học hành cả ngày đặt mình nằm là lăn ra ngủ một mạch đến sáng. Lúc đó cha tôi đã đến độ ít ngủ. Có lần ông bảo:
- Trông thấy con ngủ bố thèm. Bố có nhiều chuyện muốn kể cho con biết.
Trong hơi ấm ổ rơm, bố con cho chân vào chiếc bao tải, rồi trùm chiếu lên cho kín đầu. Bố tôi hỏi:
- Hôm qua đến đâu rồi?
- Dạ đến chỗ ông Hồ lên tàu đi ngược.
- Ờ... ờ... khoảng mấy năm sau, có một người rẽ về nhà mình tìm gặp bố. Người ấy nói là ban với ông mình (ông Hồ). Ông còn cho biết ông mình đang ở chợ Chu Định Hóa - Thái Nguyên, và ông có gửi cho bà số tiền là mười đồng bạc để trả nợ và chuộc lại nhà. Lúc này bố đã không còn là thằng Nhỏ, cụ Men giao cho đứng đầu cánh thợ.
Xã ta người theo học nghề này khá đông. Ở làng Đại có ông Tân, ông Khường, ông Biếm. Ở làng Bến có ông Nhàng, ông Vinh, sau này có bác Thặng, bác Quảng... vài năm sau bố lấy mẹ con.

Tôi hỏi: "Làm sao bố lấy được mẹ?".
Cha tôi lặng yên một lúc rồi nói.
- Đáng ra bố không lấy mẹ con bây giờ. Hồi trẻ bố thích một cô ở gần nhà có tên là Xếp. Nhưng một lần đi xem hội bố thấy cô ấy ăn mặc lôi thôi quá nên bố không thích nữa. Cũng là cái số. Mẹ con là nhà khá giả, nhà mình lại nghèo. Ngày xưa muốn lấy vợ phải sau lễ mấy năm người ta mới cho cưới. Cũng nhờ có cụ Men coi bố là con nuôi nên bố mới lấy được vợ. Mẹ con ngày xưa xinh, cao ráo, trắng trẻo, không nghễnh ngãng như bây giờ.
Tôi ngắt lời cha tôi: "Tại sao mẹ con lại bị điếc?".
- Điếc mà còn sống được là may lắm rồi!
Trước năm bùng nổ kháng chiến (1946) bố và mẹ có một lần lên thăm ông, ở chợ Chu. Lúc đi còn ô tô, xe ngựa. Lúc về ta đánh nhau với Pháp, xe cộ không có, bố mẹ phải đi bộ từ chợ Chu về nhà. Chân mẹ còn sưng tấy lên to như cái cột nhà. Tối nào vào nhà dân nghỉ nhờ cũng phải đun nước ngâm chân, sáng hôm sau mới đi được. Hai vợ chồng "cuốc" ròng rã tới nửa tháng mới về được đến nhà. Lần gặp ông bố mới biết ông đã có bà hai.
Bố tôi ngồi dậy hút điếu thuốc lào. Giường bên, mẹ tôi vẫn ngủ. Ông kể tiếp:
- Cũng sau lấn ấy mẹ con bị ốm, sốt rất cao. Người như điên dại trèo lên cả mái nhà. Cụ Men bảo bố ra đào ngó sen, rửa sạch đun nước cho mẹ con uống. Quả nhiên mẹ con đỡ dần. Khi tỉnh ra bà có kể trong cơn mơ chỉ thấy khát nước. Bà lang thang đi tìm chỗ có nước. Bỗng có một khe suối nhỏ, bà khum tay hứng mãi mới được một giọt. Bà hứng cả ngày, hứng mãi môi vẫn rộp lên vì khát. Rồi có một người rủ bà đi. Bà bảo tôi phải về với chồng với con tôi. Quả nhiên sự kiên trì hứng nước đã làm bà bừng tỉnh. Cơn khát đã đi qua, cơn sốt cũng hết. Cái giống ngó sen mà quý đến thế con ạ. Liều thuốc của cụ Men đã cứu được mẹ con. Không có cụ làm sao có các con bây giờ.
Trong đêm leo lét ngọn đèn dầu, tôi lắng nghe lời cha kể như nuốt từng lời.
- Còn chuyện cụ mình lấy bà hai ngày mai bố kể tiếp. Ngủ đi sáng mai còn dậy học!
Thời bấy giờ cha tôi công việc đã nhàn hơn. Hàng ngày ông trông nom kỹ thuật, các thợ em làm. Nhưng đất nước có chiến tranh, đời sống có nhiều khó khăn dần nên nghề xây dựng ít việc. Tôi chỉ biết nhiều lúc cha tôi ngồi trầm tư và thở dài. Hôm nào thấy ông vui tôi lại giục cha kể tiếp.
- Ừ nhỉ... lần trước bố nói tới đoạn ông nội con lên ngược lấy bà hai.
Chuyện cũng từ toa tàu muối. Người chủ muối đã cho ông ở trong toa chở hàng. Sau một ngày đêm tàu vào ga hiu hắt lắm. Xung quanh toàn rừng núi. Ông thấy những người mặc áo chàm xanh, chân quấn xà cạp, họ đến đổi muối. Nhưng không phải bằng tiền. Cứ mỗi một gùi muối họ đổi bằng một đồng bạc hoa xòe (loại tiền mà hiện nay không nhìn thấy). Họ nói với nhau bằng thổ ngữ nên ông mình không biết. Gần trưa đống muối đã vãn, ông thấy có một người đàn bà. Người này nói tiếng kinh, ông tìm cách đến gần hỏi:
- Cô ở đâu?
- Tôi ở chợ Chu.
- Chợ Chu cách đây có xa không?
- Đi bộ cũng mất hai ngày.
- Cô chở làm sao hết số muối này về chợ Chu?
- Tôi thuê xe ngựa.
- Anh có người quen ở chợ Chu?
- Không! Tôi lần đầu tiên đến đây.
 Người đàn bà chằm chằm nhìn vào mắt ông mình.
- Tôi trông anh cũng hiền lành. Anh giúp tôi lúc nữa sẽ có xe ngựa, ta đưa muối lên rồi theo xe về.
Ông mình gật đầu, còn nhanh tay vét cả số muối sạn trên toa tàu cho bà.
Chợ Chu thời đó đã là căn cứ cách mạng. Giặc Pháp đã nhiều lần tràn lên đánh nhau với Việt Minh. Đường sá lúc ấy còn nhỏ hẹp. Rừng núi âm u hoang vắng. Ông mình có nói với bố cảnh bản nghèo, heo hút. Ông bảo dân khổ lắm họ phải đốt cỏ tranh lấy gio cho vào nước lọc lấy chất mặn thay muối. Họ nuôi được con lợn phải mất một năm. Một hôm, ông vào bản thấy con lợn nằm mà chuột khoét mất cả bên mông cũng không đứng dậy. Họ nuôi lợn để ăn, không bán. Vì họ không biết tiêu tiền. Phải tới nhiều năm ông đi theo người đàn bà này để đổi muối lấy bạc. Ông bà ăn ở với nhau có một mái nhà dưới gốc đa. Lúc bố lên thăm ông cây đã to lắm. Hai người sau này sinh được một cô con gái có tên là Hậu. Ở nhà cô lớn là Hiền. Tôi ngắt lời cha tôi.
- Có phải cô tên hồi nhỏ là Gái không?
- Phải rồi! Bố nợ cô một cây mía de không mua cho em được...
Nói đến đây cha tôi rơm rớm nước mắt.

Trong nhiều năm cha tôi làm phó cả, hình ảnh người cha trong bộ quần áo nâu bạc, có hai túi phía trước, tay cầm con dao xây, cái thước cứ hiện lên không phai mờ trong tâm trí. Cha tôi thích đọc Kiều, tôi không sao quên được những buổi chiều mưa, thợ nghỉ việc, ông ngồi ngâm Kiều, mắt người nhìn ra xa - Những hạt mưa đan chéo nhau trắng cả bầu trời.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai phấp phới cánh buồm xa xa
Buồn trông dòng nước mới sa
Hoa trôi man mát biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh.

Lúc đó tôi ngồi trong lòng ông, lặng nghe những âm thanh trầm bổng như tiếng đàn bầu, những âm điệu của câu thơ đã thấm vào hồn tôi từ thủa ấy.
Gần những năm hòa bình ở miến Bắc (1954), thực dân Pháp lấy đình làng để làm bốt. Tường đình chúng đục lỗ Châu mai, chúng xây lô cốt giáp chân đê để khống chế Việt Minh đánh trả. Nhà tôi có một bể nước ăn nằm nghiêng nghiêng gần ao Hàng Gà. Dây thép gai rào quanh đồn, rào chùm lên cả bể nước. Họ chỉ để lại một lỗ nhỏ, rộng hơn gáo múc nước. Tôi nhiều khi vô ý lấy nước còn bị gai thép đâm thủng bàn tay.
Thời gian này cha tôi và anh em thợ bị bắt đi xây Lô Cốt ở Thiết Trụ. Đêm về ông kể cho tôi nghe những chuyện hàng ngày được chứng kiến. Cảnh hành hình dã man những chiến sỹ du kích bằng cách chặt đầu như thời Trung cổ. Cha tôi nói: "Khi những cái đầu rơi xuống máu phun ra, thân người còn nhảy lên cao hàng mét". Những cảnh xuyên dây thép vào tay Việt Minh rồi đẩy xuống sông Hồng. Nhìn thấy cảnh ấy cha tôi thường thở dài ao ước đến ngày hòa bình để hết đầu rơi máu chảy.
Một buổi trưa, khi tôi còn đang lang thang trên sân nhà, ngồi lấy măng tre để câu công cống, bỗng có một người cõng cha tôi về. Người khách lạ nhẹ nhàng đặt cha tôi xuống giường. Tôi hốt hoảng nhìn người ông đầy những vết thâm tím. Người khách lạ bảo tôi: "Đi gọi mẹ cậu về, lấy lá chờm cho ông ngay. Ông bị đánh rất đau". Tôi ôm lấy cha tôi òa lên khóc. Hồi lâu cha tôi mới khẽ mở mắt vẫy tay ra hiệu lấy nước mời khách lạ.
Sau này tôi mới biết trận đòn ấy do Thiếu úy Lực trưởng đồn Văn Giang gây ra. Lực đã từng là Đại đội trưởng của ta, hắn phản bội cách mạng chạy sang địch. Huyện Văn Giang thời đó đã bị vỡ rất nhiều cơ sở bí mật của Đảng. Những chiến sĩ Cộng sản, những người Du kích kiên trung đã bị bắt hàng loạt và bị hành hình. Bốt Văn Giang có trại lính đóng ngay trong đình Bến, xã Phụng Công. Nằm áp phía sân đình có một Giảng Võ. Trưởng đồn Lực ngủ ở đây. Do mái Giảng Võ  lợp ngói ta lâu ngày đã bị rột, hắn bắt cha tôi và chú Tân phải lợp lá xong trong một ngày. Nhưng đến gần tối hai anh em làm vẫn chưa xong. Đúng đêm ấy trời lại đổ mưa rào, giường của hắn bị dột, giấy tờ bị ướt hết. Sáng hôm sau, cha tôi và chú Tân đến làm tiếp đã bị hắn đánh luôn cả hai hai người. Những đòn roi bằng cán Ba toong đã giáng xuống người cha tôi. Riêng chú Tân hắn còn cho chó Tây cắn vào người để lại những vết thương khủng khiếp. Vài tháng sau chú đã qua đời trong những cơn ho thổ ra máu của những di chứng những trận đòn. Cha tôi tiếc cho tài năng của chú, ông là người thợ tài hoa nhất vùng này. Hiện nay ở chùa Bến ở xã Phụng Công vẫn còn những bức đắp vẽ của ông. Mỗi lần tôi đứng nhìn những bức họa tiết sinh động có con chim như đang hót trên cành lại chạnh lòng nhớ chú, nhớ cha và lòng căm thù giặc lại ứ đầy huyết quản...
Tháng 7 - 1954, Hiệp định Giơnevơ đã đem lại hòa bình cho miền Bắc. Nhưng ở Văn Giang phải tới cuối năm mới thực sự không còn bóng Thực dân Pháp. Năm ấy nước lên rất to, tôi đứng trên bờ đê khỏa chân xuống nước. Trong tiếng tù và, tiếng trống giục giã, người người hộ đê ken nhau đứng kín mặt đất. Tôi để ý trong đám người này còn những người lính Lê Dương màu da đen bóng. Bây giờ họ đã không cầm súng bán giết dân mình ghê sợ như ngày trước. Khuôn mặt họ nhìn dòng nước mênh mông cũng đầy lo âu như người dân Việt. Cảm xúc này tôi đã viết "Bức tranh quê" trong tập Hương Rau Khúc - NXB Hội nhà văn - 2005. Nhưng cũng năm ấy, người dân quê tôi từng ngày phải đối mặt với nghèo đói. Chính phủ cụ Hồ đã đưa cán bộ đến tận làng, xã để vận động nhân dân tìm cách chống đói. Mẹ tôi đi họp nghe phổ biến đào đất đặp ụ để trồng khoai lang. Ở đâu đấy người ta đã trồng được củ khoai nặng hàng yến. Ừ thích nhỉ? Tôi há mồm ra nghe. Trong khi cha tôi gật gù rồi ông cười bảo: "Toàn chuyện lạ! Con người có được ăn thật nhiều cũng chẳng thành con bò".
Thế rồi một buổi chiều, ông sai tôi đi mua hươu rượu và một gói lạc. Tôi nhìn cha có bữa "nhậu" lạ nhưng không dám hỏi. Uống xong ông bảo tôi: "Con đứng ở đây bố bảo gì con làm. Không được đến gần". Hóa ra cha tôi đi phá dây thép gai để khai khẩn ruộng đất lấy nơi trồng trot.
Cha tôi buộc dây thừng vào hàng rào kẽm gai, đứng xa rung mạnh cho mìn nổ. Rồi ông lấy kìm cắt từng đoạn dậy thép. Nhìn những lớp cỏ gianh cao ngập đầu ở ngay ngõ nhà mình đã được tháo gỡ hàng rào lòng tôi trào lên xúc động. Phút đầu tiên có cảnh quê hương thanh bình lại từ cửa ngõ nhà mình. Ngày mai hết bom mìn rồi, bọn trẻ chúng tôi tha hồ chạy nhảy. Cũng phút ấy tôi mới hiểu cha tôi có bữa nhậu lạ. Ông lấy rượu để quên đi sự nguy hiểm. Vài tháng sau, phần đất cha tôi khai khẩn đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Khoai nhiều quá! Khoai chất đầy gầm giường. Ngày ấy, cái cảm giác no trong mỗi bữa ăn nhưng vẫn thèm cơm ghê gớm. Bọn trẻ chúng tôi đi vào các vườn để tìm hoa quả chín và săn bắt chim chuột. Những thứ đó đều được "chế biến" theo kiểu cho vào lò nướng. Lò là một cái hầm đất đào tròn như quả bóng. Lũ chim chuột sau khi được hạ ngục chúng tôi lấy đất bùn tươi nắm thành nhiều lớp rồi cho vào lò đốt. Khi nào vỏ đất có màu hồng là lũ chim chuột đã chín nục, dậy mùi thơm ngon.
Những năm đầu hòa bình ấy như một dấu ấn trong ký ức tuổi thơ tôi. Còn nhớ nhà tôi mái tranh bức vách có hai cột bằng tre. Trời mưa những tiếng nước mưa rơi từ mái nhà kêu tong tong xuống sanh nồi cha mẹ tôi lấy ra hứng nước.
Những tiếng kêu nghe vui tai nhưng nghe lâu lại dư âm những điệu buồn nhà dột. Sau này tôi viết bài thơ Tiếng võng để tặng mẹ, trong sâu thẳm có cảnh nhà như thế.

Mẹ ơi thương mẹ bao năm
Xa con mẹ có dám nằm võng đâu
Kèo nhà mục đã từ lâu
Có hai guốc võng hai đầu còn nguyên.

Cũng trong ngôi nhà ấy, một đầu hồi quay về hướng tây, mưa gió to làm từng mảng vách đất tụt xuống, trơ những khung tre như xương con cá khổng lồ. Bụi tre giáp hồi nhà trước kia bị giặc Pháp chặt hết bây giờ đã vụt lên thành những ngọn mới. Phải lâu lắm rồi tôi đột ngột nhìn thấy một chú chim chèo bẻo có cái đuôi cong cong đứng vắt vẻo trên ngọn tự do hót tung trời. Tiếng chim nghe vừa quen vừa lạ. Phải rồi, chim hót báo một ngày mới đất nước thanh bình. Tôi lắng nghe âm điệu của chim để sau này ghi lại những  câu thơ từ lời chim ngày ấy.

Vắt vẻo cành tre
Chim chèo bẻo
Chiếc cần câu
Mùa hè.
Gọi tuổi ấu thơ
Cái phao ngô đồng dậy.
Chim đây ta đấy.
Quanh ao nhà tha thẩn chim chơi.

Cũng những năm đó chúng tôi bắt đầu cắp sách tới trường. Lớp học được tổ chức ngay trong các đình chùa. Tôi học lớp vỡ lòng về nhà cứ o a đọc loạn. Cha tôi bảo: "Con lấy que viết chữ lên sân đất cho chóng thuộc lại đỡ tốn giấy mực". Trên sân đầy lỗ công cống. Tôi nhìn thấy măng tre đã lớn thành cây tre tỏa bóng xuống chỗ học bài. Và lũ chim trời cũng đông dần, chiều chiều kéo nhau ríu ran trên cành biếc.
Một buổi trưa đột ngột nhà tôi có khách là một anh bộ đội còn rất trẻ. Anh được cha tôi mời vào nhà. Tôi để ý anh giấu mấy quả mìn vào bụi tre, quả nào cũng lấm lem bùn đất, anh lấy từ trong túi rết một nắm cơm rồi nói với cha tôi: "Gia đình ăn giúp, em đủ rồi". Cha tôi đỡ nắm cơm đặt trên bàn rồi rót nước mời anh. Anh bộ đội có nước da dám nắng thỉnh thoảng cứ nhìn tôi cười tủm. Hồi lâu anh hỏi nhỏ:
- Em có mấy cái quần đùi?
- Dạ... em có hai cái.
- Nước mình nghèo quá .....Có hai cái mà lại rách mất rồi!
Hình như anh rơm rớm nước mắt khi bàn tay tôi nghịch ngợm đang xòe ra che vảo mảng mông vừa bị gai bờ hàng cào toạc. Cha tôi lúc ấy lại thong thả hút điếu thuốc lào, ông bảo: "Thế là sướng lắm rồi, hòa bình ăn cháo, ăn rau cũng sướng".
Quả vậy, không có niềm vui nào vui hơn niềm vui quê hương được thanh bình. Đêm đêm, dưới ánh trăng vằng vặc, các anh, các chị lớn tuổi cầm tay nhau múa hát sân đình. Những bài hát "Qua miền Tây Bắc", "Giải phóng Điện Biên" cùng những điệu múa sạp người lớn hát, trẻ con chúng tôi cũng thuộc.
Đêm trăng như biết lay động lòng người không ai muốn ngủ. Nhà nhà gọi nhau ăn củ khoai luộc cười nói râm ran chan chứa ân tình.
Trưa hôm sau, trên đường đi học về nhà, chúng tôi hốt hoảng nhìn thấy một chiếc cáng, người khênh cáng là hai anh bộ đội. Chúng tôi nhìn thấy những vết máu nhỏ rơi xuống đường. Tôi chạy vụt lên đuổi theo chiếc cáng, một khuôn mặt quen quen? Đúng rồi! Anh bộ đội vào nhà mình. Trưa hôm qua anh đã cho nắm cơm. Tôi định gọi anh nhưng chẳng biết anh tên gì. Hai mắt anh vẫn nhắm nghiền và những giọt máu của anh vẫn rơi xuống đường làng từng giọt, từng giọt đỏ như màu cờ, sau này mọi người phủ lên chiếc quan tài anh yên nghỉ.
Chiều hôm ấy, cha tôi nắm một nắm cơm và một quả trứng đặt lên trên bể. Sau đó ông thắp hương khấn gọi anh về. Cha tôi bảo: "Anh đã chết về mìn của địch gài ở bốt Ao Sầu (Thời đó chưa nói từ hi sinh). Tôi ngây thơ hỏi: "Hòa bình rồi bộ đội sao không về nhà vẫn phải chết?”. Cha tôi bóc quả trứng đưa tôi ăn, ông nói nhỏ:
- Các anh ấy sống để dân yêu, chết đi dân nhớ. Bố đã cúng để vong anh ấy về thanh thản.
Lại thế ư? Anh đi đâu? Anh về đâu? Tôi làm sao quên được nụ cười của anh, và cái lần hỏi chuyện với tôi mắt anh rơm rớm. Người chiến sĩ công binh đầu tiên ấy đã hy sinh trong một lần tháo gỡ mìn, để lại trong tôi bao nhiêu yêu mến. Sau này, tôi có hơn 20 năm đời lính, được chứng kiến rất nhiều đồng đội hi sinh, mới thấm thía hạnh phúc của đất nước thanh bình...

*

Anh trai tôi lấy vợ là cả một câu chuyện buồn. Lúc đó tôi còn một cô em gái nhỏ kém tôi 3 tuổi. Em trắng trẻo, bụ bẫm, má lúc nào cũng hồng hồng thật xinh. Mẹ tôi dành dụm bán cả một đôi gà mới mua được cho em một chiếc váy màu trứng sáo. Mỗi khi nó mặc vào cha tôi có bận đến mấy cũng bế trên tay một lúc. Hàng ngày, cha mẹ đi làm, tôi đi học, em tôi chơi tha thẩn một mình. Em hái lá dâm bụt xếp vào rổ để đợi tôi về chơi bán hàng. Cũng có lúc chúng tôi chặt tàu chuối trả vờ làm lều làm quán.

Quán hàng có gặp cơn mưa
Le te lá chuối che vừa cho nhau.

Có khi chúng tôi chơi mãi cha mẹ vẫn chưa đi làm về, bụng đói quá em tôi phụng phịu khóc làm tôi cũng khóc theo.
Trước ngày anh tôi cưới vợ, trời bỗng đổ mưa rào. Tôi gấp giấy làm thuyền rồi thả xuống "sông" trước hiên nhà. Em tôi vừa đuổi theo vừa cười như nắc nẻ. Những con thuyền tẻo teo của tuổi thơ chỉ bồng bềnh được một lúc rồi chìm nghỉm mất hút trong dòng nước cuồn cuộn. Mưa thả bong bóng nổi đầy mặt sông. Chúng tôi giơ tay vớt bong bóng, nhưng cái nào cũng chỉ vừa chạm vào là đã nổ tan. Bong bóng nhiều như thể ai ở trên trời vung tay ném xuống mặt nước. Trò chơi vớt bong bóng thật thú vị và cuốn hút. Tôi bất chợt nhìn thấy em gái tôi đôi môi đã tím gắt. Vào nhà đi thôi! Tôi kéo em vào trong buồng thay quần áo và làm khô đầu. Nhưng lạ chưa? Hai mắt em tôi bỗng lờ đờ. Tôi chạy đi gọi cha mẹ về. Em tôi đã đắp chăn và lịm đi trong cơn sốt.
Ngày hôm sau họ hàng đã lục đục đến mừng bắc rạp và mổ lợn. Mẹ tôi vẫn ôm em bé trong lòng. Em tôi cư mê man, người nóng như hòn than trong lò. Đến chiều, một ông lang người Tàu cho em tôi uống một lọ thuốc sau những cơn sài giật. Ông lắc đầu nói nhỏ với cha tôi: "Hỏng rồi! Cháu bị cảm hàn". Cha tôi cúi đầu tạ ơn ông, hai mắt đỏ ngầu cố kìm trong lòng tiếng khóc.
Họ hàng mang em tôi đi trong đêm. Em được bó trong chiếc chiếu nhỏ. Chao ôi! Tôi rụng rời và gào lên, định chạy theo những người cầm đuốc vác mai, nhưng bị mọi người gạt lại.
Trong khi đó chị dâu tôi sắp về. Mẹ tôi ngồi như người mất hồn, ai hỏi gì cũng gật đầu, mặt đầm đìa nước mắt.
Mấy ngày hôm sau, bữa cơm nào mẹ tôi cũng luộc cho em một quả trứng, đặt trên bát cơm nóng hổi. Mẹ tôi mếu máo: "Cho em ăn trước. Anh ăn sau". Tôi chờ mẹ thắp hết hương mới lấy ra ăn. Một buổi sáng, bà thu hết quần áo của em lại thả xuống ao Hàng Gà. Ngày nào tôi đi học cũng nhìn thấy chiếc váy màu xanh trứng sáo cứ nổi lên lững lờ, lòng lại nhớ em muốn òa lên khóc.
Cuộc đời em ngắn ngủi đã đọng trong ký ức tôi biết bao cảm xúc. Tôi làm sao quên được những cơn mưa bong bóng, những con thuyền  giấy mỏng manh nước cuốn trôi vèo, rồi cái váy xanh màu trứng sáo bập bềnh trên mặt ao mãi chẳng muốn chìm...

*

Bạn đọc thân mến! Hình như trong sâu thẳm chúng ta có hai con người mà tuổi thơ ta yêu nhất đó là mẹ và bà ngoại. Tôi xin dành những trang viết này để nói về bà ngoại của mình. Thủa nhỏ tôi thấy rất lạ, mỗi lần ru tôi bà hay hát câu.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Lớn lên nghe mẹ tôi kể lại mới hiểu được đời bà và lại càng thương bà biết bao nhiêu.
Xa xưa ông ngoại tôi là một gia đình khá giả. Ruộng của nhà có vài mẫu lại có nghề mổ lợn nên gia đình lúc nào cũng sung túc. Thời đó, ruộng đồng chỉ có một vụ tháng mười. Những nhà nhiều ruộng vào mùa gặt đều phải thuê mướn người làm. Dưới ánh nắng hanh hao, lúa trên đồng mênh mông nhuộm màu mật ong chờ người gặt hái. Một buổi sáng tinh mơ chưa nhìn rõ mặt người đã có một đoàn người đứng ở đầu làng. Ông tôi ra mặc cả công sá rồi đưa họ về nhà. Trong tốp người này có một cô gái mặt tròn trắng trẻo, hai mắt đen đẹp và buồn. Cô gái tên là Sen. Ông tôi để ý cô cứ làm lầm lũi cả ngày, không nói cũng chẳng bao giờ nhìn thấy nụ cười. Sau một ngày gặt hái mệt mỏi, cánh thợ gặt được bố trí ngủ dưới nhà ngang. Ông tôi cẩn thận cất giữ những bó rơm cũ từ mùa trước để rải ổ cho thợ nằm. Ông để ý cô gái có khuôn mặt tròn ấy bao giờ cũng nằm ngoài. Nhiều đêm ông thấy cô nằm co quắp không có chiếu. Bởi chiếu thì chật, người lại đông. Động lòng thương, ông lên nhà lấy một cái chiếu khác, nhẹ nhàng đắp lên cho cô. Cô gái ngồi dậy nói nhỏ:
- Ông chủ chưa ngủ ạ?.
- Không... tôi sắp phải làm hàng, cô ngủ đi.
- Em lạ nhà chưa ngủ được.
- Em lạ nhà hay em lạnh?
- ...
- Ừ nhỉ! Gà chưa gáy, hãy còn sớm, tôi ghé vào cho em ấm... có được không?.
- ....
Dưới ánh trăng nhờ nhờ của hạ tuần tháng mười ông để ý thấy cô gái im lặng, từ từ nghiêng mình ngả lưng vào ổ rơm. Chàng trai to lớn có đôi vai rộng ôm chặt lấy cô gái. Hai người truyền hơi ấm cho nhau trong hương thơm thoang thoảng của mùa lúa mới.
Đó là cuộc tình lãng mạn đẹp nhất sinh ra mẹ tôi. Sau vụ gặt ấy, cô gái "bỏ đàn" không về nhà. Và hình như bà không có dịp nào về quê nữa, bởi loạn lạc liên miên. Nỗi lòng của bà cứ gửi vào lời ru buồn mỗi lần nhìn về quê mẹ làm người nghe muốn òa lên khóc.
Sau này bà ngoại tôi sinh thêm được hai người một trai, một gái. Khi cậu tôi có vợ, chẳng hiểu sao bà lại dỗi bỏ đi sang ở nhà người bác họ. Tôi đến thăm bà đúng bữa cơm trưa. Nhìn bà nấu cơm mới giỏi làm sao. Nồi nấu bằng đất nung chứa khoảng hơn bát gạo. Bếp lửa chỉ bằng rơm, rạ, ngọn lửa làm sao phải thật đều để nồi đất không bị nứt mà cơm vẫn chín dẻo lại không khê. Bữa cơm của bà tôi đơn giản lắm, chỉ có một món duy nhất - dưa cải chua nấu với vài chú tép đồng. Lần ấy tan học vừa độ đói tôi được ăn cơm với bà. Nhìn tôi ăn ngon lành, thỉnh thoảng bà lại giục: "Ăn thêm tý nữa con" tôi ăn cứ nhoàng một tý là hết một bát. Rồi chẳng nhớ bà đong bao nhiêu lần, cuối bữa bà chỉ còn  một miếng cháy. Trưa hôm ấy tôi về nhà khoe với mẹ. Mẹ tôi không nói gì, lẳng lặng ra chợ mua hai bát bánh đúc đem vào biếu bà. Bà cười bảo: "Thằng này nó giống ông ngoại. Ăn khỏe  như hổ. Sau này phải giỏi, phải mạnh".
Với tình cảm sâu lặng ấy của bà, tôi đã viết bài thơ "Mùa lá rụng". Ở đấy thấp thoáng bóng bà tôi suốt thời thơ ấu.

Bánh phòng phành bà cho ngày ấy
Thấp thoáng một thời chợ xa
Thấp thoáng áo nâu vải Rồng
                                                 
Bánh phòng phành tan trong đầu lưỡi
Cả hương đồng lúa chín đọng trên môi

Lúc tôi ở tuổi chín, mười đất nước bước sang giai đoạn cách mạng lớn lao - cải cách ruộng đất. Dì tôi lúc ấy cũng vào tuổi thanh xuân ngoài hai mươi tuổi. Dì đẹp người trắng trẻo, cao ráo, có mái tóc đen dài như suối, dì có tên là Chín - dì đứng thứ chín trong nhà. Dì bảo: "Ngày trước loạn lạc dì bế con chạy giặc vẹo cả xương sườn. Lúc con 6 tháng tuổi tự nhiên ở nách nổi lên một cái nhọt to bằng quả ổi. Con khóc suốt ngày suốt đêm. Dì với mẹ con thay nhau bế. Cũng  may có một người mách bảo lấy ruột quả bí đao đắp vào. Thế là cái nhọt biến đi mất. Thật sợ ơi là sợ!".
Lúc ấy, tôi ngồi trong lòng dì khẽ cãi yêu: “Sao dì không để cho con chết đi. Con càng sướng".
- Thằng chó ạ! Cái cầm lẹm thế này chỉ có lém!.
Tôi ôm lấy dì cười tinh tích. Vài năm sau dì đi lấy chồng, dì lấy một người có tên gọi là chú Tư. Chú có nghề đặc biệt câu cá chuối. Làng tôi thời ấy sông ao còn hoang dã, cá chuối nhiều vô kể. Nhưng câu được chú cá to cũng không phải dễ đâu. Cá chuối rất thích ăn nhái. Do nhái thịt mềm, lưỡi câu hay bị hở. Chú Tư phải lấy cỏ gà buộc nút thế nào để khóa lưỡi lại là việc làm rất khó. Khi chú tung vút cần câu con mồi nhảy chồm chồm trên mặt ao bèo có khi lướt cả trên bè rau muống mà lưỡi câu cũng không bị vướng. Thế mới tài. Thủa nhỏ tôi cứ theo chú đi câu học mắc mồi vào lưỡi, chú cười bảo: "Về đi! Cháu phải học chữ, học làm gì cái nghề này". Ấy vậy tôi vẫn khoái đi câu lắm. Một lần chú giật được con cá quả cụ to bằng cái cột nhà. Con cá bị mắc câu lồng lộn lên lao vun vút. Lúc ấy tôi tưởng chú phải vươn cơ bắp, gồng lên để kéo cá. Như không! Đôi tay lực lưỡng ấy lại mềm dẻo như người đang múa. Chú vào thả cước cho con cá chạy, rồi lại nhẹ nhàng cuộn lại. Chà chà! Con cá to quá. Cái đầu đen sì đã nổi lên. Mỗi cái vẩy to như những đồng hào xếp lại. Tôi nín thở xem chú nhẹ nhàng tháo lưỡi. Rồi hai chú lấy cần câu khênh cá về nhà. Dì tôi đang gội đầu, dì ngẩng lên cười, vuốt mái tóc dài cho bớt nước. Chao ôi! Lúc đó tôi càng thấy dì đẹp. Một nốt ruồi nhỏ trên môi phải làm lúc nào dì cũng như đang sắp cười. Chú Tư bảo:
- Tý nữa mình mang ra chợ. Chợ đang đông đấy.
- Vâng! Anh kiếm cho em một cái gậy.
Dì cười vẫy tôi: "Cu chó khênh với dì". Tôi mừng quẩng lên vừa đi vửa rao "Ai mua cá cụ không!. Ai mua cú cạ không!". Con cá quả dài hơn người tôi, cái đuôi to như bàn tay người lớn quết xuống đường làng.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét