Tuệ
Chuyện tầm
phào của lính có thể kể cả ngày không hết, nhưng đây là câu chuyện có thật của
một đồng đội. Ai đã một lần tiếp xúc với cậu ta cũng phải tủm tỉm cười.
Đơn vị tôi
đóng quân trên một quả đồi của vùng trung du. Nhà mới dựng tranh tre nứa lá.
Mùa hè nóng hầm hập như dội lửa, mùa đông lại rét như cắt ruột. Ấy thế nhưng
lính ta vẫn ăn khỏe, ngủ khỏe. Mỗi người mỗi bữa được hai bát cơm B52 (loại bát
sắt Trung Quốc). Ngày hai bữa chính, một bữa phụ. Vị chi được bảy bát cơm trong
một ngày, tạm gọi là no đủ. Nhưng tiểu đội tôi có một người lúc nào cũng thiếu
ăn. Quanh năm cậu ta kêu đói. Anh em gọi đùa là Tuệ “hộ pháp”. Tuệ cao lớn, sức
vóc, chân đi giày dép ngoại cỡ, quần áo khoác bộ nào cũng ngắn cũn cỡn, không
ai nhịn được cười. Tuệ từ tiểu đội cao xạ bỗng nhiên được đại đội “bắn súng”
sang đơn vị tôi - cối 82 chắc cũng vì lý do này. Chẳng tiểu đội nào muốn chứa
cái thằng ăn khỏe! Ở với chúng tôi được một tuần tiểu đội phải ra “nghị quyết”
bớt một phần cơm cháy của lợn để cho cậu ta ăn. Thế là bữa cơm nào Tuệ cũng
được ưu tiên thêm một tảng cháy kể cả cháy sém. Cởu ta chan canh với cháy, sì
sụp ăn một cách ngon lành.
Ở được một
tuần chúng tôi phát hiện Tuệ hay ngủ muộn. Hàng ngày, trực ban đại đội đeo băng
đỏ đi đến từng giường gọi mọi người dậy tập thể dục buổi sáng, sau hồi kẻng đến
nhức óc.
- Này! Dậy
đi đồng chí ơi.
- Rõ… rõ…
từ từ đã! Tuệ bật dậy ngồi thu lu cuối giường.
- Anh em
đang dàn đội hình rồi. Đồng chí ra nhanh!
- Thì đã
bảo từ từ đã!
Chờ trực
ban đi ra tới cửa, Tuệ lại lăn đùng ra giường ngáy o o.
Sau nhiều
lần như thế, chúng tôi buộc phải đưa Tuệ ra kiểm điểm trước tiểu đội. Dưới ánh
đèn dầu leo lét, mỗi người đứng dậy phát biểu một lần để góp ý. Cả tiểu đội đi
đến kết luận: Hành động không chấp hành quy định của anh em. Chà chà thảo nào
cánh xạ nó “bắn” cậu ta đi là phải! Cái thằng vừa ăn khỏe lại lười. Chúng tôi
gật gù nhìn nhau đang chờ ý kiến của cậu ta.
- Bây giờ
đến lượt đồng chí Tuệ? - Tiểu đội trưởng tay cầm cây bút đợi ghi vào biên bản.
Tuệ rụt
rè:
- Dạ…
- Đây là
đồng chí, không phải dạ - Tiểu đội trưởng ngát lời giọng gay gắt.
- Vâng…
vâng em biết.
- Đồng chí
không được xưng hô em trong cuộc họp. Phải tôi.
Tuệ lên
giọng:
- Các đồng
chí ạ, tôi… tôi có lỗi… tôi làm mất tiến bộ của anh em.
- Đồng chí
nghĩ sao? Mọi cái đều phải có nguyên nhân, có kết quả. Nếu chúng ta không tìm
được nguyên nhân thì nguy hiểm lắm – Tiểu đội trưởng mắt chăm chăm nhìn vào
Tuệ. Cậu ta mặt thuỗn ra, gãi đầu:
- Tôi biết
khuyết điểm của tôi… là… rất nặng. Đáng trả về địa phương. Nhưng… nhưng cũng
chỉ tại… chỉ tại thằng Cớn…
- Thằng
Cớn nào? – Tiểu đội trưởng hỏi lại sợ mình nghe nhầm.
- Đúng ạ…
thằng Cớn cứ buổi sáng nó vùng dậy trước tôi, dựng buồm lên. Đi không được. Tôi
mất tiến bộ về nó…
Cả tiểu
đội hiểu ra cười sặc nước. Có người không chịu nổi chạy vọt ra ngoài. Tôi nhìn
Tuệ lúc ấy chỉ khẽ cười nhếch mép, tủm tỉm.
Sau lần ấy
tôi thân với Tuệ hơn vì tôi thích sống với những người bạn vui tính, thực thà.
Tôi hướng dẫn cậu ta cái phép cứ buổi sáng lấy que tăm ngoáy vào lỗ tai, thằng
Cớn nhất định phải “rụt cổ”. Tuệ thử một hai lần thấy hiệu nghiệm. Cậu ta mừng
lắm, tay giấu cái que tăm vào khe liếp ngay ở đầu giường, lẩm bẩm một mình:
“Ông có cách trị mày rồi Cớn ạ”. Rồi cậu
ta vui vẻ huýt sao làm tôi cũng vui lây.
Qua mùa
hè, đơn vị tôi ráo riết luyện tập để chuẩn bị đi B. Ngày trên thao trường, đêm
báo động, chiến sĩ mệt lả.
Nắng trung
du như thiêu đốt. Nắng hình như để sim ngọt thêm. Trời xanh ngắt không một gợn
mây. Căn nhà lá ngột ngạt không một gợn gió. Phải tới quá nửa đêm chiến sĩ mới
chợp mắt được. Bỗng có tiếng còi báo động. Anh em chúng tôi bật dậy lặng lẽ
tháo dây màn, gấp vội cho vào ba lô. Những tiếng bát sắt chạm vào nhau kêu nhẹ
trong đêm. Những tiếng giày lạo sạo nện mạnh xuống nền sỏi đá. “Báo động! Báo
động!” - Tiểu đội trưởng nhắc lại một lần nữa ở cuối giường của tôi. Bên cạnh
Tuệ đã dậy. Tôi thấy cậu ta cứ loay hoay sờ soạng vào cái phên liếp.
- Nhanh
lên Tuệ ơi! - Tôi giục.
- Biết rồi
còn… thằng Cớn… đau bỏ mẹ!
Hóa ra cậu
ta đang tìm cái tăm tre, chắc đêm tối đã bị rơi mất.
Phải tới
mươi phút sau một bóng người nặng nề chạy tới sân đại đội. Tiểu đôi trưởng gắt:
“Chậm thế này thì chết hết!”. Tuệ lấy tay búng vào đầu thằng Cớn rồi nhảy tưng
tưng. Tôi phải bưng miệng không dám cười to, sợ đại đội trưởng nghe thấy. Ngoài
kia tiếng điểm danh từng người dõng dạc như từng phát đạn bắn tỉa.
Một tháng
sau chúng tôi đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên. Tôi và Tuệ vẫn ở chung một
tiểu đội súng cối. Việc khênh vác bao giờ Tuệ cũng ghé vào phần nặng hơn cho
tôi. Bây giờ mới thấy giá trị của thằng “hộ pháp” ăn khỏe. Sau mùa mưa, những
con đường hành quân có chỗ vẫn còn nhem nhép bùn đất. Chúng tôi buộc chặt giầy
cao cổ bằng những đoạn dây cao su cho chắc thêm để đưa cối vào sát lưng địch.
Tuệ hăng hái như con voi hết chạy lên lại chạy xuống ghé vai cho những chiến sĩ
vượt dốc. Ở đây lác đác còn những trận mưa cuối cùng thưa thớt, nhưng muỗi vắt
vần còn nhiều vô kể. Một đêm đang ngủ say tôi bỗng thấy Tuệ bật dậy hô: “Cớn…
cớn”. Tôi vẫn tưởng như ngày nào cái của nợ ấy ngóc đầu dậy. Ai ngờ Tuệ bấm đèn
kéo ra từ trên cổ mình một con vắt to bằng ngón tay cái. Máu trên cổ cậu ta
chảy ròng ròng. Thật khủng khiếp.
Càng gần
về tới cao điểm của rừng già đã thưa dần, cỏ gianh mênh mông, nắng vàng nhức
mắt. Cỏ gianh có chỗ cao ngập đầu. Chúng tôi được lệnh hành quân đêm, ngày
nghỉ. Tôi đứng lặng từ phía xa xa có ánh điện vầng lên - nơi ấy là căn cứ của
địch mà lòng nôn nao những cảm giác thèm khát giây phút thanh bình. Bao nhiêu
ngày sống trong rừng, bao nhiêu bữa ăn nấu vội bằng ăng gô, ống cóng, vật lộn
với mưa và muỗi vắt. Phải đưa cối vào nhanh để đập nát đầu địch! Đêm đêm những
người lính dò dẫm gạt cỏ gianh làm đường, lại lấy cỏ gianh xóa đường để đưa vũ
khí vào điểm tập kết. Ban ngày họ nằm dưới cỏ gianh chịu đựng những cơn khát
dưới nắng trời như thiêu như đốt. Tôi nhìn Tuệ có hai ngày môi đã phồng giộp
lên, hai mắt trũng xuống như vừa qua một cơn sốt rừng. Tuệ hỏi thầm tôi: “Anh
còn nước không?”. “Còn” - Tôi đáp lại đưa chiếc bi đông của mình, may chỉ còn
vài ngụm nước.
Tuệ nhấm
nháp không dám uống hết, cái môi khẽ nhếch lên cười: “Anh ơi… thắng Cớn của em
lớp này chết hẳn”. Nhưng tôi lại không thể cười được. Tôi thương nó quá. Mới
ngày nào nước da nó trắng hồng như con gái, bây giờ đã đen sạm chỉ còn hàm răng
là vẫn trắng bóng. Tuệ bò dưới cỏ gianh sang gần chỗ tôi nói như để riêng tôi
nghe thấy: “Đố anh nước mưa mát hay nước giếng mát? Làng em có cái giếng đá
quanh năm được che phủ bằng bèo ong. Nước trong và ngọt không có nơi nào sánh
nổi”. Tôi dúi đầu Tuệ xuống nói nhỏ: “Đừng nhổm lên. OV10 nó phát
hiện ra thì bỏ mẹ”. Thế là cái lưng “hộ pháp” của cậu ta lại bẹp xuống đất,
trông thật khổ ải. Trên trời thỉnh thoảng có tiếng VO 10 nghe xa dần
như tiếng sáo diều. Tuệ giơ nắm tay lên trời chửi: “Mẹ cha mày, đất của ông,
trời của ông có ngày ông cho chúng mày ra bã!”. Một lúc sau tiếng máy bay tắt
hẳn. Tuệ nhổm lên nhìn rừng gianh mênh mông cùng cơn khát âm thầm ập đến. Con
đường đi tới trước mặt còn nhiều gian nan nguy hiểm. Ai cũng biết nhưng không
nói ra lời. Chúng tôi cùng mong cho trời
chóng tối để tới được bờ sông kịp triển khai trận địa.
Rồi mặt
trời cũng tụt xuống khỏi thảo nguyên vàng rực. Bóng đêm tràn ra che kín mặt
người. Đêm thảo nguyên không có tiếng ếch nhái kêu như ở quê nhà. Chỉ có tiếng
gió thổi ù ù, tiếng hoẵng, nai xa xa gọi bạn. Người lính trinh sát bấm ngọn đèn
hạt đỗ vào sơ đồ rồi bước đi bước đầu tiên dẫn đoàn quân xuất kích. Chúng tôi
lại khênh vác, lại súng đạn lỉnh kỉnh quanh người, bám nhau lặng lẽ lên đường.
Thảo nguyên mênh mông thế nhưng không giấu nổi mùi mồ hôi, mùi giầy thối thoang
thoảng ập đến mũi từng người.
Đến gần
sáng đã thấy gió lạ. Gió không u ám như bên kia Trường Sơn có những cơn mưa
cuối mùa, không khô khét như trong rừng gianh hầm hập nóng, gió mát rượi mang
hơi nước xoa vào mặt, vào da thịt mỗi người. Đường đi cũng thoai thoải xuống
dốc. “Nước! Nước!” - Có người reo lên ở phía đầu đoàn quân. Bỗng một tiếng nổ
xé tai, chớp lòe trước mặt. Chúng tôi nằm ép xuống đất. Một lúc sau tiểu đội
trưởng chạy lại hỏi: “Có ai sao không? Có ai sao không?”.
- Em bị…
rồi!
Tôi hốt
hoảng chạy ngược lên nhận ra tiếng quen quen của Tuệ. Dưới ánh đèn hạt đỗ của
tiểu đội trưởng chúng tôi nhận ra Tuệ đã nằm trong vũng máu. Địch đã gài mìn
chặn ta ngay bờ sông. Tuệ hai mắt vẫn mở, cánh tay vừa chạm bờ nước chưa kịp
uống ngụm nước đầu tiên cho thỏa hai ngày đói khát. Tôi ôm lấy Tuệ ghì chặt vào
ngực mình còn thấy máu trong người nó chảy sang tôi ấm nóng. “Tuệ ơi hãy nằm
đây với đất Tây Nguyên. Ngày mai cối của ta sẽ nổ giập đầu quân giặc!” Tôi khẽ
thầm thì như thế, lòng nghe tiếng sông như khóc rì rầm, mà thương Tuệ không cầm
nước mắt.
Nhớ anh
Ngô Trọng Tài
Những ngày
đầu năm 1969, anh Ngô Trọng Tài và tôi được cử vào Hà Tĩnh để huấn luyện cho
cán bộ cấp xã về phương pháp rà phá bom từ trường. Huyện đội Can Lộc - Hà Tĩnh
lúc ấy đang sơ tán ở xã Xuân Lộc, cách cầu Nghèn vài cây số. Do tình hình cán
bộ đông nên Huyện đội Can Lộc đề nghị phân ra làm hai nơi: Một lớp tổ chức ở
Huyện đội do anh Tài phụ trách, còn tôi dạy ở cụm thứ hai xã Sơn Lộc.
Thời đó
mang tiếng là lớp học, nhưng phải tổ chức ở ngoài trời bởi cả Huyện Can Lộc
không còn một ngôi nhà nào để làm được hội trường, các cơ quan, trường học hầu
hết đã bị bom Mỹ phá sập đổ. Ngày mới đến, anh Bát cùng anh Tài (anh Bát là cán
bộ Huyện đội) tìm cho tôi một ngôi nhà “sang” nhất nhì xã Xuân Lộc. Trước nhà có một cây hồng rất to, lá xanh
tươi trùm bóng mát khắp sân. Anh Bát giới thiệu: “Đây là nhà o Hương!”. Tôi
chào o, mắt ngỡ ngàng thầm nghĩ (sao ở đất này lại có được cô gái xinh đến
thế?). Còn nhớ lúc đó anh Tài nhấp nháy mắt, ra ngõ nói thầm với tôi: “Tốt rồi,
dân vận nhiều vào cho các anh được nhờ”. Tôi chỉ vào cây hồng mùa này đã hết
quả nói với các anh: “Mình đến chậm… có khi hồng cuối vụ rồi?”.
Anh Tài là
một cán bộ khoa học, nhưng rất giỏi văn chương. Có lẽ ít ai thuộc toàn bộ cuốn
Kiều của cụ Nguyễn Du như anh. Những đêm nằm với tôi, anh thường đọc cho nghe
vài đoạn Kiều, và chạm bất kể một tích nào anh đều giải thích rất rành rành rọt. Tôi được biết anh ở trong nhóm biên
soạn cuốn tự điển Nga Việt đầu tiên, ấy thế mà anh có ở Nga một ngày nào đâu!
Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ anh là người có tài, đúng với cái tên các cụ đặt
cho anh.
Dạo ấy, trời
Hà Tĩnh về đêm bắt đầu se lạnh. Nhà o Hương lúc nào cũng có một bếp củi đỏ
hồng. Buổi sáng anh Tài sang nhà tôi bao giờ cũng được mẹ Hương rang cho hai
anh em mỗi người một bát cơm với mắm cáy. Cơm được rang giòn tan, rời từng hạt
như cốm, mùi mắm cáy bốc lên thơm ngào ngạt tạo thành hương vị khó phai mờ.
Trong cái rét se se của đất lửa miền Trung, có hơi ấm nồng nàn của than củi,
anh Tài hay nói về Hà Nội cho bà mẹ và o Hương nghe. Từ những chuyện vặt vãnh
cái tàu điện như thế nào, làm sao lại chạy được, đến cái đài phát thanh cột ăng
ten thật cao mà sao ở đây đài thu lại lúc bổng lúc trầm, đối với gia đình này
thật mới mẻ. Nhiều lúc o Hương quên cả mình là thiếu nữ, o len vào giữa, một
tay ôm đầu gối anh Tài, một tay khoác vai tôi mắt tròn xoe nghe những chuyện
lạ.
Anh Tài
người mập, dáng đi hơi nặng nề, về tới đất này anh mới nói đúng giọng quê mình -
Can Lộc. Sắp tới ngày mở lớp, anh Tài nói với tôi: “Cậu có về thăm quê tớ không,
quê tớ chỉ cách đây có vài cây số thôi?”. Tôi thích đi lắm nhưng vì vướng cái
đồng hồ đo điện không hiểu sao lại bị kẹt kim. Qua ngày mai lớp bắt đầu học
rồi, không chữa lấy gì mà dạy học? Nên tôi đành nói để anh vui lòng: “Anh cứ về
quê đi, hôm nào kết thúc lớp học anh em ta qua nhà lần nữa để chào làng xóm”.
Lần ấy về
quê anh vui vẻ lắm. Buổi tối, anh kể tôi nghe chuyện họ hàng với nỗi buồn quê
nghèo thăm thẳm anh chưa làm gì cho quê được. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng -
cuộc đời anh như một định mệnh.
Lớp học
của anh Tài đã qua được một ngày xong phần lý thuyết. Lớp của tôi mở chậm hơn
nửa ngày. Anh Bát chạy đi chạy lại trông nom cả hai lớp. Ngày mai lớp của anh Tài,
giảng viên và cán bộ khung phải đi thị sát địa hình và cho đánh nổ bom bằng kỹ
thuật mới nghiên cứu để học viên tin tưởng vào bài học. Theo kế hoạch anh Bát
làm với anh Tài vào buổi sáng hôm ấy, xong công việc anh trở về lớp tôi vào
buổi chiều. Khoảng gần mười hai giờ trưa, có một tiếng nổ rất mạnh làm rung
chuyển cả vùng. Tôi mừng thầm, bom nổ lớp anh Tài đã kết thúc tốt đẹp.
Gần một
giờ sau, một chiến sĩ của Huyện đội còn
rất trẻ đến tìm tôi báo tin, anh Tài bị thương đã đưa về bệnh viện Huyện ở Vĩnh
Lộc.
Tôi bàng
hoàng trong giây phút, cố trấn tĩnh lại, trao đổi nhanh với đồng chí lớp trưởng
tạm dừng lớp học và theo xe đạp tới bệnh viện.
Hồi đó bệnh viên Huyện Can Lộc cũng sơ tán vào trong làng, ở nhờ nhà dân. Tôi
xuống xe chạy vào phòng cấp cứu. Người bác sĩ nữ tầm trung tuổi bùi ngùi nói
với tôi: “Anh Tài đã đi rồi!
Lúc bấy
giờ anh Bát vẫn trực anh Tài ở nhà xác. Nhìn anh Tài nằm như ngủ, một bên đùi
đã băng bó cẩn thận mà máu vẫn còn thấm ra ống quần. Tôi nắm tay anh oà khóc.
Anh Bát kéo tôi ra ngồi xuống sân cỏ, cố gặng lời an ủi: “Cậu đừng buồn nữa, ở
đây có sự định mệnh rồi. Mình và anh Tài đi thị sát đã biết quả bom này ở vị
trí nguy hiểm, vì nó nằm nổi một nửa trên đất, xung quanh lại có đá. Sau khi
căng khung dây xong anh Tài đã ngồi ở vị trí cao hơn để điểm hoả. Nhưng không
may… thật không may, một hòn đá to bằng cái mũ đã rơi trúng vào đùi anh. Chúng
mình đã tập trung ga rô cho anh cẩn thận, nhưng vì phải khênh anh từ trên núi
xuống, lại đường tới bệnh viện rất xa anh
bị choáng không qua khỏi…”. Tôi bàng hoàng nhìn anh nằm kia, nước mắt
đầm đìa mà không khóc được. Anh Tài ơi, bom đã nổ đúng với lý thuyết mà bao
ngày đêm anh nghiên cứu, nhưng mất mát này nào ai có tin? Công việc mà anh để
lại một mình em sao gánh vác được?
Lúc ấy tôi
gục xuống ôm lấy đầu gối mình, quên mất cả mọi người đứng xung quanh đang chờ
đợi để hỏi thăm hoàn cảnh gia đình người quá cố.
Đêm ấy tôi
thức với anh tại nhà xác giữa cánh đồng xã Vĩnh Lộc trọn một đêm. Thỉnh thoảng
tôi thắp một nén hương cho ấm cúng và bắn lên trời một viên đạn K54 cho đỡ lạnh
lẽo. Có lẽ đó là một đêm để lại ấn tựợng sâu sắc nhất ở tuổi hai mươi của tôi.
Sáng hôm sau, trong đoàn người đưa anh ra nơi yên nghỉ cuối cùng, có vòng hoa
của các cháu học sinh, có họ hàng người thân của quê hương anh vừa mới về gặp
mặt.
Tôi xin
các đồng chí cán bộ Huyện đội Can Lộc nghỉ hai ngày để ổn định sức khỏe, sau đó
lại tiếp tục mở ba lớp huấn luyện phá bom nữa. Vào một buổi chiều, anh Ngô Đức
Thọ (Trưởng phòng) và anh Trương Ngọc Vĩnh (tổ trưởng) vào thăm tôi. Sao lúc
này được gặp các anh tôi sung sướng thế! Các anh biết tôi còn giở lớp học không
theo xe về Hà Nội được, anh Thọ căn dặn: “Rút kinh nghiệm của anh Ngô Trọng Tài,
phải thật an toàn khi giảng cách phá bom trên thực địa. Không những chỉ an toàn
cho mình mà cả học viên. Khi nào giảng xong cậu báo cáo với Huyện Đội về Hà
Nội”. Anh Trương Ngọc Vĩnh ôm lấy tôi đưa cho một cây bắp cải. Thời ấy loại rau
này ở Hà Tĩnh hầu như không có. Tôi mang về bếp trao cho các o trong ban hậu
cần của lớp. Trưa hôm sau cả lớp được thưởng thức một bữa cơm có canh bắp cải.
Hầu như mỗi người chỉ dám chan nước canh có một lần để nhớ cái hương vị thơm
tho đặc sản của xứ Bắc.
Ngày 29 áp
tết năm ấy (vào tháng 2-1969) khoá huấn luyện Rà phá bom từ trường của Huyện
Can Lộc kết thúc. Tôi khoác ba lô từ Sơn Lộc về Xuân Lộc để chào mẹ o Hương. Bà
mẹ muốn giữ tôi ở lại ăn tết với gia đình. Biết tôi lúc đi có hai người, lúc về
chỉ một mình, o Hương nắm tay tôi rơm rớm nước mắt làm tôi xúc động nghẹn ngào.
Hai chúng tôi cùng lặng yên nhìn về phía xa xa cánh đồng Vĩnh Lộc, nơi đó anh
Tài yên nghỉ. Mảnh đất quê hương Hà Tĩnh đã sinh ra anh, giờ lại cho anh hóa
thân vào hoa cỏ, để lại bao nhớ thương cho người thân, đồng đội, bạn bè…
Tôi có
người bạn cùng học trò thời thơ ấu - Cao Đức Trạch, một lần ngồi vui câu chuyện
Trạch bảo: “Xã ta thế hệ sau chúng mình, có cậu Phạm Ngô Lộc, em Phạm Ngô Khánh
- Khánh học với chúng mình ấy. Ông còn nhớ không? - tôi gật đầu - nó hy sinh
dũng cảm lắm. Ông viết về tấm gương ấy đi!”.
Lời nói của bạn như một dây nối của tín hiệu linh cảm, tôi cứ canh cánh
trong lòng cái tên Phạm Ngô Lộc. Nhưng thời gian trận chiến đấu ác iệt của thời
ấy mỗi ngày một lùi xa.
Sáng nay,
tôi như người sực tỉnh phóng vội xe xuống nhà người bạn. Trời vẫn lạnh giá.
Làng xóm chìm trong sương mù với cái rét dưới 12 độ. Người bạn tôi nghe chừng
sức vẫn khá phong phanh trong chiếc áo len xanh cộc tay, ra đón từ ngoài ngõ:
- Vào nhà
đi! Nước non đã. Không phải cởi giày, cứ ngồi cho ấm.
Tôi phân
trần: “Ông Trạch chấu này (người làng Đầu hay gọi cháu là chấu), đêm hôm qua
tôi cứ nóng ruột, chẳng ngủ được, hình như thằng Lộc nó gọi tôi làm việc này.
Nhưng bây giờ phải bắt đầu thế nào?”. Trạch rót chén nước nóng hổi, cao giọng
lên sợ tôi không nghe rõ:
- Tôi đưa
ông sang gặp chú Toàn - Phạm Ngô Toàn là em trai Phạm Ngô Lộc, còn ông anh Phạm
Ngô Khánh lại ở Hà Nội rồi. Vả lại, vừa qua ông ấy bị tai biến, chắc chẳng nhớ
được mấy.
Tôi giục
Trạch mặc thêm áo cho ấm rồi hai người ra ngõ. Làng Đầu - xã Phụng Công - Văn
Giang, nơi Phạm Ngô Lộc sinh ra, mấy năm nay đổi thay đến chóng mặt. Những biệt
thự cao tầng mọc lên san sát. Đường bê tông rộng rãi, có chỗ được hai làn xe
chạy. Dãy ao xưa - trước cửa làng đã được kè gạch xung quanh, nước trong văn
vắt. Tôi chạnh nhớ tới nơi này cậu bé Phạm Ngô Lộc đã ngồi câu cá, để rồi tình
yêu quê hương đã thấm vào tim, vào óc
con người dũng cảm.
Đi qua dãy
nhà cao tầng, chúng tôi rẽ vào một ngõ nhỏ. Trạch chỉ tay một ngôi nhà cổ năm
gian nép mình trong vườn đầy hoa và cây cảnh. Người chủ nhà cao lớn, chừng tuổi
ngoài bốn mươi có nụ cười cởi mở.
- Chào chú
Toàn! - tôi chìa tay ra nắm chặt bàn tay hộ pháp của Toàn. Tôi cảm thấy có hơi
ấm lan toả trong người.
- Mời hai
bác vào nhà. Quý hoá quá!
Sau vài
lời thăm hỏi gia đình, tôi hỏi Toàn:
- Anh được
bác Trạch nói chuyện về chú Phạm Ngô Lộc. Hôm nay anh vào để được biết cụ thể
trận đánh của Lộc thế nào?
Toàn bước
lên giường hạ tấm bằng Tổ quốc ghi công đang treo trên tường xuống. Hai anh em
lấy khăn lau cho rõ mặt kính để ghi lại: Phạm Ngô Lộc hy sinh 15-9-1972. Số
bằng NĐ701b. Quyết định số 418TTg.a; chữ ký - Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Tôi hỏi
Toàn:
- Em có
nhớ được nhiều về anh Lộc không?
Toàn trầm
ngâm một lúc rồi nói:
- Anh em
đi bộ đội, em còn rất nhỏ. Nhưng sau này tìm hiểu em biết được nhiều. Anh Lộc
học xong cấp 3 tốt nghiệp lớp 10 vào năm 1969. Anh có giấy báo gọi đi học Đại
học tổng hợp. Nhưng anh không đi học, xin được nhập ngũ đi B chiến đấu. Bố em
là Phạm Ngô Nhẫn cũng ở trong quân đội - đoàn văn công Tổng cục chính trị, cũng
phải chiều con - khát vọng của tuổi trẻ thời ấy mà. Anh Lộc có năng khiếu về hội
hoạ. Anh nhìn xem bức chân dung anh ấy ký hoạ bố em, đẹp không? Hai bố con
giống nhau như hai giọt nước.
Tôi đỡ bức
ký hoạ nhỏ bằng bàn tay trên tay Toàn, có chữ ký của Lộc và mấy chữ tiếng Nga
(người cha) lòng trào lên xúc động. Người trong tranh có khuôn mặt cương nghị
và đôi mắt đẹp biết bao!
Giở cuốn
học bạ viết tay đã ố vàng, có lời phê của cô chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Anh, học
trên trung bình, có khả năng về hội hoạ, tôi càng thấy thấm thía sự hy sinh to
lớn cho Tổ quốc, cho độc lập dân tộc của những lớp người đi trước.
Ngồi bên tôi, ông Cao Đức Trạch thỉnh thoảng nhấp một ngụm trà.
Ông bảo:
- Chú kể lai sự hy sinh của Lộc cho bác nghe đi.
- Vâng. Chuyện gia đình biết anh Lộc hy sinh mãi
cuối năm 1974. Hôm đó có một anh bộ đội hỏi thăm đến nhà em. Anh mang theo một
ba lô tư trang kỷ vật của anh Lộc. Gồm:
một mũ cối, một thắt lưng da có ghi tên Phạm Ngô Lộc và một cuốn nhật ký. Anh
giới thiệu tên mình là Hậu quê ở Thuận Thành - Bắc Ninh, là bạn chiến đấu với
anh Lộc. Trận đánh đó vào ấp Nhị Bình - xã Nhị Kiều - huyện Thủ Thừa - tỉnh
Long An. Đêm ấy, bộ đội ta tấn công vào đồn địch. Anh Lộc là tiểu đội trưởng
trinh sát, cùng bò vào có ba người xung kích làm cửa mở. Thật không may, đội
hình vào bị dính mìn của địch đã cài sẵn. Anh Lộc bị thương nặng vào đùi. Đạn
địch bắn ra như mưa. Hai người kia, một người bị lạc sau hai ngày mới tìm được
đơn vị. Còn một người bị thương nhẹ ngay
đêm ấy được đơn vị tìm thấy đưa về. Riêng anh Lộc máu ra nhiều ngất đi, gần
sáng mới tỉnh dậy. Nhớ ra mình bị thương, anh dồn hết sức lực để bò ra ngoài.
Xung quanh anh có những nấm mộ mới, cũ - đó là bãi tha ma ở ngoài ấp. Anh Lộc
giấu mình vào một nấm đã có nhiều cỏ mọc, kiểm tra lại súng đạn.
Trời sáng. Bọn địch trong đồn toả ra sục sạo
khắp nơi. Chúng phát hiện thấy vũng máu của anh Lộc. Rồi chúng theo vết máu
nhìn thấy anh Lộc đang ngả người vào nấm mộ. Có tiếng loa gọi: Tên cộng sản đầu
hàng sẽ được khoan hồng! Anh Lộc vẫn nằm im. Lại tiếng loa gọi: Chính Phủ Cộng
Hoà sẽ khoan hồng cho những binh sĩ lầm đường lạc lối trở về. Anh Lộc vẫn nằm
im. Rồi một tên chạy thẳng vào đường ngắm của nòng súng. Pằng pằng… Tên địch
kêu rống lên rồi ngã gục. Tiếng loa vẫn ra rả. Bọn chúng biết anh còn nhiều
đạn, bắt đầu chúng bắn trả. Anh Lộc nép vào các ngôi mộ để tránh đạn. Những
phát bắn tỉa của anh vô cùng chính xác, hạ sát hàng chục tên lính đã làm chúng hoảng sợ. Và viên đạn cuối cùng anh đã
dành cho mình để không rơi vào tay giặc. Cuộc chiến đấu không cân sức đã làm
cho kẻ thù kinh hãi. Chúng hèn hạ trả thù. Chúng đem xác anh treo trên cành cây
rồi đưa xe kéo khắp Huyện nhằm làm suy giảm ý chí chiến đấu của quân dân ta.
Nhưng, anh biết không, có chuyện thật cảm động - Toàn dừng tay châm
điếu thuốc lá, hai ngón tay còn đang run run chưa bật được lửa - cũng ngay đêm ấy, nhân dân ở đây đã “cướp
xác” của anh em đem về chôn giấu ở vườn
nhà. Anh thấy tình nghĩa của nhân dân Long An với cách mạng với người con Hưng
Yên có sâu nặng không? Sau ngày hoà bình anh Lộc em lại được đưa về đài liệt sĩ
ở tỉnh Long An để nhân dân hương khói.
Tôi dừng
tay ghi chép vào cuốn sổ của mình những lời Toàn nói. Trong lòng vẫn ngổn ngang
những dấu hỏi: “Chú Toàn này, câu chuyện trên
của Phạm Ngô Lộc thật anh hùng, lại từ anh Hậu nói ra - người đồng đội
đã mang kỷ vật về cho gia đình. Nhưng lúc đó ai được nghe?”. Toàn cười:
- Cả nhà
em nghe, bố mẹ em lúc ấy còn sống và cả anh Khánh nữa! - Tôi gật đầu.
- Em lại
nói thêm một chi tiết nữa để anh biết.
Cách đây hai năm, trên VTV1 ông tướng Nguyễn Khánh có nói chuyện về sự
hy sinh của Phạm Ngô Lộc. Ông nói khi anh Lộc hy sinh còn được đơn vị học tập
gương chiến đấu như Phạm Ngô Lộc. Nhân dân địa phương - nơi anh Lộc ngã xuống
hàng năm vẫn lấy gương hy sinh dũng cảm của anh để giáo dục thế hệ trẻ.
Tôi à lên
môt tiếng, rồi thấy Toàn rút điện thoại có ai gọi: “Alô… chị à… vâng… vâng ấp
Nhị Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”.
Rồi Toàn
quay lại nói với tôi: “Người gọi điện cho em là cô Phạm Ngô Kim Diệp, con gái
của chú ruột em (ông Quảng Đức ở thành phố Hồ Chí Minh). Cô cho biết tên cái ấp
ấy là nơi anh Lộc hy sinh và cô đã một lần đến thắp hương. Tôi bảo Toàn: “Anh
nghĩ thế là đủ. Ta có phải đi xác minh liệt sĩ đâu mà ta đi tìm tấm gương dũng
cảm. Kể có điều kiện mình đến Thuận Thành - Bắc Ninh, tìm lại anh Hậu. Nhưng
thời gian đã ngoài 40 năm rồi, chẳng biết anh Hậu có còn không ? Mà Thuận Thành
lại là một huyện biết anh ở xã nào mà tìm?”. Toàn quả quyết:
- Bác cần
tìm anh Hậu, mấy ngày em cũng đi với bác!
Tôi nắm
chặt tay Toàn trong lòng xôn xao những tình cảm chân thành với người em trai
của liệt sĩ dũng cảm. Và trong sâu thẳm trái tim như có Phạm Ngô Lộc đang thầm
gọi để thêm sức mạnh viết được những trang này. Mấy ngày sau, tôi vẫn trăn trở
đi tìm sự thật chính xác giây phút hy sinh của Phạm Ngô Lộc. Thật tình cờ, tôi
lại được gặp một thương binh 2/4, anh tên Trần Xuân Lai ở làng Ngò - xã Phụng
Công. Nhắc tới Phạm Ngô Lộc, anh nói:
- Ngày ấy
khổ lắm. Tỉnh Long An có địa hình đồng bằng, mùa nước lại lụt lội. Cánh đồng
thì mênh mông chi chít kênh rạch, chỉ có thấp thoáng những lùm cây dại. Ở đây
người dân thường chọn những khu đất cao để ở. Dân cư thưa thớt, mấy nhà một xóm
nhỏ. Chúng em phải ở hầm. Trực thăng bay trên trời suốt ngày. Bởi vậy, lính có
câu: “Đêm của ta, ngày của địch”. Cứ sâm sẩm tối là dân đưa cơm kèm theo bi
đông nước cho từng hầm... Mỗi người một nắm cơm nắm, có hôm được hai là no cả
ngày. Ăn xong 8-9 giờ tối là chúng em tổ chức đi đánh địch. Ở Long An, quân và
dân thường gọi khu vực này cái tên là Nông Trường 1. Bọn địch ở đây xây dựng
đồn bốt rải rác. Các đồn có nhiều tầng dây thép gai bao bọc. Chúng có một sư
đoàn Anh Cả Đỏ khét tiếng - sư đoàn 1. Còn chúng ta có quân khu bảy. Năm ấy, em
vào tới nơi nghe tin Lộc đã hy sinh. Lộc ở đại đội 3, tiểu đoàn 4 - đơn vị
trinh sát. Lộc bị thương, một mình chiến đấu với bọn Anh Cả Đỏ. Vì chúng chết
nhiều quá nên khi Lộc hy sinh, chúng trả thù hèn hạ phơi xác anh ở chợ. Chính
vì thế ai cũng biết tên Phạm Ngô Lộc - Đến đây Lai rót một ly rượu, nói nhỏ -
Bác dùng với em một tý - tôi gật đầu - anh Lai nói tiếp:
- Bác viết
về Phạm Ngô Lộc, chúng em sung sướng lắm và chắc anh Lộc cũng thế. - Tôi nhìn
thấy mảnh đạn cắm vào giữa hai mi mắt Lai hãy còn hố sâu hoắm. Dưới đấy có giọt
nước mắt khẽ lăn dài xuống gò má. Bao nhiêu năm rồi có ai nói đâu? Người Phụng
Công mình có Phạm Ngô Lộc thật đáng tự hào! Phạm Ngô Lộc hy sinh dũng cảm như
một người anh hùng. Gương hy sinh ấy sẽ còn phải sáng mãi! Bây giờ mỗi lần nhớ
lại cái thời gian khổ em cứ bùi ngùi, muốn tìm lại đồng đội để gặp nhau, ôm
nhau mà khóc!
Hết
Mục lục
Lưu Tuấn Kiệt như tôi
biết............................................... 6
Thơ và đời 10
Phụng Công, làng hoa - làng huyền thoại 109
Hồn làng 6
Heo may 4
Cây đề đầu làng 7
Người thổi kèn 30
Cây gạo ba mươi 3
Ngày xuân vô xứ Huế 7
Một thoáng Nha Trang 5
Lỗi hẹn với Nha Trang 5
Tuệ 60
Nhớ anh Ngô Trọng Tài................................................ 169
Sáng mãi gương hy sinh của liệt sỹ Phạm Ngô Lộc..... 176
thú vị nhỉ
Trả lờiXóa