Cứ cẩn thận vẫn là hơn
Phòng Điện Tử có hai anh
được “phong” chữ “Đại”. Đó là anh Hoàng Đức Du - Đại Du (người Cao Bằng) và anh
Phạm Quang Thụ - Đại Thụ (người Hà Nội). Tôi mới về hay tò mò. Một lần cùng đi công tác, tôi hỏi anh Ngô Trọng Tài
(sau này anh hy sinh ở Can Lộc - Hà Tĩnh), anh tủm tỉm bảo: Thằng Đại Du, cậu
cứ tốc ngược chữ lên là biết. Tôi à một tiếng rồi ôm bụng cười. Anh Hoàng Đức
Du học ở Nga (người dân tộc Tày), năm1979 tôi được gặp anh chuyển công tác về
Cao Bằng. Anh còn mời tôi đến quê anh ở Hoà An, nhà anh còn nghèo, mái lợp cỏ tranh,
tường tre nứa, nằm nép mình dưới chân núi đá. Lần gặp ấy cũng là lần cuối cùng,
anh sung sướng tự tay mình mổ hẳn một con chó vàng để hai anh em cùng uống
rượu.
Còn anh Đại Thụ lại có biết
bao nhiêu chuyện. Anh là người quá cẩn thận. Nếu buổi sáng lính trẻ chúng tôi
đánh răng rửa mặt chỉ mất khoảng mươi, mười năm phút. Nhưng anh nhỏ nhẹ cũng là một tiếng! Anh rửa đôi bàn tay thôi
cũng phải mất mười năm phút. Nước máy xối ào ào. Có lần thủ trưởng Khánh sốt
ruột đứng ngoài nhà tắm giậm chân lên: Thế này thì chết!.
Nhưng ở lâu làm việc với
anh mới thấy bao điều phải học. Vào đầu năm1970, tôi được giao giúp anh xác
định chính xác ngưỡng nổ đầu MK42. Việc này không phải đơn giản. Chúng tôi phải
làm nhà bạt trên sân trước nhà bốn tầng. Rồi căng khung dây cố định, đặt đầu nổ
ở các góc độ khác nhau. Sau đó cho dòng điện chạy vào khung dây. Cường độ dòng
điện là bao nhiêu đầu MK42 nhận tín hiệu đưa ra kíp nổ. Công việc tưởng đơn giản
thế thôi nhưng đầu nổ nằm dưới nhà bạt, lúc nắng, lúc mưa mỗi ngày một khác. Anh
Thụ thấy tôi làm nhanh quá luôn nhắc: “Từ từ đã cậu. Cứ cẩn thận là hơn!. Từ
đấy tôi làm chậm đi. Tôi lấy kết quả từng ngày đo đạc, sau một tháng lấy số
liệu của biểu đồ trung bình ra được độ nhạy của đầu nổ MK42. Sau này các khung
dây phá bom, xe phóng từ, ca nô phóng từ có thể tính toán sơ bộ cự ly nổ đều từ
số liệu này. Và đặc biệt từ đó chúng ta tìm được ngưỡng bom bị liệt còn gọi là
ngưỡng khống chế. Đề tài khống chế bom sau này được triển khai rộng rãi, toàn
phòng dồn tất cả lực lượng, nghiên cứu, sản xuất để nhanh chóng vận dụng cho
chiến trường. Tổ cơ khí làm việc ngày đêm, chế tạo mẫu máy khống chế đầu tiên
do anh Lưu Ngọc Phan thiết kế. Còn chúng tôi thí nghiêm nhiều tháng trời lấy số
liệu để kết luận độ an toàn khi đưa máy vào vận dụng. Kết quả, chúng ta đã kéo
được máy bơm xăng ra khỏi khu vực có bom từ trường ở Cổng Trời - BT- 12.
Có lần rất vui anh Thụ nói với tôi: Tớ cẩn
thận, sạch sẽ như thế nhưng chưa bằng cụ thân sinh ra mình đâu . Cụ mỗi lần ra
vào nhà, phải lấy khăn mặt lót vào quả đấm, rồi mới mở cửa. Tôi trợn mắt lên
mỗi lần được nghe những chuyện lạ như thế. Qua nhiều năm cái mệnh lệnh “cẩn
thận vẫn là hơn” đã thấm vào đầu tôi trở thành đức tính. Nhiều lúc nói vui với
anh em, tôi bảo mình cao số, nhưng thực ra mấu chốt là bình tĩnh và cẩn thân
vẫn là hơn, khi rà phá bom, điều cực kỳ quan trọng mà ít người để ý là phải
quan sát góc nghiêng của quả bom khi rơi xuống đất. Trường hợp này anh Ngô
Trọng Tài đã hy sinh vì không xác định được vùng bom nổ. Cẩn thân vẫn là
hơn - mãi mãi là đức tính của người làm
công tác khoa học và kỹ thuật. Cảm ơn anh Phạm Quang Thụ đã dạy tôi điều ấy!
Ở phòng Điện Tử có hai anh
Đại, nhưng chỉ có một anh Hai - đó là anh Phan Văn Kỉnh. Anh là cán bộ Miền Nam ra Bắc tập kết. Tôi được đi công tác với anh vào
Đoàn 559 cùng anh Phí Văn Thái. Đây là lần đi sau ba anh đã hy sinh: Hoàng Kim
Giao, Ngô Trọng Tài, Lê Hoài Tuyên, không khí lúc ấy của phòng Điện Tử cực kỳ
căng thẳng. Tôi còn nhớ trước khi đi, chị Hà - vợ anh Hai nói nhỏ với tôi: “Chú
đi, nhớ mang anh về cho chị”. Tôi nhìn thấy chị Hà cúi xuống ngân ngấn nước
mắt.
Chiến trường bắt đầu vào
mùa khô. Chúng tôi phải mang ba lô, súng đạn, khí tài theo các trạm giao liên
để vào Bộ Tư Lệnh. Rừng Lào mênh mông, những con đường của ta mới mở có chỗ đi
tạm được, có chỗ còn nhoe nhoét bùn đất. Đường lại không bằng phẳng, lúc lên
đồi, lúc xuống núi, chân người nào mỗi bước cũng như nặng thêm, không rút khỏi
bùn đất. Phải sau mấy ngày chúng tôi mới tới được Bộ Tư Lệnh.
Người chúng tôi gặp đầu
tiên là Đại tá Diêu - Cục Trưởng Cục Công Binh. Ông có dáng hình thấp nhỏ,
giọng nói Nam Bộ. Được biết ông nghiện thuốc lá rất nặng, vì thường phải thức
trắng đêm, chỉ huy thông đường cho xe. Ông tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà
mái nứa, xung quanh trình tường đất. Anh em công binh lấy hai cây vầu to ghép
vào nhau làm thành ghế ngồi. Khắp nhà hãy còn mùi ẩm ướt sau những cơn mưa dai
dẳng. Ông vui vẻ bắt tay từng người, rồi vào trong buồng ngủ lấy ra một con dao
cạo đưa cho anh Hai Kỉnh: “Cạo râu đi đã! Ở chiến trường râu tớ đây này” - ông
lấy tay xoa vào cằm mình đã cạo sạch sẽ nhẵn thín. Tôi ngồi đằng sau anh Hai
bưng miệng không dám cười to. Quả là có mấy ngày râu anh khiếp thật! Rồi lại
nhớ câu “Cứ cẩn thận vẫn là hơn” lúc nào cũng đúng.
Vài ngày đầu, anh em được
nghỉ ngơi ăn, ở trong doanh trại dã chiến của Cục Công binh. Việc quan trọng
của đoàn là theo dõi địch thả bom từ trường ở các trọng điểm và thu hồi đầu bom
ở các đơn vị. Bởi thế mới sinh ra cái sự đi nhiều! Anh em chúng tôi thay nhau
đi. Ở đâu có điện gọi về có bom từ trường là đến.
Một lần tôi với anh Phí Văn
Thái cuốc bộ cả ngày để tới được trọng điểm, nghe đâu địch vừa thả bom mới.
Đường đi rất trống, không có một bóng cây, hai bên địch vừa rải mìn lá, giẫm
vào là bay chân ngay. Trên trời OV-10 cầm canh suốt ngày, lúc nào cũng sẵn sàng
chụp đạn xuống đầu. Được nghe anh em công binh ở đây phổ biến kinh nghiệm, nếu
đi trên đường trống trải có OV-10 phải đi hai người hai bên đều nhau. Ở trên
máy bay, chúng sẽ không phát hiện được ta dang chuyển động. Chúng tôi cũng “cuốc”
theo đội hình như vậy. Nhưng mỗi lúc máy bay tới gần anh em lai phải ngồi sụp
xuống không dám đi nữa. Đường tới trọng điểm còn rất xa. Cứ hành quân cái kiểu
đứng, ngồi thế này, đến đêm không tới được thì thật là nguy hiểm. Tôi bảo Thái:
“Cứ đi thôi! Việc nó nó làm, việc ta ta làm. Nó cối, chưa chắc đã trúng, có
trúng chưa chắc đã chết. Ở đây đêm xuống là chết tất, trong rừng này nguy hiểm
lắm”. Thế là chúng tôi cứ đi trong cái nắng đầu mùa chang chang rát mặt. Buổi
trưa ăn tạm phong lương khô, uống nước suối cho no bụng, rồi lại lên đường. Mãi
tới tà tà mặt trời mới đến được trọng điểm. Nhưng kết quả lại chẳng được gì. Ở
đây địch chưa thả bom từ trường. Thật là nước sông công lính!
Vài ngày sau lại có điện từ
một binh trạm về phòng tác chiến - anh
em công binh ở đây tháo được đầu nổ từ trường. Anh Hai Kỉnh và tôi xuất quân
ngay chiều hôm ấy. Nhưng lần này đi bằng ô tô bám theo xe chở hàng vào.
Chúng tôi đến nơi tập kết
xe rất sớm. Anh em lái xe đã lục tục ăn cơm, có người đang kiểm tra xe để sẩm
tối là xuất phát. Xe của ta nhiều quá, chiếc nào cũng đầy ắp hàng. Ở đây mới
thấy được sức mạnh của hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Dưới tán của những
cây lim già, hàng trăm xe tải, cái nào cũng phủ bạt màu xanh giấu mình giữa
rừng đại ngàn.
Chúng tôi được bố trí ngồi
đằng sau một chiếc xe không bạt của đoàn. Chiếc xe này có lẽ của hậu cần, chỉ
thấy xếp nhiều những bao tải gạo và những thùng gỗ lớn nhỏ.
Đêm. Xe rầm rì nối nhau
dưới ánh đèn rùa mờ nhạt. Đường xóc khủng khiếp. Tôi thương anh Hai nhiều lúc
bị tung lên như quả bóng. Lần đầu tiên được hành quân với chiến sĩ lái xe trong
đêm, tôi thỉnh thoảng hỏi người phụ lái: “Chỗ này là đâu rồi?”.
- Đường 9 đấy.
Đường trống, gần địch lắm, không được hút thuốc lá!
Tôi nghển cổ lên, cố nhìn
về phía xa xa xem nơi nào có ánh đèn điện là Hiền Lương, Đông Hà, Quảng Trị nơi
bao nhiêu năm đất nước mình bị chia cắt, mà lòng khao khát ngày Tổ quốc thống
nhất - thanh bình. Nhưng trong đêm chỉ thấy núi rừng chập trùng. Rồi xe đi vào
trọng điểm, hai bên đường không còn một bóng cây cối nào sống sót, người và xe
đi trong đất bụi mịt mù. Được biết nơi đây lần trước đã có hàng đoàn xe bị C130
bắn cháy. Bởi vậy không ai bảo ai họ cũng cẩn thận cứ là hơn, các xe đều tắt
đèn lên đèo. Họ bám theo vết mờ của đường, nhớ từng vòng cua, từng cái ổ gà.
Quả thật đã có nhà báo nói: lái xe Việt Nam giỏi nhất thế giới. Thật không
sai!
Quá nửa đêm, tôi đã thấy
bụng đói cồn cào mà không còn cái gì ăn được. Bên cạnh, anh Hai vẫn ngả lưng
vào cái bao gạo, chẳng biết anh có ngủ được không. Bỗng nhìn bên tay tôi có một
vật gì trăng trắng. Tôi quờ sang. Chà chà! Một xoong cơm, cái vung đã bị bật ra
ngoài. Tôi lau hai bàn tay vào áo, bốc một nắm ăn thử. Chao ôi, chưa bao giờ
tôi thấy miếng cơm ngon như thế! Tôi gọi anh Hai:
- Nhậu đi anh.
Anh Hai bật dậy:
- Cái gì mày?
- Cơm dẻo lắm!
Hai anh em tôi ăn tới đâu,
bụng thấy ấm lên tới đấy. Tôi ngả người vào bao gạo đã thấy hai mắt nhíp lại
không mở ra được. Rồi đánh một giấc ngon lành. Rất may đêm ấy địch “ngồi chơi
xơi nước” không có máy bay bắn phá. Chúng tôi tới binh trạm an toàn.
Lần này, anh em công binh
tháo được một đầu nổ, lại là cái “của lạ” MK42-md2 cái mà chúng ta đang tìm.
Thật mãn nguyện!
Mấy hôm sau, anh Hai bảo
tôi: “Cậu về Hà Nội ngay. Đầu nổ quý như thế này để ở đây mình không yên tâm”.
Tôi chia tay anh, chia tay
anh em trong Cục Công binh. Chiều hôm ấy Đại tá Diêu gửi tôi một lá thư và một
đôi giày cao cổ cho gia đình đang sơ tán cách quê tôi khoảng mươi cây số. Sáng
hôm sau, nhờ được xe của sư trưởng Biền Sơn chúng tôi về Hà Nội. Tôi ôm anh Hai
nghẹn ngào xúc động. Anh còn phải ở lại tiếp tục chặng đường gian khổ. Ở nhà
chị Hà đang trông anh từng ngày mà anh chưa về được! Tôi thấy mình như có lỗi,
nước mắt vòng quanh.
Phòng Điện Tử thời gian này
đang sôi động đi hợp tác sản xuất xe phóng từ, ca nô phóng từ ở Q153, Q154 và
xưởng Bạch Đằng (Cảng Bạch Đằng).
Anh Nhâm Xuân Coóng vừa vác
ba lô vào chiến trường để làm nhiệm vụ huấn luyện và bàn giao xe chuyên dụng
này cho các đơn vị rà phá bom. Tôi phải nhận nhiệm vụ ngay, ra xưởng Bạch Đằng
cùng anh Lưu Ngọc Phan theo dõi tiến độ sản xuất ca nô phóng từ. Phải nói rằng
để sản xuất được một xe phóng từ, ca nô phóng từ trong hoàn cảnh đất nước lúc
bấy giờ là sự cố gắng, táo bạo của các cấp lãnh đạo và các ngành chuyên môn.
Bởi mỗi xe chuyên dụng này, sản xuất được ra nó cực kì tốn kém vật liệu và công
sức. Chúng ta muốn cuốn được cuộn phóng từ trên xe bọc thép (sử dụng vỏ thép
làm lõi từ) phải cuốn tới hàng tạ dây đồng cỡ lớn - loại dây cứng có vỏ cô tông
cách điện, lại cuốn vào khung xe, đảm bảo từng vòng cách điện không bị chạm
chập là việc làm rất khó, công nhân cực kì vất vả. Không những thế, nguồn điện
để rà phá lại sử dụng máy phát điện một chiều. Cầu dao đóng ngắt phải chịu dòng
điện tới hàng chục ampe dẫn đến hồ quang lớn, cực kì nguy hiểm. Mỗi lần ca nô
hoặc xe phóng từ xuất xưởng, chúng ta phải đo được cự li phá bom đúng theo
thiết kế, mới được kí vào văn bản nghiệm thu. Có một lần phòng kĩ thuật xưởng Bạch
Đằng báo cho tôi biết chiếc ca nô theo hợp đồng đã sản xuất xong, mời ta ra đo
đạc cự li nổ để xuất xưởng. Nhưng suốt chiều hôm ấy chúng tôi đo đi đo lại cự
li nổ cứ tụt đi 20m. Mỗi lần cầu dao đóng tải, máy phát điện lịm đi và tia hồ
quang phụt ra dữ dội. Ngoài trời bỗng mây mưa kéo về mù mịt mặt sông. Người
trưởng phòng tóc đã hoa râm nói nhỏ với tôi: “Cậu kí cho mình đi! Anh em công
nhân mệt mỏi quá rồi”. Tôi cầm tờ giấy định kí nhưng lại nhớ tới những người
bạn thân Nhâm Xuân Coóng, Chử Ngọc Bích và bao chiến sĩ công binh đang ở trọng
điểm. Cự li phá nổ giảm đi 20m là có thể bị thương vong cho người thao tác rà
phá.
Ngoài trời gió mội lúc một
mạnh. Tôi nói với người trưởng phòng: “Sáng mai chúng ta xem lại”. Rồi xách túi
đi thẳng ra bờ Hồ Hoàn Kiếm cho kịp tàu điện. Bỗng có các cành cây kêu răng
rắc. Một người dân phố chạy ra kêu lên: Bão! Bão! Tiếp theo là những cây cổ thụ
gốc bằng hai người ôm đổ quật xuống đường. Tôi nhìn ra bến tàu điện toàn bộ
hàng phượng vĩ trong chốc lát đã gãy gục xuống mặt hồ. Thiên nhiên thật là ghê
gớm! Quần áo ướt sũng trong mưa, tôi chờ ngớt bão cuốc bộ nhanh về đơn vị.
Sau này được biết cuộn dây
phóng từ của chiếc ca nô chưa nghiệm thu, trong khi công nhân cuốn dây có sơ
suất bị chạm chập. Rất may là ở lớp ngoài cùng. Tôi lại nhớ câu “Cứ cẩn
thận vẫn là hơn” bao giờ cũng đúng.
Những ngày gian nan
Cùng chung sự thiếu đói của
đất nước, người lính ở mặt trân có phần gian khổ hơn. Năm 1972 tôi lại được cử
tới Bộ Tư lênh 559 ở cùng Cục Công binh để trực tiếp theo dõi tình hình Mỹ sử
dụng bom từ trường và tìm cách đối phó. Cục Công binh ở trên đỉnh một quả đồi
dưới rừng lim già, ở đây có thể nhìn thấy dãy núi đá trập trùng của rừng trường
sơn. Buổi sáng, ánh bình minh còn bảng lảng hơi núi đã nghe thấy tiếng chim kêu
cùng từng bầy vượn hú. Tôi để ý ông Hy trưởng phòng thường dậy sớm. Ông là
người Hà Nội có nước da trắng trẻo, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng hơi châm chạp. Ông
có thói quen ăn tỏi sống. Mỗi bữa ăn của ông phải có một vài nhánh tỏi. Có lần
ông nói: Nhà tớ ở Hà Nội gửi tỏi vào. Mình phải làm thế này. Rồi ông dẫn tôi đi
xem “vườn” tỏi của ông . Tôi ngạc nhiên nhìn một dẫy vỏ bình ắc quy, bình nào
cũng đầy ắp những cây tỏi lá to phàm phạp vươn lên xanh mướt. Trong đầu tôi
thoáng nghĩ làm sao ông có đủ nước để tưới tỏi? Nước ở đây hiếm lắm. Từ nhà
chúng tôi ở xuống được suối nước phải đi mất gần nửa giờ, dốc thật cao, trèo
tới đứt hơi. Ông tủm tỉm: Nước của các cậu cả. Sáng các cậu rửa mặt đổ ra đây
chảy vào thùng lương khô của tớ. Tôi à lên một tiếng, trong lòng cảm phục người
cán bộ già chi li và tằn tiện. Vào gần giữa mùa khô địch hoạt động càng mạnh,
đường tắc xe không thông tuyến được. Anh em thức đêm trực chiến liên tục, người
nào cũng bị mất ngủ già sọm đi. Một hôm bác Hy gọi chúng tôi dậy sớm: Các cậu
phải đi ngay! - ông lấy bản đồ ra chỉ, chỉ đoạn đường được gạch màu đỏ - đêm
qua địch ném bom ta cháy rất nhiều xe hàng. Cô Tần dẫn các cậu đến chỗ này lấy
gạo về. Phòng ta sắp hết gạo rồi. Bây giờ phải trông chờ vào sức thanh niên.
Các cậu mất ngủ mình biết. Cố gắng lên!
Ăn
sáng xong, chúng tôi tổ chức hành quân xuyên rừng, đến nhanh khu vực xe cháy.
Lần đầu tiên nhỡn thấy bản của người Lào Thưng, lúp xúp nằm rải rác trên thung
lũng. Bản yên ắng trong cái nắng gay gắt không một ngọn gió. Xa xa, thỉnh
thoảng vọng về tiếng gà rừng âm vang gọi bạn. Cụ Tần biết và vẽ tiếng Lào. Mỗi
lần gặp người ở đây cô dừng lại hỏi. Cô nói với chúng tôi: “Bản Lào ở vùng này
đó được giải phóng. Các đồng chí yên tâm. Đồng bào Lào cũng nghèo lắm, nhưng họ
rất yêu quý bộ đội Việt. Dường như ta đi cũng hai giờ nữa. Ta tạm nghỉ trưa ở
bản này rồi sau tiếp tục đi”.
Chúng
tôi leo lên nhà sàn của ngôi nhà, có lẽ to nhất bản. Một chàng trai người Lào
người đen bóng, quần đùi, áo dân tộc ngắn cũn ra cầu thang mời chúng tôi lên
nhà. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn ba người đàn bà, một già, hai trẻ ngồi ở góc nhà
sàn. Người nào cũng không mặc áo, hai bầu vú đen như gỗ lim, chắc nịch. Sau một
thời gian dài giới thiệu, cô Tần thẹn má ửng hồng nói nhỏ với chúng tôi: “Đây
là anh Khăm - Bun Khăm, còn kia là ba người vợ của anh, họ đẻ nhiều nhưng nuôi
được ít lắm, tất cả mới chỉ được một cháu thôi. Anh có hai con voi buộc ở rừng.
Anh mời chúng ta ăn trưa với gia đình”.
Một
lúc sau, người vợ trẻ nhất của anh quàng cái khăn che ngực đưa cho chúng tôi mỗi
người một típ xôi. Người Lào Thưng quen ăn xôi không ăn cơn hàng ngày như chúng
ta. Xôi được đựng vào típ đan biết tre giống như cái giỏ nhưng nhỏ hơn nhiều.
Một típ chứa được một hai đĩa xôi. Anh bạn ngồi cạnh tôi huých tay vao người
giục: Ăn đi! Tôi ngần ngại vẫn sờ sợ. Nhưng nhìn thấy chàng ranh này đó múc tay
vào giữa típ để lấy xôi ra. Lại thế! Hắn cũng sợ bẩn. Nếu bảo ngủ ở đây một
đêm, có lẽ chúng tôi không chịu nổi. Bởi nhà sàn có mùi hôi hám của bồ hóng,
của thuốc lá rê, của thức ăn được gác trên mái bếp và mùi nước đái trẻ làm cho
ta ngạt thở.
Anh
Bun Khăm cười hiền lành bảo chúng tôi: Bộ đội Việt Nam ai cũng phải đi giầy dép. Mình
đây chẳng cần đâu nớ. Bàn chân này gai rừng đâm phải gãy, giống như con voi
vậy. Chà chà! Anh chàng này ba vợ mà vẫn khoẻ như hổ. Tôi ra hiên chỉ vào cô
Tần.
-
Có thích không?
Bun
Khăm cười híp mắt, khe khẽ gật đầu làm cho cô Tần đỏ mặt trong tiếng cười tưởng
rung cả nhà sàn của lính. Bữa cơn trưa ấy thật nhiều ấn tượng ở xứ bạn. Tiễn
chúng tôi ra khỏi nhà Bun Khăm cứ nắm tay từng người lưu luyến. Còn ba người vợ
của anh thì vòng một tay che ngực, tay kia vẫy vẫy: Săm pai, săm pai á (chào
tạm biệt). Lúc ấy tôi có mấy câu thơ ghi lại cảm xúc này:
Săm pai! Săm pai!
Bao giờ anh trở lại
Trời bâng khuâng nắng tắt trên nương
Một đoá phong lan vừa hé nở
Hương hoa thoảng khắp rừng
Đoàn
chúng tôi qua bản là gặp rừng gianh. Gianh ở đây cao ngập đầu người. Màu vàng
hút mắt tới chân trời. Cái cảm giác màu vàng lúc ấy rất lạ. Nó có cái gì như bị
chìm ngập khi rừng gianh cao hơn đầu mình. Còn cái nóng thì khủng khiếp. Nóng
như bị ấp chăn bông trong mùa hè. Bởi không có còn một ngọn gió thổi vào người.
Đại ngàn gianh như hút hết gió, làm cho mỗi người mồ hôi ra như tắm. Bỗng một
người reo lên: Đường đây rồi! Anh em, đội hình hàng dọc chạy ào ra đó thoát
khỏi cái chìm ngợp, nóng bức của màu vàng xứ bạn. Con đường trước mặt chúng tôi
đất bụi ngập mắt cá chân, có màu đỏ như máu. Xung quanh hai bên đường Gianh đó
bị cháy trụi, xe đổ ngổn ngang, cái nào cũng bị cong queo, cháy trụi qua trận bão
lửa. Chúng tôi đi kiểm tra từng chiếc xe cháy xem còn hàng hóa gì. Một nỗi buồn
tiếc xót xa choán hết trong lũng mỗi người. Gạo đây ư? Mỳ chính đây ư? Lương
khô, thịt hộp đây ư? Tất cả đó thành than hoặc chuyển màu vàng nghệ. Tôi thoáng
nghĩ, nhớ lúc cha mẹ ở nhà vật lộn trên cánh đồng để lấy cây lúa vượt qua giông
bão. Rồi đến khi thu về, hạt mẩy, hạt ngon dành dụm cho chiến trường. Còn hạt
lộp, hạt đen bớt lại rau cháo nuôi nhau. Bây giờ nhìn những bao gạo đó trở
thành tro tàn! Thật xút xa căm giận kẻ thù.
Đến
quá trưa chúng tôi mỗi người tìm được một ba lô gạo gùi về đơn vị. Sáng hôm sau
chị em cấp dưỡng cho mỗi người một bát cơm như thường lệ. Bỗng, oẹ! oẹ! oẹ!... những tiếng ọc hắt ra liên tục trong nhà ăn.
Thôi bỏ mẹ rồi, cơm có lẫn xăng dầu! Một người nào đó nói to. Cô Tần chạy từ
nhà bếp lên, mặt tái mét, cuống cuồng phát thuốc cho từng người một. Tôi xoè tay
ra nhận “thuốc”. Cái gì đây? Ồ, một nhánh tỏi. Một anh bạn nghịch ngợm người
Hưng Yên cùng quê vỗ vào tay tôi: “Thế là chết bố Hy rồi. Lần này thì vườn tỏi
của bố sẽ bị xoá sổ!”. Tôi bấm bụng cười nhìn bác Hy mặt cũng tái nhợt mà cũng
chưa oẹ ra được. Cái giống ngồ ngộ độc xăng dầu phải ọc ra được mới xong.
Anh
em hậu cần có sáng kiến đem gạo ra suối ngâm một đêm, sáng hôm sau mới nấu cơm.
Quả nhiên ăn có đỡ kinh hơn. Ở đời cái đói làm cho con người thay đổi lạ lắm.
Tôi còn nhớ chuyện mẹ tôi vẫn kể: Năm đói Ất Dậu 1945, nhà tôi có cái ao, xung
quanh trồng khoai nước để nấu cho lợn. Rồi những người quê Thái Bình đói quá
lên xin về cả dọc lẫn củ. Họ nấu lên, ăn ngon lành chẳng ai kêu ngứa. Bờ khoai
nước nhà tôi đã cứu được bao nhiêu người qua nạn đói khủng khiếp đó.
Khi
những bát gạo cuối cùng kể cả cơm có xăng dầu đó hết. Anh em có nhiều sáng kiến
tìm chuối rừng thái mỏng, bóp muối ăn cho đỡ đói lòng. Nhưng chỉ được một hai
bữa, còn nỗi nhớ cơm cứ chập chờn trong đêm không sao nhắm mắt được. Không nhắm
mắt được thì nói chuyện tếu. Từ những kỉ niệm hôn chộm cô hàng xóm đến chuyện
tiếu lâm vách nhà có cái đinh mục… cũng được lính đem ra kể. Thế mà cũng không
quên được cái đói.
Bỗng một buổi chiều tôi được điều động đi công
tác vào sâu hơn tới Sư đoàn 470. Ừ thì đi, đi biết đâu thoát được cái đói. Hồi
còn nhỏ cha tôi vẫn bao: Mày sinh năm lợn (Đinh Hợi), thằng này lớn lên ăn no
lại nằm. Nhưng ngẫm nghĩ tôi chẳng bao giờ được cái diễm phúc ấy. Cả đời không
lúc nào được nghỉ ngơi. Được biết Sư 470 cách Binh trạm 14 một tháng hành quân
bộ. Ngày mai tôi vào nhập trạm giao liên. Bữa cơm đầu tiên có rau tàu bay luộc,
thịt hộp, cơm ăn hai bát. Chà chà! Ngon quá. Thế là thoát nạn đói. Buổi trưa
lại có một nắm cơm. Tôi thong thả nhai từng miếng cơm nắm, lại nhớ tới lời cha
tôi nói: Thằng này số con lợn, ăn no lại nằm. Ờ, có khi ông cụ nói đúng. Tôi đã
thoát vòng vây đói. Càng đi sâu càng no đủ hơn. Sư 470 hoạt động ở vùng ngã ba
Đông Dương. Bộ đội ở đó không thiếu gì thóc gạo, thời gian này Sư đoàn có nhiệm
vụ mua, vận chuyển gạo cho các mặt trận: Tây Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng… Chúng
ta có hàng tiểu đoàn gùi gạo, lại toàn chị em rất trẻ. Ngày nào cũng vậy, đoàn
chúng tôi đi vào gặp các em gùi gạo ra. Tôi không thể ngờ được những cô gái
mảnh dẻ, da trắng xanh vì sốt rét mà gùi được trên lưng những bao gạo to gần
bằng người. Một lần, ngồi nghỉ bên suối để ăn cơm trưa, tôi hỏi đùa một cô gái
rất trẻ:
-
Em ở đây, trông giống em gái anh quá!
Cô
gái đỏ mặt:
-
Ảnh nói thiệt không? Giống cháu lắm à. Và phút chốc trong tôi có một ý thơ.
“ Con gái Quảng Đà gọi ảnh còn xưng cháu”
Trong
những ngày ấy tôi đó hình thành tứ để viết bài thơ: “Trưa ở bãi khách”. Bài thơ
có đoạn ca ngợi cái đẹp của các cô gái ở chiến trường thời ấy.
Em lặng yên mà bãi khách xôn xao
Lính trẻ nhìn theo mỗi người một ý
Cơn sốt rừng làm em xanh đến thế
Cái vai em tròn có dáng văn công.
Cuối
năm đó tôi nhận được lệnh của Viện gọi về Hà Nội. Thực ra tình hình địch thả
bom ở vùng này còn rất mỏng, chủ yếu bom phá không có bom từ trường, nên chuyến
đi công tác lần này thật gian khổ, đi nhiều, đói khát, trở về bị sốt rét, nhưng
chỉ để tích luỹ vốn sống và… làm thơ.
Kỷ niệm phòng Mã
Từ
năm 1975-1980 là giai đoạn Viện Điện tử phát triển mạnh. Các phòng ban chuyên
ngành mới được hình thành: phòng Mã, phòng Máy tính… ra đời.
Anh
em cán bộ đại học nước ngoài về nhiều, cùng ở một nhà, ăn chung một bếp nên
chẳng mấy mà anh em đó quen nhau.
Một
hôm có chàng “cao kều” vỗ vai tôi:
-
Anh về làm việc với em.
-
Tao biết gì ngành Mã của mày mà làm? Tôi trả lời.
-
Rồi anh sẽ biết.
Từ
hôm ấy chàng “cao kều” cứ gặp tôi lại có động tác rất nghịch - giơ tay gang mặt
chào, tôi rất thích có người bạn vui tính. Thế là anh em quen nhau, người bạn
đó là Đỗ Trung Việt. Năm 1975, trong số chiến lợi phẩm ta thu được của địch có
máy Tê lê típ gõ bằng tay. Tín hiệu mã được đục trên giấy rất cổ, cồng kềnh.
Tôi được điều về phòng Mã giúp Việt lắp một khoá mã điện tử (lúc đó dùng đèn
điện tử) nên công việc cũng phức tạp. Có lẽ tới hơn một năm đề tài mới được
hoàn thành.
Trong
ban mã (lúc đó gọi là ban 6, sau này là phòng mã) ngoài anh Trần Lý, phó tiến
sĩ trưởng ban, còn anh em nhoai nhoai xấp xỉ tuổi nhau nên rất vui. Buổi trưa,
mỗi người một cặp lồng cơm cùng ngả ra ăn. Tôi lúc đó đã không ngủ ở đơn vị,
sáng đi làm, tối về nhà. Hàng ngày hành quân bằng chiếc xe “cào cào” của Pháp,
đạp toát mồ hôi mới nổ, ấy thế mà cũng “oai” lắm rồi. Vì cả Hà Nội chỉ toàn xe
đạp.
Vào
khoảng đầu những năm tám mươi, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó
với giặc Pôn-Pốt ở phía nam và chiến tranh biên giới ở phía Bắc. Niềm vui đất
nước được giải phóng đó nguôi dần trong mỗi người khi phải đối mặt với cái đói
và nạn thiếu thốn. Buổi trưa, nhìn những cặp lồng cơm đạm bạc của anh em, lòng
tôi lại trào lên nỗi buồn thăm thẳm. Có lần anh Đinh Kim Dực (phó phòng Tự
Động) đã đọc câu thơ của cụ Tú Xương “Sáng cặp ô đi tối cắp về…” trong một buổi
họp của Phân Viện để nói cảm nghĩ của mình khi đất nước rơi vào tình trạng trì trệ.
Vào đầu mùa rét năm ấy, anh em được phát quân trang, hình như là đợt vét trong
kho hàng viện trợ cuối cùng. Tôi may mắn được đôi giày “Cô-sơ-ghin” còn mới
búng. Buổi trưa, thấy Sơn Dương hì hụi làm gì ở góc phòng. Tôi nhổm dậy định
lại xem, Trung Việt tủm tỉm kéo tôi lại: “Ngủ đi! Kệ nó, thằng này vớ bở, được
đôi giày da lộn”. À, ra thế. Tôi nhìn đôi giày của Dương lông dựng lên lởm
chởm. Nghĩ thật ái ngại. Giầy này chỉ để cho lính chiến, sao lại cho lính văn
phòng? Phải tới mấy buổi trưa cậu ta không ngủ, dùng giấy ráp phá hết mặt xù xì
của lớp lông ngoài, rồi bôi xi đánh bóng, đôi giày trông cũng oách dần. Từ
chuyện đôi giày tôi đó nhìn thấy ở Sơn Dương đức tính cần mẫn, nhu mì, luôn luôn
dành thuận lợi cho bạn bè đồng đội. Thật là cảm ơn người dạy dỗ đáng kính là
bác Phạm Văn Đồng và chuyện đôi giày đâu còn là nhỏ!
Thời
kì này phòng Mã đã bắt đầu sản xuất thí nghiệm máy mã bằng đèn bán dẫn. Ở ngoài
thị trường (chợ Trời - Hà Nội) người ta đó bán linh kiện của Mỹ, Nhật. Anh em
chúng tôi “tiếp cận” thị trường, mua linh kiện về cho phòng lắp ráp. Tôi còn có
cái “tài lẻ” nhìn thoáng qua điện trở màu của nước ngoài là đọc ra ngay trị số
không cần phải dùng đồng hồ đo đếm. Nên được anh Bạch Nhật Hồng tin tưởng và
kéo ra chợ mua hàng. Người bán hàng viết chứng từ bằng tay. Mình trả tiền rồi
về Viện báo cáo thanh toán. Anh em đi mua hàng nắng nhễ nhại chẳng dám tiêu
tiền công, chỉ rút tiền túi của mình ra uống nước rồi đạp xe hộc tốc về cho kịp
giờ ăn trưa của đơn vị. Không dám bớt xén một đồng. Có hôm nhìn những dây xúc xích
nhồi thịt rán thơm lừng phải quay mặt đi giả bộ ta “hảo hán” không thèm! Hồi ấy
đơn vị được xem vở kịch nước ngoài của Êzốp. Liên hệ với triết lý con cáo và
chùm nho lại thấy thú vị. Con cáo đói thèm chùm nho chín nhưng chẳng biết làm
thế nào được. Nó bảo: mày cứ chín đi rồi phải tự rụng. Còn những cái xúc xích
kia, mày cứ thơm đi! Chúng tao chẳng thèm. Ngày nào cũng thế, tôi với Hồng đạp
xe nhanh để thoát khỏi chợ Trời, thoát khỏi sự quyến rũ. Chúng tôi là những con
cáo khốn khổ tự dối mình của một thời bao cấp.
Thời
kì này Đỗ Trung Việt vẫn ham học tiếng Pháp. Việt bảo tôi, anh học thêm ngoại
ngữ đi. Tôi chẳng nói gì, ở quê, đời sống gia đình cực kì khó khăn, một mẹ già,
ba con nhỏ. Vợ tôi lăn lộn suốt ngày ngoài ruộng vẫn chẳng đủ gạo ăn. Tôi xoay
sang sửa ti vi, tự tháo bình ắc quy kiềm (loại ắc quy có bản cực bằng ni-ken,
dung dịch NaOH) nghiên cứu để sản xuất. Tôi lại lao ra chợ Trời mua những bình
ắc quy phế thải. Rồi cắt bản cực, đóng vào hộp nhựa. Một điều thật bất ngờ,
người mua ắc quy ngày một đông. Người ta mua về chạy đài thay pin, vì pin đang
khan hiếm. Cứ thế ngày đi làm ở đơn vị, tối về sản xuất ắc quy. Bình nào nạp
điện đầy, tôi đánh dấu để vợ ở nhà bán. Để lo cho đời sống gia đình đỡ khó
khăn, tôi làm gì có tâm trí và thời gian để học ngoại ngữ. Thời gian đó nhiều
anh em khác cũng ngày làm việc ở Viện, tối về ăn vội bát cơm lại khoác đồ đi
sửa ti vi, đài đóm kiếm tiền cho gia đình. Anh em hay nói vui: người ta xem ti
vi mặt trước còn ta thì xem ti vi mặt sau. Có lần tôi nghe anh Hồng khoe: Cùng với
anh Khải mò xuống khu tập thể 8-3 mua được chiếc ti vi Sanyo 19-k3 hỏng, nhưng
chân tủ cửa lùa nom còn đẹp. Hai anh em thức mất mấy đêm, chữa xong có người
mua ngay. Nhà anh Hồng ở khu Vân Hồ rất chật, chỉ có mấy mết vuông dành cho
việc sửa ti vi, vợ con leo lên gác xép ngủ. Gần đây, khi được đơn vị mời dự hội
thảo về anh Hoành Kim Giao, tôi được biết anh Hồng và anh Dương đó lên cấp tướng,
thật tự hào người của phòng Mã.
Ở
phòng Mã lúc đó có nhiều đề tài. Nhu cầu nguồn một chiều có ổn áp, công suất
nhỏ đang đòi hỏi. Anh Trần Lý giao cho tôi làm thử một bộ. Anh em dùng rất tốt.
Lúc bấy giờ tôi định sản xuất hàng loạt để làm kinh tế, nhưng cơ chế trong quân
đội không cho phép, đành phải chịu. Đỗ Trung Việt là người tôi hay bàn chuyện
to nhỏ ấy. Việt bảo: Thì con cáo cứ ngồi chơi xơi nước! Việt hiểu tôi có nỗi
buồn thăm thẳm: Ngày đi lên đơn vị cho kịp giờ, không có việc làm lại ngồi trà
đá. Đêm về lại hì hục làm tới khuya, biết là không hợp lý nhưng đành chịu. Về
sau, khi đơn vị giảm biên chế, tôi xin về hưu sớm để giúp gia đình dù rất lưu
luyến với Viện và không muốn xa phòng Mã.
Có
một lần Đỗ Trung Việt mời tôi đến thăm nhà. Lại một điều bất ngờ. Tôi nhìn thấy
một phụ nữ đã nhiều tuổi ở ngoài sân, sao mà quen thế. Việt bảo: Bà ấy tên Khay
chuyên giúp gia đình cơm nước. Ký ức trong đầu tôi chợt ùa về, tôi chạy ra ôm
lấy bà già ấy. Bà nhìn tôi thoáng một chút ngần ngại, rồi nắm chặt vai tôi,
nước mắt đầm đìa: Cháu đấy à! Cô ở đây lâu rồi.
Tôi
hỏi dồn: Sao cô không về quê? Bà cụ cứ lắc đầu, nấc lên trong cổ. Việt lúc ấy
cứ đứng trơ ra. Chẳng hiểu chuyện đầu đuôi thế nào.
Sau
này tôi kể cho Việt biết: Bà Khay không phải là cô tôi. Thuở nhỏ nhà bà ở gần
nhà tôi. Chúng tôi quen gọi bà bằng cô. Thời trẻ bà rất đẹp, da trắng, người
nhỏ nhắn đã đi qua nhiều mối tình, nhưng chẳng lấy ai. Hồi nhỏ tôi chỉ thích
ngồi vào lòng bà nghe kể chuyện ma. Eo ơi, chuyện ma của bà hay lắm. Cứ mỗi lần
sợ quá tôi lại ôm chặt cổ bà hỏi: có thật không? Con ma ấy đâu rồi? Bà lại tủm
tỉm gật đầu: Thật chứ! Sau này trong tập tuyển “Hương rau khúc” của tôi có truyện “Ma cây thị” tôi viết ra cũng từ chuyện kể của bà.
-
Cụ Khay thế nào Việt ơi?
-
Vẫn bổ củi khoẻ. Anh cứ yên tâm! Đã có lần tôi hỏi Việt hướng ăn ở sau này của
Bà, Việt bảo: Một hai năm nữa ông cụ em sẽ đưa bà vào trại dưỡng lão. Bà có tiêu
chuẩn nhà nước.
Thế
là được rồi. Một người vô đơn, không nơi nương tựa, ai thấy chẳng thương? Trong
sâu thăm tôi gặp Việt ở điểm ấy, nên tình bạn mỗi ngày một đằm thắm.
Ở
phòng Mã được vài năm tôi về nghỉ hưu ở quê. Việt được đi học nghiên cứu sinh ở
nước ngoài, cùng đợt với các anh Trịnh Vạn Thiện và Lê Mỹ Tú. Thật mừng bạn đã
thành đạt và vẫn nhớ tới bạn bè. Hôm gặp nhau ở Hà Nội, Việt ôm chặt lấy tôi
kéo vào quán nhậu Tây Hồ. Tôi hỏi:
-
Bơ sữa Tây nhiều hay sao mà mập dữ thế?
-
Sang đấy em được cái lành dạ, dễ nuôi.
Rồi
chúng tôi luyên thuyên chuyện bạn bè, trời đất bia say suýt đái cả ra quần.
Nhưng
niềm vui ấy chẳng được bao lâu, mấy năm sau Việt lâm bệnh hiểm nghèo không qua
được. Ngày đưa tiễn bạn ở Thanh Tước trời rét quá. Tôi nhìn Việt nằm như ngủ mà
nước mắt rưng rưng. Thật tiếc một con người giàu năng lực và nhiệt huyết, rất
có tâm với bạn bè và đồng đội. Lần này được gặp ba Việt (Trung tướng Đỗ Trình,
nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng). Tôi chắp tay chào cụ. Ông già thấp nhỏ,
lưng đã hơi còng, đôi mắt đang u ám nỗi buồn, thoáng một chút sực nhớ, ngơ ngác.
Tôi biết cụ chẳng nhớ được tôi đâu. Một người lính già có bao kỉ niệm với người
con yêu dấu của cụ, tôi nhờ những trang viết hôm nay để nói được lòng mình.
(Còn nữa)
bài viết khá sâu sắc
Trả lờiXóaTác giả xin cảm ơn các anh chị đã đọc !
Trả lờiXóa