Năm 1956 vùng quê tôi
bắt đầu thực hiện giảm tô cải cách tôi bước vào tuổi chín, mười. Trong rất
nhiều sách vở ngày nay bạn viết đã nói các quan điểm của mình về cuộc cách mạng
này, riêng tôi lúc đó là một đứa trẻ. Vâng! Tôi xin viết từ trái tim non nớt
của mình những điều hôm nay chưa ai nói.
Ngày xưa, tháng ba, ngày tám là những thời điểm giáp hạt. Các cụ đã có những câu ca "ngoài đồng vàng mơ trong nhà mờ mắt" - lúa ngoài đồng chưa ăn được thóc trong nhà đã hết. Những nhà nghèo thường phải cắp nón đến xin nhà giàu phơi lại rơm, đập lấy những hạt thóc lửng về nấu cháo. Còn nhà giàu thóc vẫn nhiều vô kể. Nhà có trên mười mẫu ruộng thóc dự trữ hàng kho. Tôi có thằng bạn nhà giàu có lần dỗi với mẹ nó trốn vào kho thóc ngủ. Lúc buồn tè quá nó tè luôn trên thóc. Vài ngày hôm sau cứ chỗ nào có nước đái của nó thì thóc mọc mầm. Nó dẫn tôi đi xem những cây mầm mọc tứ tung trong kho thóc. Lúc ấy nhà tôi không có thóc mà ăn. Tôi bỗng thèm được mình là nhà giàu. Ừ nhỉ? Thằng bạn sao nó sướng thế. Nó được sinh ra có kẻ hầu người hạ, đêm có người đun nước cho nó rửa chân. Nhà nó còn nuôi cả thầy giáo dạy riêng cho mình nó học. Nhưng tại sao nhà mình lại nghèo?. Một lần tôi hỏi cha tôi, ông bảo: "Nhà nghèo vì không có ruộng, suốt đời làm thuê cuốc mướn, ráo mồ hôi hết tiền". À ra thế! Tôi ngây thơ hỏi tiếp: "Ruộng của trời của đất. Tại sao nhà giàu có nhà nghèo không có?". Lúc ấy cha tôi trợn mắt lên:
- Cái thằng này! Chỉ
giỏi lý sự. Biết gì. Học đi!.