Trang

1 thg 9, 2013

Liệt sỹ Hoàng Kim Giao

HOÀNG KIM GIAO –
    MỘT NGƯỜI SỐNG  HẾT MÌNH  VÌ CÔNG VIỆC VÀ TRONG TÌNH YÊU
                                         Đinh Quốc Khải
     
Trong mấy năm gần đây, bên cạnh việc xuất bản các cuốn nhật ký của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm đang gây xúc động dư luận, một số báo như: An ninh thế giới, Tiền phong, Thanh niên,… còn viết nhiều về liệt sĩ Hoàng Kim Giao, một cán bộ  trẻ của viện ta, đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước.
Qua các bức thư anh để lại (sau gần 40 năm gia đình còn giữ được - và đã được in thành sách ) mọi người đều thấy ở anh một con người sống vì lý tưởng, hăng say học tập, rất dũng cảm và gương mẫu trong chiến đấu. Song trong cuộc sống nội tâm lại rất tình cảm, luôn lo lắng từng phút cho gia đình và người thân. Học tập tấm gương Hoàng Kim Giao, báo Tiền phong đã phát động phong trào viết về đề tài “Sống để yêu thương và dâng hiến”. Sự phát động của báo Tiền Phong đã được hưởng ứng, nhiều bài viết xúc động về liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã được đăng trên các báo.
 Trong hồi ký của các cán bộ đã cùng làm việc với anh Giao ở Phòng Nghiên cứu Điện tử ( anh Thái Quang Sa, anh Lưu Ngọc Phan ) đều nhắc về anh với lòng yêu mến, quý trọng. Anh Hoàng Kim Giao là người đầu tiên hy sinh trong công trình nghiên cứu chống phá bom từ  trường. Trong việc nghiên cứu đối phó với bom từ trường, sau anh Giao các anh Ngô Trọng Tài và Lê Hoài Tuyên đã hy sinh. Các anh đều là những cán bộ tài năng, những con người ưu tú của đơn vị và quân đội. Trong bài viết này tôi muốn nói về anh Hoàng Kim Giao, một người luôn sống hết mình trong công tác, trong học tập và trong cả tình yêu đối với gia đình.
            Anh Hoàng Kim Giao sinh năm 1941, Quê anh ở Hải Phòng, trong một gia đình có tám người con, anh là lớn nhất. Bố anh là cán bộ quân đội, công tác ở Thành đội Hải phòng, sau chuyển sang làm bí thư Đảng ủy nhà máy Cơ Khí Duyên Hải. Năm 1953, đoàn học sinh từ Hải Phòng sang Trung Quốc học có bốn người: Hỷ, Ngọ, Thế và Giao. Sau nhiều ngày đi bộ mệt mỏi, vừa đến Lạng Sơn thì đoàn bị máy bay Pháp ném bom. Sau trận bom, Thế hy sinh, Hoàng kim Giao bị thương ở cánh tay.Từ năm 1953 đến 1958 anh học ở trường thiếu nhi Việt nam ở Quế Lâm - Trung Quốc. Cũng từng là học sinh của trường này lúc đó nên tôi hiểu rằng: trường “Quế Lâm” đã để lại trong anh một nếp sống tập thể tốt đẹp, đầm ấm, tạo cho anh bước đi đúng đắn, vững chắc ban đầu để anh bước tiếp những chặng đường sau này. Năm 1960 anh nhập ngũ và về học trường văn hoá quân đội ở Lạng Sơn (nay là Đoàn 871 của quân đội ). Anh là trung đội trưởng, thuộc đại đội1 của tiểu đoàn học viên đầu tiên của trường . Một số cán bộ của Viện cùng học với anh lúc đó là các anh: Đinh Kim Dực, Nguyễn Hồng Vũ, Tống Ngọc Kiên vẫn nhớ rõ những ngày cùng học với anh. Trong cuộc họp mặt kỷ niệm 45 năm  của các cựu học viên D1 vào tháng 8 / 2005 vừa rồi, các anh nhắc đến anh Hoàng Kim Giao với nhiều kỷ niệm khó quên, một trung đội trưởng gương mẫu, chịu khó, ít nói nhưng rất chăm học, đặc biệt là học tiếng Nga. Sau này về học khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà nội ( khoá 1962 – 1966 ) anh tiếp tục học tiếng Nga (ngoại ngữ chính ở các trường lúc đó) và còn học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Còn tiếng Trung thì anh đã có vốn khá vững từ khi học ở Quế Lâm,Trung Quốc, vì vậy Hoàng Kim Giao là người khá về ngoại ngữ. Năm 1967 anh về công tác ở Phòng nghiên cứu Điện tử của cục nghiên cứu Kỹ thuật (tiền thân của Viện ta). Anh luôn tranh thủ thời gian để tự học, nâng cao trình độ và làm mọi việc với tinh thần trách nhiệm cao.
            Cuối năm 1967 địch ném loại bom mới xuống xã Thổ khối, Gia lâm, Hà nội, Viện KTQS kết hợp với bộ tư lệnh Công binh tiến hành rà phá thử để kết luận về nguyên lý hoạt động của bom. Anh Giao được Viện cử vào nhóm nghiên cứu này do anh Trương Ngọc Vĩnh chỉ huy. Tháng 9/ 1968 anh được Viện cử làm trưởng đoàn công tác (gồm: Hoàng Kim Giao, Lưu Tuấn Kiệt, Phạm Văn Cư, Lương Ngọc Tước, Lê Văn Viện, Đặng Sĩ Mốc ) đi vào tuyến vận tải thuộc bộ tư lệnh 500  trên địa bàn quân khu 4 để huấn luyện và trực tiếp phá gỡ bom mìn, giải toả ách tắc giao thông ở một số trọng điểm. Là kỹ sư trưởng đoàn, anh Giao đã thể hiện tinh thần chiến đấu rất dũng cảm và gương mẫu, luôn động viên anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tháng 12/1968, địch ngừng ném bom trên miền Bắc Việt nam, đoàn anh Giao được lệnh của Viện trở về Hà nội. Chiều ngày 29/12 đoàn dừng chân ở xã Nam Hưng, Nam đàn, Nghệ an. ở đây còn một số bom từ trường chưa nổ, vì vậy cán bộ địa phương đề nghị anh em giúp phá bom. Sau khi xem xét, anh Giao quyết định đoàn ở lại phá gỡ số bom này. Ngày 30/12 đoàn chia thành hai nhóm, một nhóm do anh phụ trách ( có Cư và Tín ) xử lý để tháo ngòi MK-42 ở quả bom phía ngoài. Nhóm thứ hai do Kiệt phụ trách (có Tước và Viện) phá quả bom ở phía trong cách đó khoảng 700m. Đồng chí Phạm Văn Cư kể lại: “Hôm đó thấy anh Giao hơi mệt, vì tối hôm trước anh và Tước nói chuyện với nhau rất khuya, tôi đề nghị anh đứng cảnh giới để tôi cầm thuốc nổ lên xử lý bom, nhưng anh không đồng ý, anh nói: “ Quả bom này hơi khó để mình trực tiếp làm, hơn nữa tớ biết cậu mới có con trai, cậu ở đây cảnh giới để mình lên, cậu không được hy sinh để sau này con còn được gặp bố…” Sau đó anh Giao cầm gói bộc phá nhỏ lên, đánh lần thứ nhất để đào đất làm cho phích nối điện ở thân bom lộ ra. Sau đó anh ra hiệu cho chúng tôi  ở dưới mang thêm bộc phá lên cho anh. Đồng chí Lương Trung Tín (lái xe, thuộc bộ Tư lệnh 500) mang thuốc nổ lên, khi còn cách bom vài mét thì bom nổ, anh Giao và Tín hy sinh tại chỗ. Ngay đêm đó địa phương tập trung toàn bộ dân quân để thu gom di hài và làm lễ truy điệu hai anh ngay tại nơi hy sinh. Anh Lưu Ngọc Phan viết trong hồi ký: “tại lễ tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Kim Giao ở Viện KTQS, cả đơn vị bùi ngùi xúc động thương nhớ anh, thương nhớ người đảng viên chưa kết nạp của Đảng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…” 
             Tháng 7/ 2005, gần 40 năm sau khi anh hy sinh, chị Hoàng Thị Kết, chị Hoàng Liên Thái (các em gái anh Giao), nhà báo Đặng Vương Hưng và các đồng chí Phạm Văn Cư, Lương Ngọc Tước, Đặng Sĩ Mốc ( những đồng đội cùng đi với anh Giao năm 1968 ) đã tìm về đúng nơi anh hy sinh ở Nam hưng- Nam đàn- Nghệ an để tưởng nhớ anh. Tại điểm quả bom nổ, các chị đã lấy một ít đất, mang về Hải Phòng rải lên mộ của bố và mẹ để anh Giao trở về quây quần bên bố mẹ thân yêu của mình.
            Theo đề nghị của Viện, nhà nước truy tặng thiếu uý liệt sĩ Hoàng Kim Giao huân chương chiến công hạng 2. Viện KTQS đã ghi tên anh trong danh sách những cán bộ tham gia công trình “Nghiên cứu chống phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ 196 đến 1973”. Công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996. Ơ phòng truyền thống của viện Điện tử- Viễn thông, ảnh của anh và các liệt sĩ khác được treo trang trọng dưới lá cờ đơn vị anh hùng.
         Ngày 21 / 12 / 2009, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định số 2054/QĐ truy tặng danh hiệu  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ngày 28 / 5 / 2010 Viện ĐT –VT làm lễ trọng thể đón nhận quyết định của Chủ tịch nước. Tham  dự buổi lễ có tất cả cán bộ chiến sĩ của Viện, người thân trong gia đình của anh Giao, các bạn bè và đồng đội của anh Giao. Buổi lễ trang nghiêm, xúc động và ấm áp tình đồng đội, tô thắm thêm truyền thống của Viện.
            Để thêm tư liệu về tấm gương sống trong sáng, thuỷ chung của anh Hoàng Kim Giao, xin đăng kèm ở đây bức thư cuối cùng anh gửi cho bố mẹ, một bài thơ anh gửi tặng người vợ trẻ khi đang ở nơi núi rừng xa xôi và hai bài thơ do các em gái anh viết về anh trai mình.  

Bức thư cuối cùng anh Giao gửi bố mẹ trước lúc hy sinh

                                                               Ngày  11 /10 / 1968
          Cậu  Mợ  kính  yêu
          Trước khi đi công tác con không báo tin được cho cậu mợ vì chỉ có một  vài giờ mà phải chuẩn bị nhiều thứ quá. Hôm nay, sau hơn một tháng làm công tác, con nghỉ để chuẩn bị đi đợt mới con tranh thủ viết thư về để cậu mợ yên tâm.
Từ 29/9 con bắt đầu đi vào Khu 4. Hiện giờ con đang ở Hà Tĩnh và sắp tới con sẽ đi vào Quảng Bình và sâu hơn chút nữa. Cùng đi với con còn có 5 đồng chí chiến sĩ nữa. Đi để thu thập chiến lợi phẩm và phá bom nổ chậm. Một tháng qua con đã phải đi khá nhiều đường đất vất vả và cả đói nữa; nhưng cũng có nhiều điều đáng mừng. Con được đi tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường Khu 4. Ở đây có những quãng chỉ 2km phải chịu tới 5.000 quả bom. ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn và trong đội ngũ kiên cường đó những chiến sĩ phá bom là những người được yêu quý nhất. Có những lúc phải phá bom trên sông, trước mặt bao cảnh thương vong vì bom đạn giặc con vẫn dẫn đầu anh em bơi lội trên sông, phá thông luồng lạch gây một niềm  tin vững chắc cho các chiến sĩ giao thông. Có những lúc phải phá bom mở đường ở các trọng điểm đánh phá trên bộ, dưới làn bom đạn dày đặc của máy bay giặc Mỹ, bị sức ép nhiều lần, anh em thương vong gần hết nhưng con của Cậu Mợ vẫn vững vàng tổ chức các đồng chí Đảng viên gan dạ nhất phá sạch bom đạn giặc, cho xe thông đúng 12 giờ sau lệnh ngừng bắn. Anh em  lái xe trên tuyến đường này đã dành cho chúng con những phần thưởng rất đáng quý.
Dù đứng giữa bom đạn giặc hay dưới làn mưa đạn máy bay con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên pháa trước. Cậu Mợ ạ! ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con nửa tiếng sau đã bị hy sinh. Có lúc phải động viên sự hy sinh của từng người. Những lúc đó như mọi người con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy dủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi. Cậu Mợ và các em con sẽ thương nhớ con nhiều. Sức khoẻ của Cậu Mợ cũng mau bị giảm sút. Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết và lúc đó con nghĩ rằng cần phải sống nhưng không thể từ bỏ trốn tránh những hy sinh cần thiết và lúc đó con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom.
Lệnh ngừng bắn đã tạo cho con thuận lợi lớn trong công tác, nhưng những hy sinh của các chiến sĩ phá bom vẫn còn tiếp tục. Những lúc đứng trước những quả bom nổ chậm hay chờ tiếng bộc phá nổ con nghĩ tới Cậu Mợ, tới các em con ở xa. Cậu Mợ và các em  con có biết con sẽ thế nào không nếu quả bom nổ. Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày xum  họp, nghĩ tới những ngày hoà bình và con nghĩ tới ước mơ ngày về gặp mặt Cậu Mợ và các em  con. Con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để tết các thể về với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ có. Đến tết khi con về nhà, con sẽ kể lại cho Cậu Mợ nghe những ngày tháng chiến đấu ngắn ngủi, thầm lặng của con và con sẽ được ăn nhiều thứ, ăn đủ các loại rau. ở đây con chỉ được ăn toàn đồ hộp lương khô, gạo rang, nước suối. Bao giờ tết về Cậu Mợ cho con ăn một bữa xôi chè thật no như hồi bé lúc ở với Cậu Mợ con vẫn được ăn. Cậu Mợ kính yêu của con! Cậu Mợ đừng lo cho con. Con làm việc với lòng tự tin và ý thức trách nhiệm với tập thể và với những người thân yêu của con. Nếu người chiến sĩ công binh không được sai sót một lần trong đời thì người chiến sĩ công binh ấy - con của Cậu Mợ xứng đáng là người chiến sĩ công binh ưu tú. Cậu Mợ đừng lo lắng cho con, Cậu Mợ giữ gìn sức khoẻ để tết về con được vui. Cậu Mợ bảo nhà con rằng con không viết được thư cho nó nhưng chả lúc nào con không nghĩ tới nó cả. ở đây tìm được tờ giấy, ngòi mực viết lá thư không dễ chút nào có khi đổi bằng máu xương cơ. Cậu Mợ bảo nhà con tết khi nó được nghỉ cứ về luôn Hải Phòng để xe đạp lại gửi cơ quan cho con, khi nào được về con sẽ đạp xe về, đừng ở Hà Nội chờ con. Con mong Cậu Mợ được khoẻ mạnh, đừng lo lắng nhiều cho con. Con sẽ về chỉ sớm hay muộn mà thôi.
                                                Kính thư,  Con của Cậu Mợ
      
      Bài  thơ  tặng  vợ
BÔNG HOA RỪNG
Anh đi giữa núi rừng trùng điệp
Chọn tặng em  một đoá hoa rừng
Đi đi mãi giữa rừng hoa đẹp
                       Không đoá hoa nào giống những ước mong.

Cũng đã có những mùa phượng nở
Tóc người thương, gió biển quyện lời thơ
ánh trăng bạc và màu xanh biếc
Vẻ diệu huyền sáng những ước mơ.

Cũng đã biết những bông hồng rực rỡ
Hoa báo điềm  hạnh phúc tuổi yêu đương
Cánh hoa nhỏ mong manh rực đỏ
Đã nở rồi trong mắt người thương

Vạn đoá hoa tươi trên đường chiến đấu
Càng yêu thêm màu sắc cuộc đời
Anh giữ mãi muôn màu rực rỡ
Cùng cánh chim chao liệng biển khơi.

Cảm ơn Đảng đã nuôi con khôn lớn
Đã chỉ cho con màu sắc lá hoa
Đã gieo giữa tim  con hạt giống
Để lòng con rực rỡ sắc hoa.

Anh đi giữa núi rừng trùng điệp
Chọn tặng em một đoá hoa rừng
Bông hoa trắng như lòng em trong trắng
Giữa rừng hoa rực rỡ trái tim anh
                          Ngày 25/4/1968


    Bài  thơ các em gái  anh Giao viết về anh mình
                                 Thăm  anh
Hôm nay chúng em đến thăm anh
Bốn đứa chúng em, cùng ba cháu nhỏ
Khi ra đi chúng em cũng tính toan đủ thứ
Có nên chăng, rước anh về lại quê nhà
Khi đến nơI rồi chúng em mới thực nhận ra
Chắc không nơi đâu đẹp bằng mảnh đất anh đang yên nghỉ
Trước mắt anh bát ngát cánh đồng xanh lúa
Sau lưng anh vời vợi sao cờ  Tổ Quốc Ghi Công
Xung quanh anh đồng đội thật đông
Người hữu danh, người vô danh đủ cả
Anh ơi, xin cứ nằm đây yên nghỉ
Nam đàn – Nghệ an  địa linh hùng vĩ
Người đến thăm quê Bác Hồ sẽ ghé thăm anh
Đất anh nằm sẽ bớt lạnh quanh năm
Chúng em – những đứa em ở hai miền Nam Bắc
Luôn nhớ về mảnh đất Miền Trung
Nơi anh trai mình đang đêm nhớ ngày mong
Có nỗi đau nào đau hơn thế.                                 
                                                  Ngày  27 / 07 / 2001

Nỗi lòng cha mẹ
(Kỷ niệm ngày 3 chị em đi thăm mộ
anh Giao 22 /12  / 2004 )
Tôi còn nhớ ngày xưa có lần cha nói
“Mẹ các con sinh tám người con
Cả tám người đều đặn vẹn tròn
Thế cũnng đủ phong mẹ là anh hùng rồi đấy”
Khi xưa nghe vậy
Tôi chẳng để tâm.
Rồi tôi cứ lớn lên theo quy luật sinh tồn
Như trời sinh voi, ắt trời sinh cỏ
Đến khi không còn nhỏ
Nhất là khi tóc đã trắng mái đầu
Tôi mới thấy thương cha mẹ làm sao

Cha tôi suốt đời không một lần than khổ
Dù suốt một đời khốn khó vì con
Mẹ tôi chưa một lần được sắm nữ trang
Cho riêng mình, dù người rất đẹp
Đông con đói nghèo ai mà không biết
Nhưng cha mẹ vẫn vui vì có niềm tin
Tám người con rồi sẽ lớn khôn
Thành những người giỏi giang hữu ích
Tám người con là tám tấm huân chương trước ngực
Là nguồn vui vô tận đến từng ngày
Nhìn chim con lần lượt vỗ cánh bay
ánh mắt hiền hoà của cha bừng sáng
Gương mặt mẹ  tươi  hồng

Nhưng cuộc đời đầy nghiệt ngã bão giông
Bởi vốn  nó vẫn thường như thế
Mẹ gục xuống khi nghe tin kể
Con chim đầu đàn dấu yêu của mẹ
Đã bay xa và mãi mãi không về
Giá mẹ được như bà mẹ ở xứ kia (*)
Để đến bên mộ con thét gào, than khóc
Đòi đất trả con vàng con ngọc
Đất cũng chỉ lặng im không biết trả lời
Có nỗi đau nào đau hơn thế mẹ ơi!

Còn riêng cha nước mắt tưởng như vơi
Không! Cha đã cố nén đau
Để vuốt cho vơi đi nỗi đau của mẹ
Để trấn an cả đàn con thơ bé
Đang lo âu ngơ ngác sợ tan đàn
Nước mắt chảy ngược vào càng cào xé tâm can
Giá khóc được thành lời
Chắc cha sẽ đỡ đau như thế
Đau vì thương con ra đi khi còn quá trẻ.
Càng đau hơn khi biết con ra đi không được vẹn toàn
Như hình hài Cha Mẹ đã cho con
Hoà bình rồi cả đất nước sẽ hân hoan
Nhà nhà tưng bừng đón ngày hội mở
Nhớ người con không bao giờ về nữa
Đau thương trĩu nặng bốn vai gầy
Trăn trở đêm ngày, tay lại nắm bàn tay
Cha Mẹ dìu nhau trở về quê cha đất tổ
Dựng tạm mái nhà nơi đêm nghe ì ầm sóng vỗ
Cho nguôi ngoai nỗi nhớ khúc ruột đầu
Và ấp ủ nỗi niềm nơi những khúc ruột sau…

Khi tôi biết thương cha mẹ rồi
Cha mẹ không còn nữa         
_______________
(*) Bà mẹ ở xứ Cooc Don trong thơ Tố Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét