Trang

15 thg 9, 2013

Tạp Văn HEO MAY của Lưu Tuấn Kiệt -3

Năm 1956 vùng quê tôi bắt đầu thực hiện giảm tô cải cách tôi bước vào tuổi chín, mười. Trong rất nhiều sách vở ngày nay bạn viết đã nói các quan điểm của mình về cuộc cách mạng này, riêng tôi lúc đó là một đứa trẻ. Vâng! Tôi xin viết từ trái tim non nớt của mình những điều hôm nay chưa ai nói.

Ngày xưa, tháng ba, ngày tám là những thời điểm giáp hạt. Các cụ đã có những câu ca "ngoài đồng vàng mơ trong nhà mờ mắt" - lúa ngoài đồng chưa ăn được thóc trong nhà đã hết. Những nhà nghèo thường phải cắp nón đến xin nhà giàu phơi lại rơm, đập lấy những hạt thóc lửng về nấu cháo. Còn nhà giàu thóc vẫn nhiều vô kể. Nhà có trên mười mẫu ruộng thóc dự trữ hàng kho. Tôi có thằng bạn nhà giàu có lần dỗi với mẹ nó trốn vào kho thóc ngủ. Lúc buồn tè quá nó tè luôn trên thóc. Vài ngày hôm sau cứ chỗ nào có nước đái của nó thì thóc mọc mầm. Nó dẫn tôi đi xem những cây mầm mọc tứ tung trong  kho thóc. Lúc ấy nhà tôi không có thóc mà ăn. Tôi bỗng thèm được mình là nhà giàu. Ừ nhỉ? Thằng bạn sao nó sướng thế. Nó được sinh ra có kẻ hầu người hạ, đêm có người đun nước cho nó rửa chân. Nhà nó còn nuôi cả thầy giáo dạy riêng cho mình nó học. Nhưng tại sao nhà mình lại nghèo?. Một lần tôi hỏi cha tôi, ông bảo: "Nhà nghèo vì không có ruộng, suốt đời làm thuê cuốc mướn, ráo mồ hôi hết tiền". À ra thế! Tôi ngây thơ hỏi tiếp: "Ruộng của trời của đất. Tại sao nhà giàu có nhà nghèo không có?". Lúc ấy cha tôi trợn mắt lên:
- Cái thằng này! Chỉ giỏi lý sự. Biết gì. Học đi!.

Thế rồi câu hỏi của tôi trở thành sự thật, cải cách ruộng đất đã đem lại ruộng cho dân cày.
Tôi còn nhớ ngày nhận ruộng mỗi nhà cắt cót viết chữ bằng vôi trắng: ruộng nhà ông A ba sào, ruộng nhà ông B năm sào... những cái cót với vài dòng chữ ngòng ngoèo đã báo hiệu một hiện thực lớn lao - người nghèo từ nay đã có ruộng. Trước ngày được nhận ruộng, người làng tôi thức suốt đêm, chỗ nào cũng hội họp, hát cười vui như tết.
Nhưng cũng trước ngày đó, thằng Vạn bạn tôi hai mắt đỏ ngầu. Cha nó đã bị kết án tử hình - một tên địa chủ cường hào gian ác. Hôm mở phiên tòa thằng Vạn không được đến. Còn tôi cứ len lỏi vào theo mọi người. Nghe tin mở tòa án người khắp các xã đổ về. Từng đoàn, từng đoàn người chân đất áo nâu, vừa đi vừa hô khẩu hiệu: Đả đảo tên Bá Chi địa chủ cường hào gian ác! Đả đảo! đả đảo! đả đảo!. Ngày trước ông Bá Chi giàu có ghê gớm thế. Ai gặp cụ cũng phải tránh bước: Chào cụ Bá ạ!. Hôm nay trông cụ thật đáng thương. Vẫn bộ áo the khăn xếp, nhưng cụ co rúm trong tay hai người du kích xốc nách. Phải tới hàng mấy giờ đồng hồ hàng chục người lên đấu tố: người ta kể tội cụ quỵt công, thu sưu cao thuế nặng, có người chỉ mặt kể lại cái lần cụ đè ra hiếp.
Cụ bá lúc ấy gần như đã chết rồi. Ai nói gì cũng chỉ biết: Dạ! dạ! dạ!.
Gần chiều, tòa đọc bản án tuyên bố tử hình. Cụ Bá bị ba người du kích buộc chặt vào hai cây cọc đã chôn sẵn. Pằng! pằng! pằng! Cũng ba người du kích giơ súng lên đồng loạt bóp cò. Tôi nhìn thấy cái đầu của cụ ngoẹo xuống. Cái khăn xếp rơi xuống đất. Cụ được chôn cất ngay tại đấy. Người ta đào huyệt cho cụ từ hôm trước. Cải cách ruộng đất đã làm sập đổ toàn bộ uy lực của chế độ cũ, những ông Lý, ông Chánh... hầu hết đồng loạt bị bắt đi cải tạo và chính quyền đã thực sự về tay những người dân cày.
Phải mấy tháng sau thằng Vạn mới gặp tôi, nó bảo: "Nhà tao chẳng còn gì người ta cho ra ở góc vườn. Tao chẳng đi học nữa về mót khoai cho mẹ". Tôi biết nhiều khi nó đói quá dúi cho nó củ khoai. Nó ăn vội vàng sợ người khác nhìn thấy xuýt nghẹn mắt trợn cả lên. Vài ngày sau nó hỏi thầm tôi: "Bố tao chết có được áo quan không". Tôi gật đầu nhìn nó rơm rớm nước mắt: "Tao thương bố tao quá, bị cùm lâu ngày thối cả chân ra". Thảo nào cụ Bá không đứng được lúc nào cũng có hai người du kích xốc nách - tôi thầm nghĩ nhưng không nói cho bạn biết. Thời thế đã đổi giàu thành nghèo - mày cứ nghèo giống tao Vạn ạ!. Tối chẳng có ai đun nước nóng rửa chân cho đâu. Còn tao đã quen rồi, có khi mải chơi chỉ cần “ba xoa hai đập”. Giờ mày mới bắt đầu được nghèo rồi cũng quen đi. Chợt nhớ ra điều gì quan trọng, thằng Vạn ghé vào tai tôi: "Lại cụ Bá Giai chết rồi người ta đang vớt cụ ở dưới ao. Khiếp quá, đỉa bâu đầy vào người, vào mặt. Chú Tư nhà mày cũng vừa bị bắt”.
- Mày phịa?.
Thằng Vạn bữu môi rồi bỏ đi luôn. Tôi chạy một mạch vào xóm chùa. Cụ Bá Giai chết thật. Mọi người đang ồn ào tắm rửa cho cụ để đưa cụ ra đồng. Có tiếng người khóc thút thít. Vài anh du kích vác súng đi qua đi lại, có cả hai người đội lạ mặt đứng ở đấy. Tôi rẽ vào nhà chú Tư. Cái cửa liếp vẫn đang khép hờ. Dì tôi vẫn bế con ngồi trên giường. Tôi hỏi: "Chú Tư đâu?". Dì vẫn không trả lời. Có mấy giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt xanh xám. Dì tôi bảo: "Con bế em cho dì. Dì đi một chốc". Ngồi trên chiếc giường bằng tre, có giát cũng bằng tre, như mọi lần tôi phải lăn ra để cảm nhận cái êm ái của nó. Nhưng bây giờ... chắc chú Tư bị bắt thật nên khuôn mặt dì tôi mới thất sắc như thế. Tôi lẳng lặng bế em, bắt chước bà tôi khẽ ru: Chiều chiều ra đứng ngõ sau... em tôi hình như ngủ ngon hơn. Nhà yên ắng quá, có tiếng mọt kêu cọt kẹt và thỉnh thoảng chú mối nào hứng lên chậc lưỡi.
Một lúc sau chú Tư về, dì tôi đi theo nước mắt vẫn còn ngắn dài. Chú Tư bảo.
- Mẹ nó! Hôm nay sao đen thế. Cái tổ rồng rồng rõ ràng chiều tối qua tôi nhìn thấy. Vì thế mình mới đi câu sớm. Cũng tại cái rào tre mắc vào lưỡi câu, mình phải lội xuống, biết đâu cụ Bá nằm ở đấy. Mình sợ quá chạy về báo đội. Họ lại nghi mình giết cụ Bá. Nhưng cây ngay chẳng sợ chết đứng. Em cứ yên tâm họ chẳng lý do gì để bắt tôi được.
Ngồi nghe chú Tư nói tôi mới hiểu ra chuyện. Dì tôi lúc ấy khẽ bảo: "Anh dại quá. Đi báo đội là mang vạ vào thân. Lỡ anh thế nào, hai đứa con còn thơ dại em biết làm sao". Nói đến đây dì tôi hai hàng nước mắt lại chảy dài trên má.
Quả như lời dì nói, chú Tư liên tục bị hỏi cung: Ai là người cầm đầu giết cụ Bá? Bọn phản động đã tới lúc giết người để bịt đầu mối, phải khai ra! Tên Tư sẽ biết hết phải khai ra!.
Rồi cuối cùng chú Tư đã phải tìm đến cái chết. Ông thắt cổ ngay trong chuồng trâu ở nhà hàng xóm. Thật tội tình cho chú. Dì tôi sau gần một năm cũng đi theo chú trong những cơn ho thổ ra huyết, để lại hai đứa con thơ dại.
"Cái vụ án" cụ Bá Giai, sau này tôi được biết: cụ Bá bị quy là cường hào phản động, có con trai là đồn trưởng bốt địch. Như thế là phần tử nguy hiểm. Cụ cũng bị bức cung nhiều tháng liền, và cũng giống chú tôi phải tự tìm đến cái chết.
Người chết là hết chẳng biết gì. Người khổ nhất lúc đó lại là bà ngoại tôi. Thương con, thương cháu bà khóc ròng rã mấy tháng liền. Bà tôi cùng một người bác ruột chú Tư thay nhau trông nom hai đứa trẻ. Cũng may chúng nó ngoan, khỏe mạnh lớn lên trong tình thương yêu của mọi người. Chú Tư đặt tên cho hai em Pha và Phà. Lúc chín, mười tuổi các em đã biết xuống đồng mò cua bắt ốc vừa để ăn vừa để ra chợ bán. Một hôm, chúng bắt được con cá chép vàng ươm nặng tới gần một cân, hai anh em bàn nhau đem về biếu bà. Thằng anh xách cá, thằng em đứng gọi bà từ ngõ. Bà tôi lật đật từ trong bếp bước ra:
- Bà ơi! Chúng cháu biếu bà... chúng cháu biếu bà!.
- Ồ... con cá to đấy.
Thằng anh khẽ nói:
- Cháu đi mổ cho bà, bà chỉ việc kho thôi.
Bà tôi nhấc con cá lên cười hiền hậu: "Bà xin được rồi. Thế là quý lắm. Nhưng bà không ăn đâu. Các cháu mang về đi. Mang về bán đi, rồi đưa tiền cho bác đong gạo.
Hai đứa trẻ như không nghe thấy bà nói gì, chúng nắm tay nhau chạy vù về nhà. Một lúc sau chúng thấy bà xách con cá vào ngõ nhà nó. Cả hai đứa bỗng ôm nhau òa lên khóc làm bà tôi gạt nước mắt khóc theo. Bà mếu máo: "Bà không ăn đâu. Bà có lòng nào ăn của các con được".

*
Vào năm 1961, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ ca ngợi đất nước:
    Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
    Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
    Trông lại nghìn xưa, trông lại mai sau
Quả thật những năm đó Miền Bắc đang từng ngày thay da đổi thịt. Người dân cày có đất. Nhà tôi cũng được năm sào, mùa nào lúa cũng tốt ngợp bờ. Vào những ngày thu hoạch khắp làng sôi động. Mẹ tôi nấu cơm nếp đỗ đen, có cả muối vừng buổi trưa gánh ra đồng cho thợ gặt. Nhà nhà làm đổi công cho nhau, chuyện xóm chuyện làng vui như tết. Tôi đi học về cũng theo mẹ ra đồng đuổi chuột, bắt ếch.
Con chó vàng cha tôi nuôi nhiều năm, hồi nó còn bé có con bọ chét chui vào tai cắn thủng màng nhĩ nên cậu vàng cũng bị nghễnh ngãng. Nhưng được cái đôi mắt lại tinh ranh. Tôi và con vàng thỉnh thoảng ra đồng thăm lúa. Trừ lúc đi học, tôi đi đến đâu nó theo không rời một bước. Sau này tôi có những câu thơ cảm xúc viết về nó:

Ruộng nhà ta được mùa
Con chó vàng quẩng lên cào nát lúa
Góc bờ cha rấp mấy rào tre

Những ngày gặt, con vàng trở thành đắc lực cho gia đình. Cả ngày nó nằm trông lúa cho chủ. Thật kỳ lạ, nó có thể nhận mặt từng người thợ gặt. Còn nếu không phải, đố ai có thể mang đi một lượm lúa qua mắt con vàng!
Cũng những năm đó nhà tôi đã mua được một con nghé. Hơn một năm sau con nghé biết cày ruộng. Ngày nào đi học về, tôi cũng nhoáng nhoàng ăn vài bát cơm rồi cưỡi trâu đánh thẳng ra bãi. Con vàng đi sau như một vệ sĩ. Chúng tôi nghịch ngợm lấy mảnh chai vót sừng trâu cho thật nhọn. Con nghé của tôi ngứa sừng hay gây sự với bọn trâu trẻ. Rồi những cuộc chiến thường xuyên xảy ra, khi những chiếc sừng đập vào nhau chan chát nghe ghê rợn chúng tôi mới thấy việc vót sừng trâu là nguy hiểm. Và hậu quả tôi đã phải gánh chịu. Đó là lần con trâu càng vênh của thằng bạn đã chiến đấu với con nghé của tôi suốt một buổi chiều không phân thắng bại. Cả một bãi cỏ nát nhừ. Chúng tôi xô vào can chúng. Hai con trâu càng lồng lộn, bốn mắt đỏ ngầu. Lúc ấy tôi  thấy con vàng nghe chừng cũng nóng ruột. Bỗng nó nhảy chồm lên cắn vào đùi con càng vênh. Tức thì con càng vênh bỏ đối phương quay đầu lại đuổi con vàng. Hự… oẳng! Tôi chỉ kịp nghe hai tiếng ấy, con vàng đã nằm gọn trong chiếc càng vênh của con trâu thằng bạn. Ruột của nó xổ ra một đống, máu chảy ròng ròng. Hai mắt con vàng mở trừng trừng như oán trách khi tôi ôm lấy nó vào lòng oà lên khóc.
Xác con vàng được đặt trên lưng trâu. Chúng tôi như những chàng hiệp sĩ thất trận vừa chiến đấu với cối xay gió, lếch thếch trở về làng. Cha tôi nhìn con chó ông cũng rơm rớm nước mắt. Cha bảo: “Con đem nó sang cụ Tạo để cụ ăn thịt. Cái giống vật đã ở với mình có tình có nghĩa hàng chục năm, mình mà ăn thịt nó thì không còn gì là người nữa!”.

*
Con trâu của nhà tôi mỗi ngày một lực lưỡng. Một ngày nó có thể cày tới hai sào ruộng. Mẹ tôi đã phải đi học cày. Cả nhà có năm sào ruộng, trâu và người chỉ đủng đỉnh có một tuần là cày, bừa xong tất cả. Cũng vào những năm này thóc trong nhà tôi ăn không hết, cha tôi nuôi vài con lợn nên đã có tiền mua vôi gạch xây lại ngôi nhà. Mùa hè sân nhà có bụi tre trùm bóng mát. Những cây tre già cựa vào nhau trong gió nghe cọt kẹt vui tai. Cha tôi sai tôi mua một hươu rượu và gói lạc. Rồi ông trải chiếu giữa sân nhâm nhi từng ngụm thơm lừng để tận hưởng phút thanh bình. Tôi ngồi bên cha, thỉnh thoảng nhón một hai nhân lạc lòng cũng vui lây. Bất thần ông hỏi:
- Năm nay con học lớp bảy rồi, Chủ Nghĩa Xã Hội là thế nào con nhỉ?
Tôi e ngại trả lời:
- Con còn học ít. Thầy dậy Chủ Nghĩa Xã Hội là chung tất cả, đất đai, nhà máy là của mọi người.
- Ừ… nhưng phải có cái riêng chứ? Giả dụ cái nhà này, con trâu này phải của nhà ta?
Tôi lặng im không trả lời cha được, nhưng trong lòng vô cùng háo hức đến Chủ Nghĩa Xã Hội.
Vào thời kỳ này, làng quê bắt đầu có cuộc vận động vào hợp tác xã. Đêm đêm nhà nhà xách đèn bão đi vào nhà trưởng xóm để họp bàn. Mỗi lần họp về cha tôi cứ trăn trở, thở dài.
Cũng năm ấy, đoàn thanh niên cộng sản được giao nhiệm vụ mở con đường lấy tên đường “thanh niên” nối từ đường Mao (207) xuống cánh đồng làng. Có thể nói đây là con đường đầu tiên của Chủ Nghĩa Xã Hội ở quê hương. Thời gian không xa từ con đường này máy kéo sẽ về làng -công nghiệp hoá cho nông nghiệp cũng từ đây, nghìn đời người nông dân mơ ước!
Chúng tôi - một thế hệ trẻ háo hức làm suốt ngày vác đất đắp đường. Hợp Tác Xã cho một bữa cơm trưa, tối về ăn cơm nhà sau đó lại đến chùa làng, ngủ tập trung để mai đi làm sớm.
Đêm. Chùa làng được chia làm hai bên - phía ông Thiện rải ổ rơm cho con gái ngủ - Phía ông Ác cũng lót ổ rơm có mỏng hơn cho con trai ngủ. Chúng tôi ôm nhau. Con trai nói sang, con gái cười rúc rích. Anh chủ nhiêm mới Đỗ Văn Nguyên xách đèn bão tới thăm. Mọi người, không ai bảo ai cùng bật dậy. Anh hỏi:
- Các em ăn trưa có được no không ? Nhớ ngủ ở đây là ngủ tập thể. Cấm chạy sang nhau… Ở đây có ông Ác ghê lắm đấy!!!
Có tiếng con gái ngồi trong cùng nói chen vào:
- Đây… đấy… cái đang định chạy sang thằng Kiệt đây này!
- Ơ… ơ…
Rồi tiếng đấm lưng nhau thùm thụp trong tiếng cười trẻ trai, sôi động. Sáng hôm sau, tôi đã để ý cô gái “định chạy sang” đêm qua. Em khoảng mười năm, mười sáu tuổi, người gày cao, có nước da trắng, mặc chiếc áo len màu đỏ làm khuôn mặt em lúc nào cũng ửng hồng. Em có tên là Liên - con một gia đình địa chủ.
Chuyện đùa trước cửa phật đã trở thành chuyện thật cuộc đời, sau này chúng tôi đã lấy nhau, trải qua bao khó khăn gian khổ, nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Liên là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi khi viết được những trang này.

                                 *
Năm 1962, tôi thật may mắn thi đậu vào trường cấp 3. Lúc đó ở Văn Giang có 2 trường cấp 2, nhưng lại chưa có trường cấp3. Số học sinh đi thi có tới vài trăm người mà trường cấp 3 Khoái Châu chỉ cho Văn Giang chỉ tiêu một nửa lớp 29 học sinh. Vào được cấp 3 (1962- 1965) tôi được ngồi ghế nhà trường, trong khi đó đã có bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa đi vào cuộc chiến tranh không bao giờ trở về!
Vào cấp 3 tôi lại được tiếp tục học thêm ba năm trong quân đội. Ở đấy có người nấu cơm cho ăn, đào hầm cho ở - đó cũng là điều kiện may mắn cho tôi qua được cuộc chiến tranh.
Lúc này gia đình tôi đã vào Hợp Tác Xã. Mẹ tôi cũng đua tài với cánh “mày râu” ở trong đội cày. Một lần về thăm mẹ, bàn chân lội đồng nhiều đã nhuốm vàng, tôi có những câu thơ ghi lại:

Bàn chân mẹ màu ăn vàng nứt nẻ
Con trâu mệt nhoài nhai cỏ
Cha thả ưu tư sau khói thuốc lào

Vào mùa đông , cây xoan ngoài ngõ đã rũ trụi lá. Cái gốc của nó bóng mòn, con trâu ngày nào cũng cọ lưng gợi trong tôi bao nhiêu kỷ niệm. Bây giờ con trâu đã là của hợp tác. Một lần nhìn nó gày mo da mốc thếch, tôi hỏi mẹ. Bà bảo: “Ngày trước ở nhà mình nó chỉ cày bừa có 5 sào một vụ . Nay phải kéo 5 mẫu con xem làm gì nó chẳng gày . Vào thời vụ, hai thợ cày chung một con trâu. Người cày sáng, người cày chiều, buổi trưa trâu chỉ được ăn bó cỏ lại hộc tốc đi làm. Nhiều lúc mẹ thương nó rơi nước mắt”.
Thế rồi một lần tôi nhìn nó ra đồng đi như xiêu vẹo. Nó ngoái nhìn tôi như muốn nói gì, hai mắt đỏ ngầu nước mắt ngấn dài xuống cổ. Lần ấy nó không trở về làng được nữa. Người ta mang dao ra xả thịt chia khắp xóm làng.
Hợp tác xã cứ tiến dần lên cấp cao, nhưng việc làm ăn cứ mỗi ngày thêm trì trệ. Không có sức kéo đành lấy người ra cuốc cào đất. Cây lúa năng suất mỗi năm giảm dần. Nghĩa vụ xã hội vẫn phải đóng góp cho đủ. Bởi vậy, bình quân đầu người chỉ được năm cân thóc một tháng. Người dân lấy gì mà ăn để đi làm?
Một lần Tổng Bí Thư Lê Duẩn về thăm làng tôi. Ông chủ tịch xã mời lãnh tụ vào thăm  nhà bà Nhiêu Nuôi. Anh Ba hỏi:
- Gia đình có ăn sáng không?
Bà Nhiêu Nuôi lắc đầu: “Cơm hai bữa chưa xong, lấy gì để ăn sáng”.
Anh Ba giọng trầm xuống: “Bà bớt mỗi bữa một nắm gạo, nấu bát cháo để lấy sức đi làm”. Bà Nhiêu Nuôi gật đầu cảm ơn lời chỉ bảo ân cần của lãnh đạo khi hậu phương đang còn một gánh rất nặng trên vai là tiền tuyến. Nhờ có những năm tháng ấy tôi đã viết bài “Mùa màng”, bài thơ có đoạn:

Mùa màng trong tôi là tiếng kẻng gọi người chia thóc
Mẹ tãi mỏng trên sân hạt lúa hiếm hoi như sao trời mùa hạ
Đêm đêm người đập lúa nhịp nhàng
Đêm đêm sau điếu thuốc lào cha soi đèn xem giàn khoai giống
Đầu nhà rạ rơm chất đống
Tôi lăn tròn trong hương lúa thơm nguyên

                                 *
Ngày 14-2 (âm lịch) năm 1968, cha tôi qua đời. Chiều đó tôi đang bắt đầu thi thực tế máy Ra Đa CoH9. Cầm bức điện trên tay tôi oà lên khóc, nói thật to: “Cha ơi! Con có tội với cha rồi. Cha chết con không về được” - rồi tôi cúi xuống đất nhìn về hướng quê nhà lạy ba lạy liền. Lúc ấy cả lớp vây quanh tôi, không ai cầm được nước mắt.
Khi biết tin cha ốm nặng, tôi đã được một lần về thăm nhà. Tôi cầm tay cha - đôi bàn tay xanh như tàu lá. Cha nói nhỏ: “Cha nuôi được đàn cá. Bây giờ lụt lội nó đi hết cả rồi!”.
-  Vâng thưa cha! Chúng con là những con cá cố gắng qua được cuộc chiến tranh, qua được lụt lội để về phụng dưỡng cha mẹ, còn… có thế nào con… con xin lạy cha trước - nói đến đây, tôi ôm chặt cánh tay cha gày guộc, hai cha con nước mắt đầm đìa.


Ngày đầu ở Phòng Điện Tử

Cuối tháng 12-1966, một buổi chiều, đứng trên đồi của khu sơ tán trường Trung Cao Cơ Điện (Tam Đảo), chúng tôi nhìn thấy những cột khói từ phía Hà Nội đang cuồn cuộn bay lên làm đen cả vùng trời. Giặc Mỹ đã ném bom vào kho xăng Đức Giang. Chúng đánh vào Thủ Đô Hà Nội của chúng ta! Lòng căm thù và nỗi nhớ nhà ứ đầy huyết quản. Đêm ấy tôi cầm bút viết bài thơ “Lá thư hậu phương”. Vài ngày sau bài thơ được in trên báo Quân Đội Nhân Dân. Bài thơ có đoạn:

Thư em viết cho anh từ hậu tuyến
Khi lửa bom thù chưa nguội đất quê hương
Anh yêu ơi, quê mình đang thắng Mỹ
Tổ Quốc ta đâu cũng chiến trường
                           
Anh còn nhớ bóng nhãn trùm đầu ngõ
Mùa trăng xưa hai đứa hẹn hò
Nay giặc đã cày tung đất đỏ
Cây đổ rồi - nhà cũng cháy thành tro

Nhớ buổi sáng ấy, trung du trời se se lạnh, chúng tôi ra giếng nước đá ong đánh răng, rửa mặt. Có một chàng trai người tầm thước, cổ quàng cái khăn mặt trắng, anh chờ cho các bạn vệ sinh xong, nhìn tôi cười khẽ hỏi:
- Anh là Tuấn Kiệt, vừa có bài thơ trên báo?
- Vâng! Cảm ơn bạn đã đọc.
Chúng tôi bắt tay nhau làm quen và tự giới thiệu. Được biết anh là Nhâm Xuân Cóong, quê ở Thái Bình đang theo học lớp Điện Phát Dẫn. Rời trường Cơ Điện chúng tôi học tiếp khoá Ra Đa của Cục Quân Giới, rồi loanh quanh lại gặp nhau ở Phòng Điện Tử do anh Ngô Đức Thọ phụ trách - anh Trương Ngọc Vĩnh làm tổ trưởng tổ kỹ thuật.
Lúc đó cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vào giai đoạn ác liệt. Nhâm Xuân Coóng vẫn cái khăn mặt trắng quàng cổ, lại thêm cái xà cột đựng tài liệu đi khắp nơi để huấn luyện bộ đội cách rà phá bom từ trường.
Lúc bấy giờ chúng ta mới được trên giao cho một khu nhà bốn tầng ở công trường 800. Nhà trước ta là của Cục Quân Nhu. Đằng sau là cánh đồng lúa mênh mông của người dân Cầu Giấy. Lối vào nhà chưa có đường nhựa, cỏ mọc um tùm, lầy lội. Tôi và Coóng được sắp xếp ngủ chung một phòng ở tầng một. Phòng bên kia có người lái xe đã trung tuổi, người gày, cao lênh khênh, anh tên là Kim. Bữa cơm trưa đầu tiên chỉ vẻn vẹn có mươi người ăn. Anh Trương Ngọc Vĩnh giới thiệu hai người đeo kính cận là anh Phạm Quang Thụ và anh Hoàng Đức Du. Tôi thoáng nhìn anh nào cũng trầm tư và hiền. Bữa cơm gần xong , có một người thấp nhỏ, quần áo đầy bùn đất, chỉ thấy hàm răng trắng và đôi mắt đen thông minh. Anh vác tấm gỗ dài cũng đầy bùn đất, dựng vào đầu nhà. Anh nói rất to:
- Xin lỗi! Xin lỗi! Cho tôi ăn muộn một chút.
Anh Trương Ngọc Vĩnh nói nhỏ với tôi: “Hoàng Kim Giao đấy! Cái xe khí tài bị sa lầy, suốt sáng nay cậu ấy giúp ông Kim. Lên được rồi”.
Trong bữa cơm đầu tiên ấy còn có một người phụ nữ rất ấn tượng - chị Thái Thị Kim Nguyên. Chị học ở Liên Xô mới về, có giọng nói nhẹ, cái cổ cao trắng ngần rất “Tây”. Thấy tôi lính mới, ăn uống bẽn lẽn, thỉnh thoảng chị lại giục: “Ăn thật no vào. Cơm còn nhiều lắm em!”.
Khoảng một tuần sau, Phòng Điện Tử được điều về một loạt công nhân trẻ : Cư , Mốc, Tước, Viện, Chiến do anh Lưu Ngọc Phan - kỹ sư Bách Khoa phụ trách (cũng nằm trong tổ kỹ thuật). Sau này lớp công nhân trẻ đã xây dựng được xưởng cơ khí. Họ trở thành cánh tay đắc lực cho công tác nghiên cứu của Viện.
Phải tới một tuần anh Trịnh Đông A mới hướng dẫn xong toàn bộ từng bước nghiên cứu của Phòng Điện Tử, trong đó có nguyên lý nổ của bom từ trường và phương pháp rà phá, tháo gỡ bom. Sau lớp học, anh Trịnh Đông A giới thiệu anh Nggô Đức Thọ - trưởng Phòng lên nói chuyện. Anh Thọ người thấp nhỏ, có giọng nói Huế đã lai Hà Nội do lâu ngày anh ra Bắc hoạt động. Anh nói chuyện về những năm tháng trưởng thành từ ngành thông tin quân đội, rồi anh kết luận:
- Các đồng chí mới về, mỗi người cố gắng hoàn thành công việc của mình. Chúng ta có hai nhiệm vụ quan trọng, phải từng ngày bám sát chiến trường để đối phó với địch về các loại bom mìn có đầu nổ điện tử. Và việc cần làm ngay là phải thu hồi đầu nổ MK42 để về nghiên cứu, mới nắm được địch cải tiến thế nào. Ở Mỹ có tới hai trăm nhà khoa học chuyên nghiên cứu về loại đầu nổ này.
Ngay lúc đó, chúng tôi đã có những suy nghĩ về công việc của mình. Chúng tôi sắp bước vào chặng đường nguy hiểm. Tháo gỡ đầu nổ trên quả bom còn hoạt động thì sự hy sinh là không tránh khỏi. Nước Mỹ có hai trăm nhà khoa học - trong đó chúng ta chỉ có vài chục người - một cuộc chiến không cân sức, làm sao để thắng được giặc Mỹ? Nhưng trong sâu thẳm mỗi người bấy giờ là tinh thần quyết tâm đánh giặc và tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng như anh em ruột thịt .
Khoảng mươi ngày sau, Phòng Điện Tử có một đoàn đầu tiên vào Quân Khu Bốn để thu hồi đầu bom. Đoàn có sáu người. Anh Hoàng Kim Giao làm trưởng đoàn, tôi được cử làm phó đoàn. Chúng tôi phải chuẩn bị cấp tốc những dụng cụ chuyên dụng cho việc tháo bom. Xưởng cơ khí phải sản xuất nhanh các loại: búa, đục, tuốc lơ vít, tất cả phải bằng đồng. Riêng tôi phải chuẩn bị, đồng hồ vạn năng, bộc phá, kíp nổ, dây cháy chậm để phá ổ điện nằm ở giữa thân bom.
Trước ngày đoàn lên đường, buổi sáng tôi dậy đánh răng rửa mặt sớm. Chị Thái Thị Kim Nguyên đưa cho tôi một cái khăn mặt bông. Chị nói nhỏ: “Chị cho em. Đi giữ sức khoẻ. Sớm về”. Tôi đỡ cái khăn trên tay chị lòng trào lên xúc động. Tôi khao khát tình cảm một người chị gái. Mẹ tôi sinh ra tôi cũng có một người chị tên là Nguyên, nhưng chị đã mất từ lúc tuổi chín, mười. Bởi vậy tôi làm sao quên được những tình cảm mến thương của chị. Thật thiêng liêng và sâu nặng biết bao!
Anh Hoàng Kim Giao vẫn sôi nổi, nhanh nhẹn dặn dò đôn đốc anh em chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho đủ cơ số tới được Quân Khu Bốn. Tuy mới biết nhau nhưng hoàn cảnh của anh chúng tôi đã rõ. Anh xây dựng với chị Lan nhiều năm rồi vẫn chưa có con. Lần ấy, đoàn được Đại tá Hồng Kỳ - Tư Lệnh Trưởng Bộ Tư Lệnh 500 tiếp. Ông rất yêu quý anh em ở Phòng Điện Tử. Những chiến sỹ kỹ thuật vào lần này ngoài việc thu hồi, tháo đầu nổ còn giúp mặt trận giải toả ách tắc do bom từ trường của địch. Khi ra về, ông còn tặng cho đoàn rất nhiều đường sữa và đặc biệt là hai thùng bột trứng.
Anh em chúng tôi đêm nằm thường hay nhớ nhà nói chuyện tếu. Chúng tôi chất vấn anh Giao tại sao chậm có em bé. Anh tủm tỉm cười: “Tại tớ... tại tớ xa vợ” - chúng tôi cười ầm lên. Anh bảo cưới nhau mấy năm cộng lại ở với vợ chưa được một tháng, toàn những lúc mình bị mệt!!!
Chúng tôi lúc ấy còn trẻ, chưa hiểu hết câu anh nói nhưng cũng thấy thương thương. Rồi tất cả đoàn cùng nhau “biểu quyết” một việc quan trọng làm anh Giao cũng bị bất ngờ: Cả đoàn chỉ được ăn một thùng bột trứng. Còn thùng kia để nguyên tặng anh chị Giao khi đoàn trở về Hà Nội.  Lúc ấy, tôi không nhớ anh Giao nói gì, giọng nghẹn ngào như sắp khóc.
Đoàn vào tới Bộ Tư Lệnh 500 được gặp một người đã cắm chốt từ lâu của Phòng Điện Tử  là anh Thái Quang Sa. Anh ôm từng người sung sướng như được gặp người thân xa cách lâu ngày. Tôi nhìn hai bắp chân anh đầy vết sẹo của muỗi, vắt rừng biết anh đã từng trải bao gian khổ của chiến trường. Anh Sa lúc ấy vào khoảng 35 -40 tuổi, người vạm vỡ, sức vóc khoẻ như hổ. Anh bảo vào đây mình chưa mất một viên thuốc. Nhưng anh vẫn dặn dò anh em khi ngủ phải chú ý gài màn. Vì chúng ta đang ở gần rừng núi, không phải như ở Hà Nội.
Ngày hôm sau, anh đưa cho chúng tôi xem các loại đầu nổ, anh đã tự tháo. Tôi nhìn anh trong lòng thán phục như đứa trẻ xem biểu diễn xiếc ở rạp. Sau đó anh còn giảng giải nguyên lý nổ của các loại bom này. Rồi anh giở ra một tập bản vẽ có ghi chú cấu tạo và cách tháo gỡ mà anh đã biên soạn tại chiến trường. Thái Quang Sa đúng là một người anh cả, có tinh thần độc lập tác chiến, không ngại hy sinh gian khổ mà ngay lúc đó tôi đã cảm nhận về anh.
Mấy ngày sau, phà Linh Cảm bị ách tắc do  địch thả bom từ trường nhiều lần. Anh Thái Quang Sa đề xuất một phương án táo bạo - căng khung dây qua sông. Hôm đầu tiên chúng tôi đi thực địa để đo đạc cụ thể và dự trù nguyên vật liệu, khí tài cho trận đánh.
Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố thơ mộng. Được biết đây là dòng sông chảy qua vùng đất Đức Thọ (Hà Tĩnh). Bấy giờ trời đất đã vào thu, dòng sông trong xanh, uốn quanh các làng mạc, rồi khuất dần vào các triền núi. Xa xa, thấp thoáng trên bờ cát, những cô gái bắp chân trắng ngần đang gánh nước về nhà. Thoáng chốc hồn thơ trong tôi dâng lên:

Một dòng sông hiện lên mênh mang
Có phải tên sông Ngàn Sâu hay Ngàn Phố
Nghe rạo rực đôi bờ lộng gió
Em đứng chờ ai - sao gánh nước chưa về?

Thế nhưng dưới dòng sông phẳng lặng kia, lại có bom từ trường - thần chết đang rập rình gây yểm hoạ! Tôi nhìn bến phà Linh Cảm không một bóng người qua lại. Bên này sông mấy ngọn đồi bom đạn cày, đất sạt lở đỏ loét như một vết thương khổng lồ. Bây giờ không nhớ hết từng chi tiết về khung dây căng trên phà Linh Cảm dài bao nhiêu. Nhưng có lẽ đây là cái khung dây lớn nhất trong lịch sử phá bom từ trường của Viện Điện Tử. Chúng ta phải huy động hàng tạ dây đồng trần để căng qua sông trùm lên toàn bộ phà Linh Cảm, lại còn phải huy động nguồn ắc quy từ đoàn xe của Bộ Tư lệnh, lại còn phải đào hầm, an toàn cho người điểm hoả, tất cả công việc nhiều như vậy mà chỉ vẻn ven có mươi người làm. Mà phải làm thật khẩn trương khi máy bay địch chưa tới thả bom. Lần ấy, chính tận mắt từng người trong đoàn được nhìn thấy bom rơi từ dưới cánh máy bay. Anh Thái Quang Sa bảo: “Nếu nhìn quả bom chỉ như một cái chấm là bom rơi vào khu vực mình. Các cậu thấy bom dài như quả bí thế kia, tức là bom rơi ở xa. Sau loạt bom nổ, chờ máy bay đã vòng đi không còn dấu hiệu quay lại, chúng tôi cho điểm hoả. Hàng chục quả bom từ trường nổ ở phà Linh Cảm. Có quả nổ ở dưới sông dựng cột nước lên cao ngất. Có quả nổ trên bờ, tung đất đá bay vèo vèo. Dòng sông trở lại thanh bình. Chúng tôi đi nhặt cá chết nổi trắng cả mặt sông, về làm bữa liên hoan mừng thắng lợi.
Đêm hôm ấy phà Linh Cảm thông xe, nhưng ít người biết có công của cán bộ, chiến sĩ Phòng Điện Tử.
Vài ngày sau, anh Thái Quang Sa lại có lệnh vào sâu hơn - Bộ Tư lệnh Tiền Phương 559.
Đoàn chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ thu hồi đầu nổ bom từ trường. Đây không phải là công việc đơn giản. Bởi các đơn vị công binh, T. N. X. P. ở các binh trạm, họ chỉ biết nhiệm vụ phá bom thông đường , không mấy người biết tháo đầu nổ. Nên đoàn chúng tôi phải trực tiếp đi tìm bom và tự mình làm việc này.
Cuối năm 1968, Giôn-Xơn tuyên bố ngừng ném bom ở Miền Bắc. Cũng đêm đó là đêm hội của Hà Tĩnh. Những đứa trẻ lâu ngày ngủ dưới hầm, không được dùng đèn dầu vì sợ máy bay địch ném bom, bây giờ đã được lên khỏi hầm, chúng đốt đuốc reo hò chạy xung quanh làng. Chúng vác xoong chảo ra gõ, đốt đèn kéo nhau ra đường để hưởng phút quê hương thanh bình.
Đoàn chúng tôi lúc đó nhận được lệnh trực tiếp của Đại tá Hồng Kỳ ra ngã ba Đồng Lộc để cùng công binh, T. N. X . P. thông đường. Ở đây chiến tranh phá hoại đã lên tới đỉnh cao của sự ác liệt. Đồng Lộc mênh mông như thế mà không chỗ nào không có bom đạn cày xới. Ta mở đường địch phát hiện, ném bom phá hoại. Hỏng đường này lại có đường khác. Đường chi chít như mạch máu trên bàn tay người. Đêm hôm ấy Đồng Lộc rực lửa. Đuốc cháy cắm làm tiêu đường, đuốc cháy cho công binh tháo bom, hò reo lăn bom xuống hố để san nhanh làm thành mặt đường. Chúng tôi không nhận được ra nhau, người nào cũng phủ một lượt đất đỏ. Tất cả chỉ nhận ra giọng nói và tiếng cười tươi trẻ. Phải tới gần sáng ta mới thông đường. Lúc đó tôi cảm thấy người rã rời, chỉ mong có một vạt cỏ để lăn ra ngủ. Bỗng nhìn thấy cuối trời có vầng trăng hạ tuần rất xanh. Rồi một giọng hò cất lên xoá tan quang cảnh ác liệt của chiến trường. Phút kỳ lạ đó đã mở tứ cho tôi viết bài “Âm hưởng giọng hò” ngay lúc đó tôi đã đọc được mấy câu thơ cho anh Hoàng Kim Giao và các bạn nghe:

Đêm nay là đêm trăng xanh
Anh đi phá bom trên ngã ba Đồng Lộc
Đường đã thông rồi chưa ngủ được
Chuyện có gì đâu cũng nhớ nhau?
(sau này bài thơ sửa lại “đêm nay” thành “đêm ấy”).

 Anh Giao  khi đó tủm tỉm, nói đùa: “Cậu phải lòng o nào rồi?”. Rồi anh em cười ầm lên quên hết cả mệt mỏi.
Trong những ngày Mỹ ngừng ném bom, ta đi trên đường đã dễ dàng, nhưng việc thu hồi đầu nổ càng khó khăn hơn. Chúng tôi đi từng trọng điểm để tìm những quả bom nổi trên mặt đất, dễ tháo. Đoàn tạm thời chia làm hai nhóm, vừa đi vừa hỏi dân ở đâu có bom từ trường để đến tháo đầu nổ. Hồi đó các đơn vị bộ đội, T. N. X .P. và cả người dân đã biết trong đầu nổ có đèn bán dẫn dùng lắp đài (ra đi ô), nên đầu nổ trở thành một vật quý, không mấy đơn vị tháo được trao cho ta. Tháo bom trở thành “săn” bom là công việc hàng ngày của đoàn.
Trời đã vào cuối thu, nắng ở miền Trung vẫn gay gắt. Mỗi ngày chúng tôi trở về gặp nhau như khác đi. Người nào cũng gày đen hốc hác. Chúng tôi lăn lộn suốt hai tháng trời, có mặt trên hầu hết các trọng điểm của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ Truông Bồn, Ô Rước đến Xuân Sơn, Đá Đẽo… đoàn đã có 29 đầu nổ MK42. Và quả thứ 30 - quả bom định mệnh lại là trên đường về tới xã Nam Hưng (Nghệ An), anh Hoàng Kim Giao và anh Tín lái xe hy sinh!
Về Hà Nội được vài ngày tôi lại phải đi công tác ngay, không được dự lễ truy điệu các anh. Nhưng kết quả công tác của đoàn lúc ấy rất quan trọng. Số đầu bom thu được đã giúp cho Viện nhiều năm nghiên cứu chống phá bom từ trường. Đầu nổ MK42 đã được chế tạo thành dụng cụ đo lường - có độ nhạy của đầu bom, chúng ta đã xác định được cự ly phá bom của khung dây, xe phóng từ, ca nô phóng từ, tạo niềm tin cho các chiến sĩ công binh và T. N. X. P., dân quân địa phương sau mỗi lần huấn luyện rà phá. Với thành tích ấy và sự hy sinh dũng cảm khi tháo bom cho công tác nghiên cứu khoa học,anh Hoàng Kim Giao sau này đã được Nhà Nước truy tặnh danh hiệu anh hùng- năm2001 .
(Còn nữa)

2 nhận xét: