Trang

17 thg 9, 2013

Tạp Văn HEO MAY của Lưu Tuấn Kiệt - 5

  Phần cuối
Năm1979 chiến tranh Biên Giới diễn ra ác liệt ở phía Bắc. Tôi nhận nhiệm vụ đi hướng dẫn các đơn vị sử dụng vũ khí có điều khiển xa. Đoàn đi lần này có anh Lê Duy Dân (kỹ sư) và một lái xe. Nhìn bản đồ đường lên Cao Bằng qua Thái Nguyên - Định Hoá, Bắc Cạn, tôi sực nhớ tới lời mẹ dặn: Con đi có qua chợ Chu nhớ rẽ vào tìm cô. Thời ấy, đường Thái Nguyên lên Bắc Cạn vừa hẹp lại xóc khủng khiếp. Xe đi từ Hà Nội đến chợ Chu gần mất mười giờ đồng hồ. Tôi bảo anh Dân: “Đúng rồi! Cây đa mẹ tôi tả bây giờ vẫn thế. Nhà cô tôi ở dưới gốc đa”. Năm giờ chiều, chúng tôi dẹp xe ven đường. Một bà già bán nước tóc trắng như mây đon đả mời các anh bộ đội.
- Các chú dùng trà xanh nhé?
Chúng tôi bưng bát nước chè đặc sánh, hương thơm toả ngào ngạt. Đúng là chè đất Thái. Anh Dân hỏi bà lão:
- Tôi có anh bạn muốn đi tìm người thân ở đây…
Không chờ bà lão hỏi tôi nói ngay:
- Thưa bà … cháu muốn tìm một người tên là Hậu?
- À… à tôi nhớ ra rồi. Có phải là Hậu - Sinh không? Chồng là Sinh ấy?
- Ngày xưa cô cháu ở đây. Dưới gốc đa này?
- Đúng rồi! Nhưng ông bà đã sơ tán về sau quả núi kia. Các chú đi quay lại, đến quán Vuông, rẽ trái qua doanh trại quân đội.
Chúng tôi cảm ơn bà, cho xe quay đầu đi theo con đường bà lão chỉ dẫn. Xe đi vòng vào lối doanh trại Quân Đoàn 2, trước mắt tôi là một xóm nhỏ có những cây lồ ô xanh biếc. Giáp chân núi đá là thảm mía mênh mông. Xe rẽ vào một ngôi nhà lợp lá mía. Trước cửa, một con trâu đang lầm lũi kéo mật. Tiếng cót két của trục gỗ nghiến vào nhau, tiếng nước mía chảy rào rào, rồi những tiếng xì của con trâu đang bị bịt mắt làm cho ta có cảm giác như bị rơi vào một miền quê hoang dã.
Một người đàn ông tuổi ngoại sáu mươi, dáng cao gày, khuôn mặt phúc hậu nhìn ra ngõ thấy chiếc xe Com măng ca quân sự, ông vui vẻ hỏi:
- Các anh ở đâu?
Tôi nhảy xuống xe lễ phép thưa:
- Chúng cháu muốn tìm một người có tên là Hậu?
- Bà Hậu ở đây. Tôi là Sinh chồng bà!
Tôi ôm lấy ông già rồi nắm chặt bàn tay, nói như reo lên: “Cháu là con ông Bọt đây. Ngày xưa cha cháu có tên là Nhỏ. Cô cháu là Hậu. Cô cháu đâu?”.
Một bà già nhỏ nhắn, đeo mục kỉnh, nước da trắng còn in dấu một thời thanh xuân trẻ đẹp. Bà nắm chặt tay tôi:
- Cô là Hậu đây! Cháu là con anh Bọt? Trời ơi, bao nhiêu năm rồi cô chẳng được tin tức gì - Nói đến đây cô tôi oà lên khóc. Tôi lần đầu tiên nghe thấy có người gọi cha mình bằng anh xúc động nước mắt cũng rưng rưng.
Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ trong ngôi nhà mái lá của cô. Được nghe cô kể những năm tháng ông tôi (ông Hồ) đã ở đây không trở về quê được. Thời đó giặc Pháp đã đánh vào Định Hoá, chợ Chu thành nhà tù của những người cộng sản. Ông tôi lại có duy nhất một người con gái, nên bao nhiêu buồn vui ông đều nói cho cô nghe. Một lần ông bảo:
- Con ơi, trước mặt nhà mình có một quả núi đá. Đằng sau quả núi là quê nhà. Mỗi lần nhớ quê cha cứ nhìn lên quả núi lại muốn uống rượu để quên đi. Con có hai người anh Bọt và chị Sang ở dưới xuôi. Bao giờ có điều kiện con tìm về! Còn cha già mất rồi - ông bưng chén rượu nhìn lên quả núi hu hu khóc.
Rồi ông đột ngột qua đời vào ngày 24-11 năm 1946 (âm lịch) lúc đó cô tôi ngoài 20 tuổi.
Người ta nói hồng nhan bạc mệnh, cô tôi cũng phải hai đời chồng. Người thứ nhất là anh bộ đội kháng chiến chống Pháp, ông mất sớm để lại hai  người con. Thương cô hoàn cảnh nheo nhóc, một mình nuôi hai con nhỏ, ông Sinh đã tự nguyện lấy cô và nuôi luôn cả hai đứa trẻ của đồng đội. Tôi để ý có em trai lúc đó vào tuổi chín mười đang hỳ hục vác mía. Thấy chúng tôi các em bẽn lẽn ra chào. Được biết hai em là Minh và Châu là con của cô tôi với người chồng bây giờ.
Đêm giá lạnh, ánh đèn dầu leo lét, cô giở cho tôi xem chồng giấy khen của ông bà, từ những chiếc ố vàng của thời vệ quốc đến huân huy chương của nhà nước. Bà bảo: “Bao giờ hết chiến tranh làm lại nhà, có một phòng riêng để treo tất cả lên cho con cho cháu biết”. Tôi nhìn cô cười, như được nhìn lại cha mình, lòng cảm thấy ấm áp giữa núi rừng heo hút.
Sáng hôm sau xe hành quân lên Cao Bằng. Chúng tôi vượt qua đèo Cao Bắc, đèo Gió, đèo Giàng. Đường thời ấy đã trải nhựa, nhưng còn rất hẹp. Xe lượn những vòng cua ghê người. Vực sâu, chênh vênh núi đá, buổi sáng đi trong sương, buổi chiều cũng chìm trong sương, xe phải bật đèn vàng mới nhìn thấy đường. Đến gần tối chúng tôi mới tới một vùng đất bằng phẳng - đó là Cao Bằng. Bằng giang mùa này nước trong vắt. Thị xã ngổn ngang đổ nát, in dấu bước chân kẻ thù mới tràn qua. Rất may ở đây vẫn còn một hai quán cơm. Đoàn dừng xe trước một mái lều vừa mới dựng. Vài người áo chàm, áo nâu đang hý húi ăn nhậu. Tôi hỏi chị chủ quán:
- Có gì cho bộ đội ăn không?
Chị vui vẻ nói giọng lơ lớ trộn nhiều Thổ ngữ:
- Có cơm nớ! Tu pết nớ!
Tôi lắc đầu không biết Tu pết. Chị cười hóm hỉnh: “Tu pết là cạc cạc”. Chúng cùng tôi à lên, hỏi luôn: “Bao nhiêu tiền?”. “Một nghìn rưởi cả lẩu”. Anh Dân nghe đã rõ gật đầu: “Xong rồi… xong rồi ăn ngay nhé!”.
Chúng tôi được một bữa cơm có vịt quay nhớ đời. Người Cao Bằng chặt riêng cổ cánh và đặc biệt hai chân vịt cho vào chảo mỡ quay riêng. Ăn xương vịt mà giòn tan, thơm phức. Thế mới thú! 
Ăn  uống xong trời đã tối mịt. Chúng tôi hỏi thăm vào Tiểu Đoàn 2 công binh, đóng ở Cao Bình. Thật may, gặp được Tiểu Đoàn trưởng là người cùng quê Hải Hưng nên mọi việc đều thuận tiện. Tôi ở lại Cao Bằng huấn luyện khí tài mới cho bộ đội. Còn anh Lê Duy Dân đi tiếp lên Đông Khê, Lạng Sơn kiểm tra các chốt rồi trở về Hà Nội.
Ở Tiểu Đoàn 2 công binh, tôi huấn luyện cho các đại đội mất gần một tháng. Anh Thảo - Tiểu Đoàn trưởng một lần nói nhỏ với tôi: “Tình hình Trung Quốc với ta có khả năng yên ổn, nhưng cậu vẫn không về Hà Nội được. Cứ ở đây, anh em ta nghĩ ra việc mà làm”. Tôi xoay sang sửa Ra đi ô cho các Đại đội. Ở đây thu đài Hà Nội rất khó. Tôi hiệu chỉnh lại  máy Thu, nghe  tốt hơn, anh em bộ đội ai cũng thích. Rồi từ bộ đội nói ra với dân. Đồng bào dân tộc nô nức đến sửa đài. Ở Tiểu đoàn Bộ, anh Bằng là cán bộ hậu cần, tiếng Tày võ vẽ, một lần anh bảo với họ: “Cái đài này muốn nghe tốt, phải hai con tu pết và 5 cân gạo nếp nớ!”. Tưởng đùa hoá ra thật, đồng bào dân tộc bảo nhau đem đài đến sửa, tay xách nách mang, vịt kêu loạn cả doanh trại. Tôi sửa đài suốt ngày. Tiểu Đoàn Bộ ăn thả phanh không hết vịt. Anh Bằng phải làm chuồng để nuôi tu pết của đồng bào. Ở đơn vị có cái Ô-ri-ông-tông cũ, anh Thảo lôi trong kho bảo tôi sửa cái đài còn rất “ngon”, độ nhạy cao, tiếng tốt. Một hôm, có chàng trai người Mông vác khèn dắt con bò rất to đi qua đơn vị để đưa đến chợ bán. Sáng sớm, anh Bằng xách đài vừa đi vừa nghe. Tình cờ gặp chàng trai dắt bò, tay cầm khèn, anh bảo: “Thổi một bài đi!”. Chàng trai buộc bò vào gốc cây, vừa thổi, vừa múa. Tôi lắng nghe tiếng khèn đầy ắp âm điệu rừng núi trập trùng mênh mông. Thảo nào nghe khèn con gái Mông theo con trai về là phải!!! Anh Bằng đặt đài xuống đất vỗ tay, tôi cũng vỗ theo. Chàng trai dừng lại cúi đầu cảm ơn, rồi nói gì với anh Bằng. Tôi thấy anh Bằng chỉ vào cái đài  “ớ” lên một tiếng. Hai người bắt tay nhau. Hoá ra anh chàng kia thích cái đài tôi vừa chữa. Anh bảo đổi cho mày con bò. Tao mang về cho vợ nghe! Thế là chàng trai trẻ vai khoác khèn, vai kia đeo đài. Tiếng đài cứ oang oang khắp rừng núi. Còn anh Bằng với tôi dắt bò về. Cả Tiểu đoàn hôm sau được bữa đánh chén thịt bò no nê. Riêng tôi, Tiểu đoàn Bộ nướng cho  nửa cái đùi bò, để dành sau này về quê làm quà. Cái giống thịt bò nướng, lại gác gác bếp vài tháng vẫn thơm ngon.
Ở Tiểu Đoàn Bộ tôi được quen với anh Ngọc. Anh là Bí thư Huyện Uỷ huyện Hoà An. Biết tôi ở mãi Tiểu Đoàn cũng chán. Anh bảo: “Chú về nhà anh, ở với chị và các cháu cho vui. Cơm nước anh lo”. Tôi đem chuyện này bàn với anh Thảo. Anh Thảo đồng ý. Thế là tôi được sống những ngày với người Tày. Anh chị Ngọc Anh ở nhà xây như dưới xuôi ta. Có khác ở hồi nhà vẩy thêm một gian rộng, giữa có bếp củi than hồng suốt ngày đêm. Người Tày nấu rượu ngô vừa để uống vừa để nuôi lợn. Chị Ngọc Anh bảo: “Con lợn này chị nuôi một năm. Tết mổ, nhà mình ăn hết, còn mỡ rán để vào vò, nhà mình đỡ phải đi chợ”. Hàng ngày anh Ngọc Anh lên Huyện làm việc, tôi ở nhà lên nương rẫy thấy người khoan khoái ra. Đêm về tôi ngủ với cháu Tuấn - con trai anh Ngọc Anh. Lúc ấy, Tuấn chừng mười bốn, mười năm tuổi, người gày cao lêu đêu, da trắng như con gái. Vào tháng 9 (âm lịch) trời Cao Bằng đã rất lạnh. Hai chú cháu nằm trong chiếc chăn bông nặng tới năm , sáu cân mà gần về sáng vẫn giá buốt lưng. Anh Ngọc Anh đưa bếp sưởi vào giữa nhà. Mùi khói nồng nồng, hương gỗ rừng thơm phảng phất suốt đêm, chỉ cần ai ngủ lại một lần đố quên được đất Cao Bằng!
Chuyến công tác lần ấy, không thể ngờ được tôi ở nhà anh chị Ngọc Anh suốt nửa năm trời. Một lần cơm tối xong, vui chén rượu anh Ngọc Anh bảo tôi: “Thằng Tuấn là con nuôi chú Kiệt”. Tôi gật đầu, hỏi lại chị gái, chị cũng cười gật đầu. Thế là tôi có một đứa con, thật nặng tình Cao Bằng, nặnh tình quân dân - cá nước! Sau này Tuấn học trường cảnh sát gần nhà tôi, con có điều kiện đi lại với gia đình. Vừa qua con có dịp về Hà Nội họp, cậu bé ngày nào đã mang hàm thiếu tá về thăm tôi. Hai chú cháu ôm lấy nhau nghẹn ngào xúc động. Tuấn bảo: “Chú khoẻ con mừng quá. Con sợ chú đi rồi…”. Tôi nói đùa: “Chú còn nợ với đời này nhiều lắm, đi làm sao được!”. Cả nhà tôi coi Tuấn như ruột thịt, các con tôi nghe tin anh về ríu rít. Lần ấy Tuấn mời: “Con có ô tô, Chú đi Cao Bằng luôn. Lúc về con lo”.
Nhìn thấy bà Liên (vợ tôi) đang trong bếp làm cơm, mặt đỏ hồng mồ hôi nhễ nhại, tôi hóm hỉnh đọc câu thơ:                          
Cao Bằng xa lắm anh ơi
Để em gánh nước giếng thơi cho chàng
Thế là Tuấn ôm chặt lấy tôi, các con tôi xúm xít vây quanh anh trong tiếng cười hạnh phúc lớn lao khi cả nhà mang nặng tình nghĩa với Cao Bằng .
*
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đi qua như một cơn bão trong mỗi gia đình. Nếu trong cuốn sách này không nói hết số phận một người mà thuở ấu thơ cha tôi canh cánh trong lòng còn nợ em cây mía de chưa mua được, thật là thiếu sót.
Sau năm 1975, nhà tôi có bốn anh em đều vào quân đội, và thật may mắn lại được sống sót trở về. Nỗi lo toan của cha tôi trước khi nhắm mắt: Trời làm lụt lội, bố có đàn cá đi hết cả rồi! Nhưng không phải như vậy - Chúng tôi đã trở về! Ngày gặp mặt, mẹ tôi làm lưng cơm cúng cha. Bốn anh em đứng lễ. Mẹ tôi khóc trong niềm vui hạnh phúc: “Ông ơi! Ông về mà xem các con ông đây này!”. Bà sung sướng như vừa sinh lại bốn đứa con, đứa nào cũng để lại những kỷ niệm lắng sâu ốm đau, sài đẹn.
Mấy ngày hôm sau chúng tôi cùng lên thăm cô - người mà cha tôi nợ em cây mía de thuở nhỏ. Cô tôi đón chúng tôi từ ngoài ngõ. Bà nhỏ nhắn, có giọng nói thủ thỉ hiền như cô Tấm. Cô lấy chú Tê người ở Đa Phúc - Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Lần ấy chú sung sướng tự tay mổ con chó để mừng các cháu trở về. Cô tôi thì thầm: “Ông vui lắm đấy. Các con cứ ngồi uống nước đi để ông làm cho. Còn nhà này… ba thằng đi đều mất cả” - cô nghẹn ngào lấy vạt áo chấm nước mắt làm chúng tôi cũng khóc theo.
Trong ba đứa em hy sinh, tôi được gặp em Khải một lần. Khải có cái sẹo nhỏ trên má, người đậm đà lực lưỡng. Khải xuống chào gia đình để mấy hôm sau đi B. Khải bảo tôi: “Em là con lớn trong nhà, kể ra phải ở lại giúp cha mẹ. Nhưng Tổ quốc cần. Chúng em ra đi một xanh cỏ hai đỏ ngực. Anh ở nhà học cho tốt. Anh em mình hẹn gặp nhau ở chiến trường”. Tôi nắm chặt tay Khải, trong lòng muốn học cho nhanh để cùng ra mặt trận. Thời ấy thế hệ trẻ lên đường nhẹ nhàng như vậy. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng. Nhưng người “thợ cày” biết đâu đã để lại nỗi buồn sâu thẳm cho cha mẹ, cho mỗi người thân!
Hôm ấy chú tôi nâng chén rượu chúc mỗi cháu một lần. Ông uống một hơi, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, có lúc hoà vào với rượu.
Sau này cô tôi - bà Lưu Thị Sang được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà mất vào ngày 14-4-1986 (âm lịch). Ngày đưa cô ra nơi yên nghỉ cuối cùng, tôi lại nhớ tới hình ảnh cô bé thổi lửa đun nước cho anh ra chợ bán, nhớ tới cha tôi ôm cột khóc, có cây mía de không mua cho em được mà nước mắt vòng quanh.
                                                                                Viết xong 12-2011
(Còn nữa)

1 nhận xét: