LÊ HOÀI
TUYÊN SỐNG MÃI
TRONG
LÒNG ĐỒNG ĐỘI
VÀ BẠN BÈ
Giữa tháng 10/1971, Đồng chí Đặng Minh Ngạc trưởng Ban Kỹ thuật ( thuộc
phòng Điện Tử, Viện Kỹ thuật Quân sự ) tập hợp tổ nghiên cứu về bom từ trường
của chúng tôi để nghe thượng tá Ngô Đức Thọ, trưởng phòng Điện Tử giao nhiệm vụ. Lúc này một số anh trong Ban
đang đi công tác ở các đơn vị khác hoặc
đang ở chiến trường nên ban chỉ còn có 4
người: anh Ngạc, anh Vũ Ngọc Thư, anh Lê Hoài
Tuyên và Tôi.
Sau
khi mở đầu cuộc họp bằng mấy câu đùa vui, đồng chí Thọ nói
“...Các cậu vừa hoàn thành việc nghiên cứu ngòi từ trường cải tiến MK42-MODEL3,
như vậy là kịp thời. Tài liệu về bom cải tiến và hướng dẫn công tác rà phá,
thay đổi cách đánh ... ta đã gửi tới 559, nhưng người của ta phải vào trực tiếp
vào trong đó để cùng với 559 đảm bảo cho chiến dịch vận tải lớn, rất quan trọng
trong mùa khô 71-72 này. Như vậy 3 đồng chí Ngạc, Tuyên và Kiệt do đồng chí
Ngạc phụ trách sẽ vào ngay 559, chia nhau đi tất cả các binh trạm để vừa huấn
luyện, vừa trực tiếp phá bom đồng thời
phát hiện, thu thập các loại bom mìn vũ
khí mới, những loại cải tiến mới của địch và gửi nhanh ra viện. Về hướng
biển ta chủ trương rà phá bom ở luồng Nam Triệu và vịnh Bắc Bộ. Viện cử đồng
chí Khải và Ngô Tuấn Dũng ( Phó tiến sĩ vật lý mới về viện) xuống phối thuộc
với Cục Kỹ Thuật Hải Quân, tạm thời đồng chí Khải phụ trách, mấy tuần nữa anh
Vĩnh về sẽ xuống phụ trách. Như vậy chỉ còn đồng chí Thư, mới đi 559 về thì
thường trực ở nhà, biên soạn tiếp tài liệu gửi cho công binh và các nơi. Tình
hình rất khẩn trương, các cậu có ý kiến gì không?”. Anh Ngạc nói: “Đoàn chúng
tôi vào 559 lần này hứa với Viện là sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đề nghị anh cho
gọi Kiệt về sớm để kịp lên đường. Địch đánh phá bằng nhiều loại bom hỗn hợp,
việc rà phá khó khăn hơn, đề nghị Viện sớm đưa thêm xe phóng từ cải tiến vào.
Thêm nữa lần này đi dài ngày (dự kiến đến hết mùa khô) nên công tác hậu cần cho
đoàn xin được tăng cường”. Lê Hoài Tuyên (cán bộ trẻ nhất trong ban) nói với
anh Thọ: “Bọn em làm xong đầu MODEL-3 rồi nhưng chưa biết loại MODEL-2 như thế
nào nên rất nóng lòng muốn có nó trong tay. Được đi 559 lần này, em rất toại
nguyện và xin hứa với thủ trưởng em sẽ tích cực truy tìm để có được
MK42-MODEL-2 gửi ra Viện”. Sau cuộc họp đoàn công tác của anh Ngạc tích cực
chuẩn bị và ngày 15/10 các anh chia tay anh em để lên đường. Lúc chia tay mọi
người đều cảm động, nói ít nhưng tình cảm sâu đậm. Mới năm trước anh Ngô Trọng
Tài, Hoàng Kim Giao cũng chia tay anh em để lên đường như thế này đây. Bộ quân
phục giải phóng màu xanh, ba lô con cóc căng phồng sau lưng, miệng cười tươi,
cái xiết tay rất chặt...nhưng các anh đã không về nữa. Tuyên ôm chặt vai tôi và
nói vào tai “Thế là mình sắp được gần bố mình thêm một đoạn” Tôi rất hiểu câu
nói của Tuyên, vì lúc đó bác Lê Tuấn (bố của Tuyên) đang là chánh văn phòng của
Trung ương cục Miền Nam ở B2, bác vào Nam từ năm 1968. Tuyên luôn mong được đi chiến
trường và nếu có dịp vào tận B2 với bố. Lúc này đây khi lên đường đi chiến đấu,
anh đã thực sự trở thành người đồng chí của bố anh , như trong một lá thư từ
năm 1968 (lúc đang học Trường Đại học Tổng Hợp) gửi cho bố, có đoạn “... con
rất tự hào về gia đình ta, con hứa sẽ học tập, phấn đấu để xứng đáng với gia
đình và sẽ trở thành người con, người đồng chí của bố mẹ ”
Chiếc xe Gat chuyển bánh, đưa các
anh về phía Nam
cả đơn vị lưu luyến vẫy taycho đến khi xe khuất hẳn. Tiễn đoàn anh Ngạc đi 559
xong, hai hôm sau tôi cùng anh Ngô Tuấn Dũng theo xe của anh Ngô Đức Thọ xuống
Hải Quân, trong lòng tôi cứ mong một điều là sau đợt công tác này anh em lại về
họp mặt đông đủ, nhưng sẽ phải chờ hết muà khô.
Đoàn anh Ngạc vào tới 559, các anh
chia nhau đi tất cả các binh trạm, các sư đoàn công binh trên tuyến 559. Anh
Ngạc sau khi huấn luyện cho cán bộ và bộ đội ở bộ tư lệnh 500, tiếp tục đi huấn
luyện ở các binh trạm 30, 32, 34. Anh Kiệt được phân công đi sâu vào phía
trong, tới tận ngã ba biên giới Việt- Lào- Campuchia để huấn luyện ở các binh
trạm 36, 38, 47 và ở các sư đoàn 470, 471. Còn Lê Hoài Tuyên làm nhiệm vụ huấn
luyện và phá bom ở các binh trạm 12, 14 và các sư đoàn công binh 472, 473. Vào
mùa khô, công tác vận chuyển của ta càng lớn thì địch cũng tập trung đánh phá
càng dồn dập, ác liệt. Các anh đã mở hàng chục lớp huấn luyện cho hàng ngàn cán
bộ, chiến sĩ tại chiến trường đối phó với bom mìn của địch, nhất là với những
cải tiến mới của chúng tại chiến trường. ở binh trạm 12, ta thu hồi được một số
đầu MK42 còn tốt, trong điều kiện khó khăn ở chiến trường, Lê Hoài Tuyên đã cho
đầu bom hoạt động trở lại và dùng nó làm giáo cụ trực quan để huấn luyện cho bộ
đội, đồng thời dùng làm máy đo để kiểm tra đo đạc các xe phá bom của ta rất
tốt. Theo báo cáo từ chiến trường do anh Ngạc điện về Viện, cho biết: Xe phá
bom BTR phá nổ được bom cách xe 75m, nếu bom ở trên mặt đất, phá nổ cách xe 50m
nếu bom chui ở độ sâu 5m. Kết quả thực nghiệm tại chỗ làm cho học viên hiểu rõ
cách sử dụng các phương tiện phá bom và tin tưởng ở các thiết bị kỹ thuật của
ta. Xe BTR có ưu điểm cơ động nhanh, thông đường nhanh. Còn khung dây PK thì
rất cơ động, phá được bom trên mọi địa hình phức tạp mà xe không tới được. Theo
số liệu tổng kết sau mùa khô 71- 72, tuyến 559 đã phá nổ 1114 quả bom từ
trường, trong đó có sự đóng góp quan trọng trực tiếp của đoàn công tác của Viện
Kỹ Thuật Quân Sự. Công tác huấn luyện và trực tiếp phá bom của đoàn đã góp công
rất lớn cho tuyến 559 đảm bảo giao thông mùa khô 71 - 72.
Nhưng thật không may ngày 26/ 3/
1972, ở khu vực đài quan sát Cao Sơn tại Km17+500 trên đường 20A thuộc binh
trạm 14 phía tây tỉnh Quảng Bình, Lê Hoài Tuyên đã hy sinh khi tiếp cận một quả
bom để tháo và thu hồi đầu MK 42. Vẫn biết khả năng hy sinh của cán bộ làm
nhiệm vụ rà phá bom mìn là rất lớn, vì ngoài việc phá nổ, anh em còn phải tiếp
cận bom để thu hồi đầu nổ ... nhưng sự hy sinh của Tuyên làm chúng tôi bàng
hoàng đau sót. Lúc đó chúng tôi chưa có đủ thông tin về sự hy sinh của anh vì
anh Ngạc và anh Kiệt đang ở các binh trạm khác, rất xa. Sau này chúng tôi được
đồng chí Nguyễn Văn Sự, kỹ sư vũ khí của Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự, lúc đó cùng
làm việc với Tuyên ở binh trạm 14, kể lại sự hi sinh của Tuyên như sau:” Chiều
ngày 26/ 3, sau khi địch ném bom, được tin cách đài quan sát Cao Sơn khoảng
300m, trên sườn đồi có một quả bom chưa nổ, Tuyên và tôi cùng đến xem xét .Thấy
bom còn nổi một nửa trên mặt đất, Tuyên bảo: Ta sẽ làm liệt quả bom này để thu
hồi ngòi nổ MK42, may ra nó lại là MODEL2 mà ở Viện đang cần. Sau đó hai đứa
dùng lượng nổ nhỏ mang theo đánh đề đào đất dưới thân bom . Gói bộc phá nhỏ nổ,
đất đào được một ít nhưng phích nối điện nằm giữa thân bom vẫn chưa lộ ra,
Tuyên bảo tôi về lấy thêm thuốc nổ còn Tuyên ở lại nghiên cứu để đánh tiếp .
Tôi về lấy thêm 1Kg TNT , quay lại chỗ bom nằm. Cách bom khoảng gần 100m tôi
thấy Tuyên đang ở sát quả bom dùng tay bới đất phía dưới. Đi thêm vài bước nữa,
tôi nghe tiếng nổ chói tai và sức ép đập vào người, ngã xuống. Khi nhìn trở lại
phía quả bom thì chỉ còn một hố sâu, tôi bàng hoàng lúc lâu , sau đó vội quay
về binh trạm báo tin Tuyên đã hi sinh...”
Thế là sau các anh Hoàng Kim Giao
và Ngô Trọng Tài, tổ nghiên cứu về bom
từ trường của chúng tôi lại mất đi một cán bộ ưu tú nữa. Anh Lưu Tuấn Kiệt chia
tay với Lê Hoài Tuyên ở binh trạm 12 từ cuối tháng 10 / 71, khi trời cuối thu.
Đến khi trở lại binh trạm 34 vào tháng 4/ 72 lúc bắt đầu vào hè, cây rừng lại
xanh tươi thì Tuyên không còn nữa, anh đau xót vĩnh biệt người bạn chiến đấu:
“ Tôi cùng bạn đến
nơi đây
Rừng cây săng lẻ
lá rơi đầy
Chia tay còn
hẹn “mai” gặp lại
Tôi bạn bên
nhau, nhớ những ngày…
Trường sơn chiến
đấu trên đất lửa
Nhiệt tình tuổi
trẻ thật hăng say
Hôm nay trở lại
cây xanh lá
Bạn đã nằm yên
dưới đất này...”
Những người bạn của Tuyên ( cùng học phổ thông và học
đại học ) đều nhận xét: Tuyên là một cán bộ đoàn “bẩm sinh”, anh đã làm bí thư
chi đoàn của lớp Vật lý khoá 66 - 70 của
trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Anh Vũ Quyết Thắng, bạn thân của Tuyên kể:
”Tuyên sống rất tình cảm và sôi nổi, luôn hết lòng vì công việc chung, không nề
hà bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ. Tuyên ăn khoẻ, làm khoẻ , việc gì cũng làm
hết mình vì vậy anh em rất mến...” khi
về Viện KTQS công tác anh lại được bầu vào ban chấp hành chi đoàn của Phòng
ngiên cứu Điện tử và là đối tượng kết
nạp đảng. Đọc lại rất nhiều lá thư anh gửi cho bố ( bác Lê Tuấn lúc đó ở chiến
trường B2 ) từ năm 1968 - 1970 ( hiện ra đình còn lưu giữ được ), tôi thực sự
xúc động và cảm phục về những suy nghĩ của anh, của một thanh niên thời chống
Mỹ cứu nước. Người có ảnh hưởng rất lớn đến những phẩm chất và suy nghĩ của Lê
Hoài Tuyên là bố anh. Trong lá thư gửi
bố ngày 21/4/1969 anh viết “... Con cứ nghĩ tới đâu viết tới đó vậy nhé. Thư
của bố từ tiền tuyến lớn gửi về, từng
câu từng chữ đều có tác dụng động viên, cổ vũ con và các bạn con... Con tự hào
vì có người bố đáng kính như vậy, con nguyện học tập làm theo bố, tức là sống
và chiến đấu như một người cộng sản chân chính, không thể khác được... ”. Trong
nhiều thư khác anh còn nói với bố về việc phấn dấu tu dưỡng theo hướng “vừa
hồng vừa chuyên” mà bác Phạm Văn Đồng đã nói với sinh viên. Anh nói nhiều về
nguyện vọng được sống và cống hiến nhiều cho đất nước, cho cuộc kháng chiến
chống Mỹ. Là con trai duy nhất trong một gia đình có bố đang công tác ở Miền
Nam, mẹ đi học xa, ở nhà còn 2 em gái nhỏ phải trông nom, lúc đó anh không
thuộc diện động viên vào bộ đội. Song Lê Hoài Tuyên đã viết đơn tình nguyện xin
nhập ngũ khi tốt nghiệp đại học. Nói về việc nhập ngũ của mình,trong thư gửi
cho bố ngày 28/ 9/1970 anh viết: “Bố kính yêu, con có một tin rất vui bố ạ,
tháng sau con sẽ lên đường nhập ngũ. Thế là nguyện vọng tha thiết từ bao lâu
nay đã được thực hiện, con tin rằng bố sẽ rất hài lòng. Con sẽ đi đúng đường mà
bố đã vạch ra. có thể con sẽ được về một đơn vị bộ đội kỹ thuật. Nhà ta thế là
có thêm một anh lính bố nhỉ! Biết đâu con lại có dịp vào chỗ bố, con mong mỏi
ngày ấy lắm bố ạ. Vào bộ đội con hứa sẽ nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản
lĩnh và nâng cao trình độ văn hóa kỹ thuật để phục vụ nhiều nhất và lâu dài cho
cách mạng. Lúc này đây con đang rất phấn chấn khi mình sẽ được mặc bộ quân phục
của chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam... ”.
Lê Hoài Tuyên hy sinh lúc tròn 24 tuổi, sự hy sinh của
anh để lại nỗi đau lớn cho người thân và đồng đội. Nhưng mọi người cũng rất tự
hào về anh, về một con người sinh ra là để chỉ vì cái chung, vì lý tưởng và
lòng khát khao mong muốn đóng góp sức mình cho tập thể, cho quân đội.
Tôi
viết những dòng trên về Lê Hoài Tuyên
cách đây năm năm, vào dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Viện Điện Tử
- Viễn Thông. Nay nhân dịp liệt sĩ Hoàng Kim Giao của viện ( hy sinh năm 1968 )
được nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, tôi thấy cần
viết thêm về Lê Hoài Tuyên. Trường hợp hy sinh của anh Giao và anh Tuyên giống
nhau, bị bom nổ khi đang tiếp cận bom để tháo gỡ thu hồi ngòi MK-42, phục vụ
cho công tác nghiên cứu cấp bách của Viện lúc bấy giờ để đối phó với bom mìn
của địch. Song, do hoàn cảnh công tác độc lập, chiến trường 559 vào đầu năm
1972 rất khó khăn và ác liệt, hơn nữa Lê Hoài Tuyên là cán bộ phối thuộc nên sự hy sinh của anh không được đơn vị cơ
sở lập hồ sơ đầy đủ, vì vậy việc xét khen thưởng sau này không làm được, đó là
một thiệt thòi lớn cho gia đình và đơn vị. Khi Tuyên hy sinh, việc baó tử của đơn vị cho gia đình cũng không tiến hành
ngay được mà tới đầu năm 1974 mới làm.
Cũng như anh Hoàng kim Giao, Lê hoài Tuyên xứng đáng với danh hiệu anh
hùng, tuy chưa được phong tặng. Đó là điều còn băn khoăn trong lòng nhiều đồng
đội của anh cho tới hôm nay.
Từ ngày Tuyên hy sinh, hàng năm vào
ngày tết và ngày 27/ 7 đại diện của viện
Điện tử và bạn bè lại đến thăm gia đình và thắp hương cho anh. Năm 2001
theo nguyện vọng của gia đình, mộ của anh được gia đình và đơn vị chuyển từ
nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn ra nghĩa trang liệt sĩ của Hà nội, ở xã Tây
Tịu, huyện Từ Liêm. ở đó còn có mộ của
chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc. Các anh chị là những thanh niên tiêu
biểu của Hà nội thời chống Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét