Trang

1 thg 9, 2013

Nhớ anh Ngô Trọng Tài

NHỚ ANH  NGÔ TRỌNG TÀI
       Lưu  Tuấn  Kiệt

            Vào những ngày đầu năm (1969) anh Ngô Trọng Tài và tôi được cử vào Hà Tĩnh để huấn luyện cho cán bộ cấp xã về phương pháp rà phá bom từ trường. Huyện đội Can Lộc Hà Tĩnh lúc ấy đang sơ tán ở xã Xuân Lộc cách cầu Nghèn vài cây số. Do tình hình cán bộ đông, nên Huyện đội Can Lộc đề nghị phân ra làm 2 nơi: Một tổ chức ở Huyện do anh Tài phụ trách, còn tôi dạy ở cụm thứ 2 xã Sơn Lộc.
                 Thời đó mang tiếng là lớp học, nhưng phải tổ chức ở ngoài trời. Bởi cả Huyện Can Lộc không còn một ngôi nhà nào để làm hội trường, các cơ quan, trường học hầu hết đã bị bom Mỹ phá sập đổ.
            Thường các đề cương tập huấn mỗi lớp có hai phần: Về lý thuyết giới thiệu về nguyên lý, cấu tạo bom từ trường. Sau đó là các biện pháp rà phá. Lúc bấy giờ Phòng Điện tử  đã nghiên cứu thành công cách rà phá làm bom nổ hàng loạt bằng khung dây nên lớp học tập trung thực hành phương pháp này. Thời gian lớp học thường tổ  chức trong ba ngày: Một ngày học lý thuyết, hai ngày tìm hiểu địa hình rồi giáo viên cùng học viên đánh nổ bom để minh chứng cho bài học.
            Những ngày mới đến, anh Bát cùng anh Tài (anh Bát cán bộ Huyện đội) tìm cho tôi một ngôi nhà “sang” nhất nhì xã Xuân Lộc. Trước nhà có một cây hồng rất to, lá xanh tươi trùm bóng mát khắp sân. Anh Bát giới thiệu: “đây là nhà O Hương”. Tôi chào O, mắt ngỡ ngàng thầm nghĩ “sao ở đất này lại có được cô gái xinh đến thế? ”. Còn nhớ lúc đó anh Tài nhấp nháy mắt, ra ngõ nói thầm với tôi: “Tốt ! dân vận nhiều vào cho các anh được nhờ!.” Tôi chỉ cây hồng mùa này đã hết quả nói với hai anh: “Có khi ... hồng cuối vụ rồi anh ạ?”
            Anh Tài là một cán bộ khoa học nhưng rất giỏi văn chương. Có lẽ ít ai đã thuộc toàn bộ cuốn Kiều của cụ Nguyễn Du như anh. Những đêm nằm với tôi, anh thường đọc cho nghe vài đoạn Kiều, và chạm bất kể một tích nào anh đều giải thích rành rọt. Tôi được biết Anh ở trong nhóm biên soạn cuốn từ điển Nga Việt đầu tiên, ấy thế mà anh có ở nước Nga một ngày nào đâu. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ anh là một người có tài, đúng với cái tên mà các cụ đã đặt cho anh.
            Dạo ấy trời Hà Tĩnh về đêm đã bắt đầu se lạnh. nhà O Hương lúc nào cũng có một bếp củi đỏ hồng. Buổi sáng anh Tài sang nhà tôi bao giờ cũng được bà mẹ O Hương rang cho hai anh em mỗi người một bát cơm với mắm cáy. Hạt cơm được rang giòn tan, rời từng hạt như cốm, mùi mắm cáy bốc lên thơm ngào ngạt tạo thành hương vị khó phai mờ. Trong cái rét se se của đất lửa miền Trung, có hơi ấm nồng nàn của than củi, anh Tài hay nói về Hà Nội cho bà mẹ và O Hương nghe. Từ những chuyện vặt vãnh, cái tàu điện như thế nào, làm sao lại chạy được, đến cái đài phát thanh cột ăng ten thật cao mà sao ở đây đài thu lại lúc bổng lúc trầm, đối với gia đình này thật mới mẻ. Nhiều lúc O Hương quên cả mình là thiếu nữ O len vào giữa, một tay ôm đầu gối anh Tài, một tay khoác tay tôi mắt tròn xoe nghe những chuyện lạ.
            Anh Tài người mập, giáng đi hơi nặng nề, về tới đất này anh mới nói đúng giọng quê mình Can Lộc. Sắp tới ngày mở lớp, anh Tài nói với tôi : “Cậu có về thăm quê tớ không? quê tớ chỉ cách đây có vài cây số thôi”. Tôi thích đi lắm nhưng vì vướng cái đồng hồ đo điện U1 cũ kỹ không hiểu sao lại bị kẹt kim. Qua ngày mai lớp bắt đầu học rồi, không chữa thì dậy học sao được? nên tôi đành nói cho anh vui lòng ”Anh về quê đi. Hôm nào xong lớp anh em qua lần nữa để chào làng xóm ”.
Lần ấy về quê anh vui vẻ lắm. Buổi tối anh kể tôi nghe chuyện họ hàng với nỗi buồn quê nghèo thăm thẳm. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng - cuộc đời anh như một định mệnh.
            Lớp học của anh Tài đã qua được một ngày, xong phần lý thuyết. lớp học của tôi mở chậm hơn nửa ngày. Anh Bát cán bộ huyện như con thoi, chạy đi chạy lại trông nom cả hai lớp. Ngày mai lớp anh Tài, giảng viên và cán bộ khung phải đi thị sát địa hình và cho đánh nổ bom để học viên tin tưởng vào bài học. Theo kế hoạch anh Bát trực tiếp làm với anh Tài vào buổi sáng hôm ấy, xong công việc anh trở về lớp tôi vào buổi chiều .
            Khoảng gần trưa (12 giờ) có một tiếng nổ rất mạnh làm rung chuyển cả vùng. Tôi mừng thầm, bom đã nổ, lớp học của anh Tài đã kết thúc tốt đẹp.
            Gần một giờ sau, một chiến sỹ của Huyện đội còn rất trẻ đến tìm tôi báo tin anh Tài bị thương đã đưa về bệnh viện huyện ở Vĩnh Lộc.
            Tôi bàng hoàng trong giây phút cố trấn tĩnh lại trao đổi nhanh với đồng chí lớp trưởng tạm dừng lớp học buổi chiều, và theo xe đạp tới bệnh viện. Hồi đó bệnh viện Huyện Can Lộc cũng phải sơ tán vào trong làng, ở nhờ trong nhà dân. Tôi xuống xe chạy vào phòng cấp cứu. Người bác sỹ nữ tầm trung tuổi bùi ngùi nói với tôi: “Anh Tài đã đi rồi”.
            Lúc bấy giờ anh Bát vẫn trực anh Tài ở nhà xác. Nhìn anh Tài nằm như ngủ, một bên đùi đã băng bó cẩn thận mà máu vẫn còn thấm ra ống quần. Tôi nắm tay anh oà lên khóc. Anh Bát kéo tôi ra ngồi xuống sân cỏ, anh cố gặng lời an ủi: “Cậu đừng buồn nữa, ở đây có sự định mệnh rồi. Mình và anh Tài đi thị sát đã biết quả bom này ở vị trí nguy hiểm, vì nó nằm nổi một nửa trên đất, xung quanh lại có đá. Sau khi căng dây xong anh Tài đã ngồi ở vị trí cao hơn để điểm hoả. Nhưng không may... thật không may một hòn đá to bằng cái mũ đã rơi trúng vào đùi anh. Chúng mình đã tập trung garô cho anh cẩn thận, nhưng vì phải khênh anh ấy từ trên núi xuống, lại đường tới bênh viện rất xa anh bị choáng, không qua khỏi ...”. Tôi bàng hoàng nhìn anh nằm kia, nước mắt đầm đìa mà không khóc được. Anh Tài ơi, bom đã nổ đúng với lý thuyết mà bao ngày đêm anh nghiên cứu, nhưng mất mát này nào ai có tin? Công việc mà anh để lại một mình em sao gánh vác được?
            Lúc ấy tôi gục xuống ôm lấy đầu gối mình, quên mất cả mọi người đứng xung quanh đang chờ đợi để hỏi thăm hoàn cảnh, gia đình người quá cố.
            Đêm ấy, tôi thức với anh tại nhà xác giữa cánh đồng xã Vĩnh Lộc trọn một đêm. Thỉnh thoảng tôi thắp một nén hương cho ấm cúng và bắn lên trời một viên đạn K54 cho đỡ lạnh lẽo.
            Có lẽ đó là một đêm để lại ấn tượng sâu nhất ở tuổi 20 của tôi. Sáng hôm sau trong đoàn người đưa anh ra nơi yên nghỉ cuối cùng, có vòng hoa của các cháu học sinh, có họ hàng người thân của quê hương anh vừa mới về gặp mặt.
         Tôi xin các đồng chí cán bộ huyện đội Can lộc nghỉ hai ngày để ổn định sức khoẻ sau đó lại tiếp tục mở ba lớp huấn luyện phá bom nữa. Vào một buổi chiều các anh Ngô Đức Thọ và Trương Ngọc Vĩnh vào thăm tôi. Sao lúc này được gặp các anh tôi sung sướng thế. Các anh biết tôi còn có lớp học không theo xe về được, anh Ngô Đức Thọ căn dặn: “Rút kinh nghiệm của anh Ngô Trọng Tài, phải thật an toàn khi giảng cách phá bom trên thực địa. không những chỉ an toàn cho mình mà cho cả học viên. Khi nào giảng xong cậu báo cáo với huyện đội và về Hà Nội ”  Anh Trương Ngọc Vĩnh ôm lấy tôi, đưa cho tôi một cây bắp cải. Thời ấy laọi rau này ở Hà  Tĩnh hầu như không có. Tôi mang về bếp trao cho các O trong ban hậu cầnh của lớp. Trưa hôm sau cả lớp được thưởng thức một bữa cơm có canh bắp cải. Hầu như mỗi người chỉ giám chan nước canh có một lần để nhớ cái vị thơm tho đặc sản của xứ Bắc.
        Ngày 29 tết năm ấy (vào tháng 2 năm 1969) khoá huấn luyện rà phá bom từ trường của huyện Can Lộc kết thúc. Tôi khoác ba lô từ Sơn Lộc về Xuân Lộc để chào mẹ và O Hương. Bà mẹ muốn giữ tôi ở lại ăn tết với gia đình. Biết tôi lúc đi có 2 người lúc về chỉ một mình, O Hương nắm tay tôi rơm rớm nước mắt, làm tôi xúc động nghẹn ngào. Hai chúng tôi cùng lặng yên nhìn về phía xa xa cánh đồng Vĩnh Lộc nơi có anh Tài yên nghỉ. Mảnh đất quê hương Hà Tĩnh đã sinh ra anh, giờ lại cho anh hoá thân vào hoa cỏ, để lại bao nhớ thương cho người thân, đồng đội, bè bạn...

                                                  Văn Giang, 3/8/2005- LTKiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét