Cây
gạo ba mươi
Cây gạo
cách xa làng tôi tới hơn một cây số. Lưng cây còng còng như ông già chậm bước.
Xa xưa sông Hồng bồi đắp cho cánh bãi này. Làng tôi - bên bồi, làng kia bên kia
sông - bên lở. Người bên lở sang nhận ruộng bên bồi. Dân làng tôi mang một cây
gạo ra trồng. Có điều lạ lùng, các cụ trồng cây ngược: Ngọn xuống đất, gốc lại
lên trời. Hóa ra chỉ trong mấy năm cây đã có lưng còng, mang dáng trăm năm cổ
thụ. Cây gạo thành ranh giới đất đai của làng từ đấy.
Khi chúng
tôi lớn lên toàn bộ cánh bãi nãy vẫn mênh mông cỏ lác. Ngày ngày chỉ có lũ trẻ
rong trâu ra chăn thả, nô đùa, đến đêm lại là nơi trú chân của trộm cướp. Người
ta còn kể rằng, xa xưa thời còn giặc giã, loạn lạc, có một người trộm cướp rất
tài tên là Trúc Ba Dõi. Ông chỉ lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Có lần
đúng đêm ba mươI tết ông lẻn vào một nhà phú ông. Lừa lúc nhà này luộc bánh
chưng đã chín, gia nhân mệt mỏi lăn ra ngủ, ông bê cả nồi bánh đội lên đầu (hóa
ra đáy nồi là nơi nguội nhất). Sáng mồng một, anh nhà giàu còn được ông tặng
hai câu thơ dán ở ngõ:
Chữ nghĩa tôi học đã thông
Chỉ vì đói kém xin ông vui lòng
Dưới thơ
còn có lời căn dặn: Tôi phần lại để ông cúng tổ tiên ở gốc cây gạo ba mươi.
Sáng mồng một, phú ông cử gia nhân chạy ra gốc gạo. Quả nhiên vẫn còn hai đòn
bánh chưng được gói cẩn thận bằng mấy tàu lá chuối. Cây gạo có tên ba mươi từ
đấy.
Chúng tôi
lớn lên, cây gạo trở thành người bạn thân thiết. Vào cuối xuân, cây gạo ra hoa,
trông xa như ông lão còng lưng đội đầu lửa hướng về làng. Lũ trẻ mục đồng sáng
sáng cưỡi trâu phi thẳng ra cây gạo ba mươi vừa chăn thả vừa bày ra các trò để
kiếm bữa ăn trưa. Ở gần cây gạo có một khu đầm hoang, tôm cá nhiều vô kể, tháng
khô hanh, khi nước trong đầm chỉ còn ngang đầu gối bọn trẻ trong làng chỉ cần
ào xuống, khua sục bùn lên là đã bắt hàng rổ cá tươi ngon. Cỏ tranh trong bãi
được gom về chất đống để nướng cá. Mùi thơm như hương cỏ mật và vị đậm đà của
muối trong tro tranh ngấm vào thớ thịt của từng con cá chín nóng hổi, chúng tôi
ăn nhớ mãi.
Khi mặt
trời sắp tắt nắng, lũ trẻ mục đồng lại cưỡi lưng trâu rong ruổi về làng, cây
gạo ba mươi lại là thế giới của ma quỷ. Những đốm ma trơi thường lượn lờ xung
quanh gốc gạo. Cầy cáo chạy tung hoành tìm kiếm tôm cá của bọn trẻ bỏ lại. Trên
cành gạo cao cú rúc suốt đêm, ma đến khóc cười, chúng tôi nghĩ tới đã dựng tóc
gáy. Lạ chưa? Ban ngày cây gạo ba mươi thân thuộc với chúng tôi là thế, nhưng
lúc bóng tối phủ xuống đố đứa nào dám tới nơi đây! Trong ánh sáng mờ nhạt của
chiếc đèn dầu chúng tôi chỉ biết ôm chặt lấy nhau mỗi lần nghe người lớn kể
chuyện về sự bí mật của những người âm với những cái lưỡi đỏ lòm của ma quỷ…
Sau này, bọn trẻ ở quê
tôi đã có đôi chân ra khỏi làng, con mắt biết nhìn vào trời đất và cuộc đời như
trang sách cao dần trước mặt, chúng đã hiểu: Cây gạo ba mươi là mảnh đất thiêng
liêng của ông cha đã dành cho trẻ nhỏ. Ở đấy chúng được lớn lên biết yêu và
biết sợ. Đó là hai thế giới của tuổi thơ. Những ai không có hai thế giới ấy,
chưa đủ để làm người
Ngày
xuân vô xứ Huế
Giải phóng
miền Nam
30.4.1975, hai tháng sau tôi có lệnh của Bộ Tổng tham mưu vào Sài Gòn (nay là
thành phố Hồ Chí Minh). Đoàn hành quân trên chiếc xe quân sự cũ kỹ đầy bùn đất.
Ngày đi, đêm nghỉ, chỗ nào tiện ăn ngủ thì dừng lại. Đêm ấy chúng tôi ngủ ở
Huế. Võng mắc trong vườn hoa, nấu cơm, ngồi ăn trên ghế đá, Những má, những em
ra xem bộ đội ăn cơm, có người tốt bụng
còn mang trà cung đình cho uống. Ăn gần xong, một cô gái mắt đen, nụ cười tinh
nghịch dúi vào tay tôi một trái chôm chôm. Tôi cầm trên tay cảm ơn em nhưng
chẳng biết quả gì.
Sau hơn ba
mươi năm, tôi lại có dịp trở lại nơi này, lòng sao chẳng bồi hồi xúc động?
Chiếc xe ca của Nhật, loại hiện đại nhất đưa đoàn Hội văn học nghệ thuật Hưng
Yên đi suốt đêm từ quê hương xứ nhãn vào Huế. Trên xe có vidio nghe đĩa nhạc,
có nước khoáng Lavi, có bánh mỳ, sữa hộp ăn đêm, đường cao tốc chạy êm như ru,
chẳng còn cú xốc “vẹo xương sườn” như ngày xưa mỗi lần xe khựng lại bị ổ gà.
Huế như cô
gái đẹp ngủ muộn. Sông Hương lặng lẽ trong sương mờ. Xe đưa đoàn chúng tôI vào
khách sạn Điện Biên. Trước cổng có cây sanh hàng trăm tuổi, buông rễ như tơ
mành, tán tròn rộng như một chiếc ô khổng lồ. Tôi được xếp đặt nghỉ cùng phòng
với nhà thơ Lê Hồng Thiện. Việc đầu tiên là tắm rửa, nghỉ ngơi rồi đi tìm sách.
Sách ở đây in để phục vụ cho khách du lịch rất nhiều. Tôi liếc mắt nhìn những
tên sách ta không có “Truyện nội cung của cựu hoàng Bảo Đại” của Nguyễn Đắc
Xuân, “Truyện kể về các vương phi hoàng hậu nhà Nguyễn” của Nguyễn Phi Long…
Anh Lê Hồng Thiện bảo tôi: “Ông chọn mua mấy cuốn, đi đâu phải mua sách ở đấy,
mình về còn có tư liệu để viết”. Chúng tôi mua ngay trong Viện Bảo tàng Huế.
Đứng ở đây gió từ sông Hương thổi lên mát rượi. Huế yên tĩnh hơn Hà Nội. Buổi
sáng những người lao động uống cà phê, ăn một chút bánh mì, họ trầm ngâm suy
nghĩ nhìn ra đường, như không biết có ai ngồi bên cạnh mình. Tôi tần ngần đứng
trước một khu đất rộng. Ở đây có hai cột trụ thật cao, giữa có một án thư, đắp
rồng phượng, nét hoa văn bay bướm, sống động. Hai bên có hai bàn đá cho người
ngồi. Được biết xa xưa đây là nơi các tử sĩ đua tài. Rồi chợt nhớ tới chuyện
Cao Bá Quát được vua giao cho chấm thi. Ông đã lấy muội đèn chữa bài cho anh
học trò nghèo bị phạm húy. Chính lần ấy ông bị vua phát hiện giáng chức đuổi về
quê. Đứng ở đây tôi khẽ đọc câu thơ “Đường
vô xứ Huế quanh quanh - Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Ngày xưa đi
bộ, làm gì có tàu xe như hôm nay. Quê hương - từ đây nhớ về xa thăm thẳm. Hỡi
người học trò nghèo quê ở đâu vào đây đua tài, để một nét chữ sai gông cùm vào
cổ? Bởi vậy mới có tâm hồn Cao Bá Quát, nằm giữa lòng cố đô Huế nhắc nhở người
mai sau tinh thần yêu nước của người dân Việt.
Chiều,
chúng tôi đi thăm kinh thành Huế, một công trình choáng ngợp đầy ấn tượng với
khách du lịch. Trước cổng Đại Nội là quảng trường lớn, bên kia là cột cờ. Nơi
đây đã từng diễn ra giờ phút lịch sử: Ông vua cuối cùng nhà Nguyễn - Bảo Đại
thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ngày 30.8.1945. Rồi đất nước
chia cắt, mãi tới năm 1945 lá cờ kia mới thực sự tung bay trên bầu trời Huế.
Chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu nước mắt mới có được hôm nay.
Đất nước
khổ đau hàng trăm năm chiến tranh, nhưng ở cố Đô Huế tưởng như không phải qua
một ngày nào. Từ Đại Nội - Điện Thái Hòa nơi có cửu đỉnh tượng trưng cho chín
đời vua nhà Nguyễn, đến Tử Cấm Thành, điện Kiến Trung, điện Diên Thọ… đều
nguyên dấu thời gian.
Chim vẫn
hót trong vườn, gạch dưới sân rêu phong không còn một vạch vữa. Tôi chú ý tới
những bức chân dung quý hiếm, chụp, vẽ các đời vua từ Gia Long đến Khải Định,
nhưng không có ảnh Bảo Đại - ông vua cuối cùng đã bỏ đất nước ra đi. Thật đáng
thương, đáng trách bao nhiêu!
Trong tất
cả các đời vua, người tôi có cảm tình nhất là vua Tự Đức (1847 - 1883). Trước
khi thăm lăng Tự Đức, đêm ở khách sạn các bạn rủ nhau đi ngắm cảnh Huế, tôi lại
vùi đầu vào đọc cuốn “Chín đời chúa mười ba đời vua nhà Nguyễn” của Thi Long.
Được biết
Tự Đức là con trai thứ vua Thiệu Trị. Đáng ra vua cha qua đời phải truyền ngôi
cho con trưởng là Hồng Bảo. Nhưng Hồng Bảo từ bé đã hư hỏng, mải ăn chơi không
chịu học hành. Khi vua Thiệu Trị sắp qua đời, ông gọi các quan đại thần vào và
trao di chúc truyền ngôi cho Tự Đức. Hồng Bảo căm giận hộc máu ngay tại cung
điện. Sau này Hồng Bảo tổ chức làm phản bị Tự Đức bắt, tha chết cho vào ngục,
nhưng Hồng Bảo đã thắt cổ tự tử. Người đời cho rằng em giết anh nên Tự Đức rất
buồn vì ông sống không hẹp hòi mà lại đầy lòng nhân ái. Nỗi buồn thứ hai của Tự
Đức là Pháp chiếm mất sáu tỉnh Nam Kỳ, ông bất lực không làm gì được. Từ đấy
người ta không bao giờ thấy ông cười. Tự Đức là người ngồi trên ngai vàng lâu
nhất, trên 30 năm, có trên 100 người vợ nhưng lại chẳng có đứa con nào. Đó là
nỗi buồn thăm thẳm của ông khiến từ một ông vua vui tính yêu thơ cuối đời lại
chồng chất khổ đau. Trong lịch sử văn học nước nhà, Tự Đức đã để lại nhiều áng
thơ hay.
Khác với
các lăng tẩm, lăng Tự Đức không phải là nhà mồ. Đây là khu vực bán sơn địa, các
kiến trúc bề thế trên một quả đồi. Xung quanh là rừng thông, cây cao thân thẳng
lúc nào cũng vi vu tiếng gió tạo ra sự trang nghiêm của lăng tẩm. Trước cửa khu
lăng là ao sen rộng, có nhà đọc sách, có quán để thi nhân ngồi ngâm vịnh. Được
biết Tự Đức thường sống với mẹ là bà Từ Dũ cùng toàn bộ gia nhân ở đây nên sự
cảm nhận một gia đình ấm cúng hơn là một lăng tẩm. Ngoài nhà làm việc của vua,
nhà ở cho mẹ (sau này bà Từ Dũ qua đời ông lập bàn thờ mẹ ở nơi này), còn có
nhà xem hát, khu vực cho các bà vợ và tỳ thiếp… nay đã bị đổ nát, chỉ còn những
bức tường. Đặc biệt khu lăng còn có một bia đá lớn nhất nước ta, được chở từ
khối đá nguyên ở vùng núi Thanh Hóa. Trên văn bia được chạm khắc bài viết của
Tự Đức, nói về công lao của ông xây dựng cơ nghiệp của tổ tiên để lại. Người ta
nói rằng mộ của ông một lần bị người Pháp khai quật để lấy vàng, chẳng biết có
đúng hay sai. Nhưng trước mắt tôi, mộ của ông vẫn vuông vức ốp bằng đá, chỉ có
lớp lát lối đi có đôi chỗ đã bị lún.
Đặc biệt ở
lăng Tự Đức không có bất kể loại cây nào ngoài những cây đại. Có lẽ đây là nét
độc đáo của công trình kiến trúc. Những cây đại qua hàng trăm năm, lưng còng
như người đứng chầu vua hương hoa thơm ngát. Ngoài kia tiếng vu vi của đồi
thông cao ngất làm cho du khách cảm nhận sự tôn nghiêm nơi yên nghỉ của một ông
vua tài năng, giàu lòng nhân ái.
So với
lăng Tự Đức, lăng của Khải Định bị “lai căng” kiến trúc của Pháp: có hàng rào
hoa văn Tây, nhà có mái chóp kiểu nhà thờ, tất cả vật liệu đều bằng xi măng sắt
thép. Riêng tường nhà trong lăng những người thợ tài hoa dùng các mảnh vụn sành
sứ ghép vào thành những bức tranh đẹp muôn nghìn màu sắc. Trên trần nhà là một
bức tranh lớn có chín con rồng cuộn vào nhau do một người thợ Đà Nẵng vẽ. Được
biết qua hàng trăm năm màu sắc của bức tranh vẫn chưa phai. Một điều lạ trên
trần nhà vẽ bức tranh không bao giờ có nhện chăng tơ, làm tổ. Một cảm giác lạnh
lẽo trong lăng Khải Định, bởi ở đó đúng nghĩa nhà mồ. Từ lăng của ông nhìn xa
xa là một dãy núi chạy ngang, trên đỉnh cao nhất có tượng phật bà bằng đá
trắng. Phải chăng đó là niềm khát khao của người dân Huế, còn cao hơn cả lăng
tẩm ở đây là sự tôn thờ cái thiện trong thế giới này?
Được nghỉ
ngơi một buổi chiều sáng mai đoàn lên đường về xứ Nhãn chúng tôi rủ nhau đi chợ
Bến Ngự. Chợ nằm cạnh một con sông nhưng chẳng thấy bến đâu. Có phải xa xưa nơi
đây vua chúa ngự thuyền đến đây để xem dân tình làm ăn buôn bán? Gần bữa cơm
chiều, đứng trên tầng hai khách sạn, tôi nói chuyện với một cháu nhỏ người
trắng trẻo mặc áo xanh da trời. Cháu chỉ chị bán hàng ở dưới gốc cây sanh ngoài
cổng vào: “Chị ấy hoàn cảnh lắm chú ạ. Khách sạn cho chị ấy bán. Nhưng mỗi mặt
hàng so ngoài không được đắt quá năm trăm đến một nghìn. Các chú cứ xuống mà
mua”. Ăn cơm xong tôi xuống cửa hàng, đã thấy nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, “lão
tướng” nhiếp ảnh Hoàng Nẫm mỗi người mua một cánh áo du lịch cổ tròn, cúc vải,
hai túi trước rộng thùng thình. Anh em tíu tít mua cho chị, một loáng đã vãn
hết hàng. Tôi thấy chị bán hàng nở nụ cười sao mà quen thế. Hình như đã gặp ở
đâu? Có phải cô bé ngày nào ra vườn hoa xem bộ đội nấu cơm, ăn trên ghế đá, em
dúi cho tôi một trái chôm chôm mà tôi chẳng biết trái gì? Huế ở trong tôi thân
thương như thế, mỗi lần nhớ đến lại rưng rưng.
Một thoáng Nha Trang
8
giờ 30 phút chiếc xe phượng hoàng màu đỏ ớt, hai tầng, giường nằm đón chúng tôi
tại nhà xe Hưng Yên. Xe đi trong mưa, chiếc cần gạt như hai cánh tay người liên
tục quét nước trên vòm kính trước mặt người lái. Tôi sực nhớ tới đứa cháu nội,
ông đi cháu vẫn còn đang ngủ. Chắc giờ này cháu đã vào mẫu giáo. Đêm hôm qua,
trước khi lên đường, tôi hỏi cháu có thích gì ông mua cho. Cháu bảo ông mua cho
cháu một cái vòng, nhưng phải cái vòng màu xanh cơ. Tôi gật đầu rồi ôm cháu vào
lòng. Là người lính xa nhà đã quen, nhưng lần đi này vẫn có cái gì làm tôi nôn
nao xúc động. Tuổi già có chuyến đi dài tới nửa tháng là điều thật hiếm.
Chiếc
xe vẫn lao đi trong mưa. Xe êm như ru, chỉ hơi chút bồng bềnh khi mặt đường bị
nghiêng hoặc có ổ gà. Đất nước mình dài rộng quá. Xe đi qua những cánh đồng lúa
mới cấy của vùng đất mênh mông Hà Nam, Thanh Hóa. Thấp thoáng những
bóng người lom khom trên đồng đang làm cỏ lúa.
Mưa đã
ngớt dần. Xe đi vào vùng đất Quảng Bình. Những hạt mưa cũng vừa hết. Con đường
một trước mặt chúng tôi chạy qua hai cồn cát trắng khô khát bởi một bên là
biển, một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp. Cát tầng tầng lớplớp, có chỗ nhô
lên như đồi trọc, thỉnh thoảng có vài cây thông cằn cỗi thân cong queo, dáng
hình đã qua nhiều bão tố.
Một ngày
nằm trên chiếc giường chật hẹp người khỏe cũng phải mệt mỏi.
Trưởng ban thơ Phạm Ngọc Động đã từng là lái xe, người lực lưỡng như voi cũng
phải nhảy xuống giường ra ngồi ở đầu buồng lái với tài xế. Mấy lão tướng Hoàng
Nẫm, Đào Quang Lâm nghe chừng vẫn dẻo dai chịu đựng, thỉnh thoảng chuyển vị trí
từ nằm sang ngồi cho đỡ mệt mỏi.
Mặt
trời xuống nhanh như tụt dốc. Xe dừng chân ở Đồng Hới để hành khách ăn bữa cơm
chiều. Tôi sực nhớ những ngày ở trạm giao liên thời chiến tranh rồi lại liên
tưởng tới bữa ăn của công ty du lịch bây giờ, mới thấy thế hệ trẻ hôm nay giỏi
lắm.
Bữa
ăn rất chu đáo và thịnh soạn, có cơm ngon canh ngọt, cả những món ăn đặc sản
cho khách du lịch. Tôi nhìn những đĩa trứng rán ở giữa hãy còn lòng đào ra hiệu
cho nhà văn Quý Nghi không ăn sợ sự cố dọc đường thì nguy hiểm. Ấy thế nhưng
chẳng ai làm sao. Thật tuyệt!
Xe
chạy suốt đêm qua Huế - Bình Định - Phú Yên đúng vào một đêm trăng vằng vặc. Tôi
ngồi nhìn qua cửa kính, dưới đèn pha ô tô đọc tên từng miền đất nước. Điện của
ta đã cung cấp từ Bắc vào Nam,
những trạm bán xăng, những thị trấn rồi các cửa hàng, biệt thự điện sáng suốt
đêm đêm. Và sự bình yên của nơi này làm cho tôi thao thức cảm nhận cuộc sống
thanh bình mà chúng ta đã chiến đấu bao nhiêu năm bây giờ mới có được. Anh Đào
Quang Lâm, đoàn phó, chắc cũng có tâm trạng này, biết tôi không ngủ thỉnh
thoáng nhìn sang chổ tôi ngồi gật gật đầu.
Mười
hai giờ trưa hôm sau xe đến Nha Trang, chúng tôi gọi tắc xi chở đoàn vào nhà
sáng tác. Biển Nha Trang đây rồi. Trước cửa ngôi nhà 5 tầng đẹp và bề thế nhìn
ra trời nước có hai dãy núi hình cung cong cong chắn biển lại chỉ còn một lối
vào đại dương bát ngát. Nắng Nha Trang gay gắt rát mặt nhưng không oi bức như
nắng quê mình. Đồng chí phó giám đốc nhà sáng tác Phạm Bá Lâm tiếp chúng tôi
với giọng nói đặc sệt Nha Trang đầy hào hứng: “Các ảnh từ xa xôi đến đây trước
hết hãy nghĩ ngơi, giữ gìn sức khỏe, lấy an toàn là chính. Sau này, các anh sáng
tác để lại bản thảo cho trại - rồi anh cười hiền lành - chúng tôi nhiệt tình
phục vụ có gì các anh góp ý cho”. Đoàn được trại sắp xếp nghỉ ngơi trên tầng
năm. Cũng may ở đây có cầu thang máy nên đi lại rất thuận lợi.
Vài
ngày sau chúng tôi được giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa. Đoàn
trưởng của tỉnh ta - anh Hoàng Mạnh Thắng và các đồng chí lãnh đạo Hội VHNT tỉnh
bạn đã trao đổi với nhau về tình hình sáng tác, về cách tổ chức hoạt động hội.
Chúng tôi được biết Hội Khánh Hòa có tới gần 400 hội viên, mỗi tháng ra một tạp
chí và cũng rất nhiều các ban ngành. Khi ra về, Hội Khánh Hoà còn lưu luyến
tặng đoàn một túi cam và mỗi người một cuốn tạp chí.
Trên
đường về nhà nghỉ đoàn tổ chức đi thăm Tháp Bà PoNaGa. Từ xa, chúng tôi đã nhìn
thấy một tòa tháp đồ sộ màu gạch nung nằm trên ngọn đồi nhìn ra biển trời xanh
thẳm. PoNaGa là đây ư? Tôi đã có lần đọc sách nói về tòa tháp này nhưng bây giờ
mới được tận mắt nhìn thấy. Theo lịch sử dưới triều vua Pan Dur Ga Na thuộc
vương quốc Chăm Pa đã cho xây tòa tháp mất năm thế kỷ (thế
kỷ VIII - XIII). Nơi đây, theo truyền thuyết thờ Nữ thần PoNaGa - người mẹ của
xứ sở này - người đầu tiên sinh ra tộc Chăm Pa. Du khách choáng ngợp trước dãy
cột trụ 22 chiếc hình bát giác cao ngất chạy vào cửa đền chính. Lối kiến trúc
này tạo ra sự trang nghiêm của đền đài mà tôi đã có lần gặp ở đâu, hình như
thời La Mã Cổ Đại. Đền thờ chính Nữ thần PoNaGa theo truyền thuyết bà được tạo
ra từ đám mây và bọt biển. Điều kì lạ là mỗi nóc đền lại có một tượng đá biểu
tượng cái quý của đàn ông. Và cũng trước đền chính cái quý này còn có cả một ang
thờ để mọi người thắp hương cầu phúc lộc. Nó là một khối đá đen hình trụ trông
rất mạnh mẽ mọc từ dưới đất lên, du khách vào xem mỗi người đều dừng lại xoa
tay vào đấy để thêm sức mạnh. Anh Phạm Ngọc Động gọi tôi: “Bác ra đây, bác ra
đây. Vào xoa đi!”. Tôi xòe bàn tay úp vào đấy hình như thấy khỏe hơn. Cạnh tôi
là một cô gái mặc váy xanh nhìn mọi người tủm tỉm. Tôi cười bảo: “Em đặt tay
vào đi. Khỏe ra đấy”. Cô gái bẽn lẽn rồi cũng xoa tay vào khối đá trong tiếng
cười đầy sảng khoái và khát vọng.
Ngoài
đền chính còn có đền thờ thần chiến tranh Skan da. Đền thờ Ga Ne Sa biểu tượng
cho trí tuệ và may mắn. Đặc biệt trong tháp này đều có tượng đá Linga - và yoni
(cái quý của đàn ông ở trên và đàn bà ở dưới đều bằng đá). Ngoài đền thờ du
khách còn được xem các nghệ nhân người Chăm
Pa thổi kèn và múa. Tôi lắng nghe
những âm thanh trầm buồn hoài vọng tới một dân tộc có thời kỳ văn minh sớm rực
rỡ đã xây nên tháp này, dân tộc có những
truyền thuyết tạo ra loài người từ mây và bọt biển có lẽ là rất đúng, và cũng
dân tộc đó đã biết thờ thần chiến tranh và thần trí tuệ. Thật kỳ diệu biết bao!
Hôm
nay, người Chăm pa đã trở thành một trong các dân tộc người cộng đồng Việt Nam đang góp sức xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp.
Ở
Nha Trang, chúng tôi đắm mình với các truyền thuyết tổ tiên chúng ta, lại càng
thú vị khi được thăm công trình cáp treo qua biển. Đối lập với cái cũ và cái
mới, lại bắt đầu từ câu chuyện ngồi trong chiếc xe buýt chở đoàn lên thăm công
trình này. Tôi ngồi ghế sau cùng một cô gái người nhỏ nhắn da rám nắng cô hỏi:
“Bác đi đâu?”.
-
Tôi đi thăm Viện Hải Dương Học và cáp treo.
-
Ồ bác diễm phúc hơn em rồi. Em là người Nha Trang mà cũng chưa được vô đây.
Người ta bảo đẹp lắm đấy.
Phải
rồi, tôi đã hiểu ý chị, giá vé vào thăm ba trăm sáu mươi nghìn đồng. Người dân
lao động Nha Trang mấy ai đã vào được? Hệ thống cáp treo Vin Pear của Nha Trang
là một hệ thống cáp có ròng rọc chạy từ bờ biển sang một quả núi bên kia với
hang chục cột bê tông sắt chuyển động tời đặt trên mặt biển. Người ta đã cải
tạo một quả núi để trở thành một công viên hiện đại: Có khu vực vui chơi giải
trí, đài phun nước, khu tàu siêu tốc, đu quay dây văng, đu quay cảm giác mạnh…
Rồi những khu mua sắm, quán ăn ba miền và các nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Đoàn chúng tôi xếp hàng vào xem phim 4D. Mỗi bộ phim chỉ có 15 phút nhưng người
xem thực sự được sống trong một thế giới kỳ diệu cảm giác mạnh của không gian
bốn chiều.
Cuộc
sống Nha Trang thật muôn màu. Các nghệ sỹ Hưng Yên đi rồi, tìm hiểu rồi mỗi người
háo hức bắt tay vào làm vệc. Hai họa sỹ trẻ Lý Văn Vinh và Trần Mạnh Hùng lấy
mặt bàn dựng lên làm giá vẽ, bút màu để khắp nhà. Những bức tranh vẽ về biển
phơi lưới đã được phác thảo. Tôi nói đùa: “Hùng ơi, anh trông ba người đứng
phơi lưới như ba con gấu đen?”. Hùng cười khì khì. Quả thế, chiều hôm sau ba
con gấu thành ba người phụ nữ, mỗi người một dáng, một góc mở suy tư.
Nhà
thơ Nguyễn Kim Bang nghe chừng đã khỏe ra tuy có đen hơn. Anh say mê viết về
biển. Có những câu thơ đầy khát vọng của một người đứng tuổi làm cho người nghe
trố mắt bật cười:
Hôn em tan cả đất
trời
Cùng
với đoàn lần này, chúng tôi còn giao lưu với đoàn văn học Hội Văn học nghệ
thuật Yên Bái. Cô gái người Dao, vừa là bác sỹ vừa là nhà sưu tầm dân gian. Em
lấy chồng là người Tiên Lữ. Trong một một lần chúc rượu với nhà văn Qúy Nghi,
hai người vòng tay nhau uống tới ba chén liền. Lần ấy anh về đã có những câu
thơ thú vị.
Em đã nếm vị nhãn
lồng
Cùng anh ươm hạt cho
vồng cây lên
Cùng
các ban khác, nhạc sỹ Văn Tuynh và nhạc sỹ Đình Tược cũng đang gấp rút hoàn
thành tác phẩm. Trong một lần vui có ấm trà nhạc sỹ Đình Tược đã cất cao bài
hát mới nhất về Nha Trang làm mọi người xúc động. Nét nhạc của bài hát trong
sáng khỏe khoắn mang hơi thở của nhịp sống Nha Trang hôm nay. Trong lần đi này
còn có nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Nguyên Tản. Nghe chừng anh chàng này sợ
nước nên ít khi ra biển tắm, suốt ngày ngồi trong phòng viết. Anh chưa hé lộ
tác phẩm của mình, nhưng đâu phải nhà viết này đã có ngay tác phẩm lớn? Chúng
tôi hi vọng ở anh. Cùng đoàn còn có lão tướng nhiếp ảnh Hoàng Nẫm. Tôi biết anh
từ thời mới thành lập hội VHNT Hưng Yên. Anh cho tôi xem hàng loạt ảnh đẹp. Chỉ
có con mắt nghệ sỹ già mới “chớp” được từ trên tầm cao cáp treo hai chiếc ca nô
chạy song song nhau bỏ lại luồng nước trắng xóa như người quét sơn trên mặt
biển.
Sắp
tới ngày trở về quê hương mỗi người đều có chút bâng khuâng nhìn ra biển, nhìn
lại trại sáng tác đã có bao người quan tâm chăm lo tổ chức cho các nghệ sĩ đi
dã ngoại trong đợt viết này.
Đó là Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, là Hội
Văn học Nghệ thuật Hưng Yên rồi đến các anh, các chị trong nhà sáng tác đã chăm
lo từng bữa ăn giấc ngũ cho đoàn. Chúng tôi chẳng nhớ được tên các anh, các chị
đâu, nhưng những kỷ niêm tốt đẹp ở đây có bao giờ phai mờ trong lòng người nghệ
sỹ xứ nhãn?
Tôi
sực nhớ tới đứa cháu yêu ở nhà. Ừ nhỉ! Cháu dặn ông mua một chiếc vòng đeo tay -
màu nước biển. Ngày mai xong trang viết này ta sẽ ra chợ Đầm mua quà cho cháu
yêu ta.
Nha
Trang, tháng 07/2011
Lỗi hẹn với Nha Trang
Cách
đây trên 30 năm tôi ngỡ ngàng đứng trước chợ Đầm trong mùi khói khét lẹt của
những hàng hoá vừa bị cháy - kẻ thù trước khi rút chạy đã đốt chợ của Nha
Trang.
Nhảy
từ trên chiếc xe zép xuống bờ cát trắng, tôi đẩy khẩu súng AK về phía sau lưng,
cúi xuống làn nước trong xanh, vục tay thử một ngụm để cảm nhận cái vị chát mặn
mòi của biển. Nha Trang đẹp biết bao! Cảm ơn trời đất đã cho chúng ta một Nha
Trang khó nơi nào có được. Tôi nhìn màu nước xanh ngắt, sóng lăn tăn lặng như
mặt hồ, xa xa núi non quây quần như bầy voi mẹ voi con phục trên mặt biển, lòng
thoáng ao ước đất nước thanh bình Nha Trang trở thành viên ngọc quý.
Chúng
tôi quay xe rẽ vào một ngã tư, tất cả các ngôi nhà đều im ỉm đóng. Hình như
người Nha Trang vẫn còn bàng hoàng trong những ngày lịch sử. Tôi hỏi anh Trương
Ngọc Vĩnh - Ks trưởng đoàn: “Thế nào anh, ăn nghỉ ở đâu, trời sắp tối rồi?”.
Anh Vĩnh chỉ một ngôi nhà hai tầng có cửa gỗ: “Cứ vào, cậu gõ cửa đi!”. Tôi lên
đạn, khoá cò súng, lịch sự gõ tay vào cửa. Một phút, hai phút… cánh cửa mở. Tôi
giật mình - một cô gái Nha Trang xinh đẹp xuất hiện. Anh Vĩnh nhấp nháy mắt ra
hiệu cho tôi, khẽ nở nụ cười. Tôi đã quen rồi cái hiệu lệnh của anh “Đánh gọn.
Phản công!”.
Tôi quen miệng gọi em bằng O, giống các cô gái ở
Nghệ An, Hà Tĩnh. Cô gái hơi ngơ ngác, nhưng rồi hiểu ngay: “À các ảnh nghỉ nhờ
ở đây? Ở nhà em? Tôi gật đầu, hỏi luôn: “Nhà em có mấy người?”.
- Có một
mình em.
- Ba má em
đâu?
- Ba má em
vô Sài Gòn.
- Em nói
có thực không?
Cô gái đặt
tay vào ngực mình khe khẽ gật đầu. Tôi quay ra xe, nói nhỏ với anh Vĩnh: “Xong
rồi. Cho xe vào đi anh”.
Bữa cơm
đầu tiên ấy cô chủ nhà đã nấu cho chúng tôi. Anh Vĩnh nhìn đĩa cá thu của gia
đình mời bộ đội hai mắt rưng rưng như muốn khóc. Anh bảo: “Quá nửa đời người
mới được ăn cá Nha Trang!”.
Rồi hình
như tuổi trẻ làm chúng tôi xích lại nhau. Nhìn em mặc bộ đồ màu nâu tây, cái
ống quần rộng thùng thình lạ mắt, tôi hỏi: “Em mặc bộ đồ này có vướng không?
Anh trông em ngộ lắm”. Em tủm tỉm: “Chưa rộng lắm đâu. Bạn em nó mặc rộng hơn
nhiều”. Rồi em nhìn tôi cười, hai má đỏ hồng lên, cái cổ cao trắng ngần như
tuyết. Em bảo tôi: “Nhìn mắt anh cứ bị mắc cỡ”. Ô hay lại thế ư? Tôi người lính
đen đủi, áo quần đầy đất bụi chiến trường, có gì lạ đâu để em mắc cỡ?
Đêm hôm
ấy, khi anh Vĩnh đã mỏi lưng nằm, em rủ tôi lên lầu ngồi ngắm trăng. Ừ thì cùng
ngắm trăng! Tôi là người lính thích mơ mộng, nhưng cũng không quên khoác khẩu
súng đi theo.
Trăng
tháng bảy tròn xoe sáng rực bầu trời. Vệt ánh trăng như người trải tấm lụa
khổng lồ trên mặt biển. Gió cũng lạ chưa? Thổi ào ào trong các vòm cây mang cả
âm thanh của ngàn ngàn lớp sóng. Tôi vô tình đứng lên, tựa tay vào lan can làm
khẩu súng cũng vô tình mắc vào ống quần em để lộ bắp chân tròn trắng như ngà
dưới trăng. Rồi hình như cả hai đứa cùng ngượng ngùng, em hỏi tôi: “Quê anh có
biển không?”. Tôi nói nhỏ: “Quê anh có biển… nhưng là biển lúa”.
- Thế thì
thích quá! Hương lúa phải thơm lắm anh nhỉ?
Câu hỏi
của em làm tôi bỗng nhớ tới quê. Phải rồi! Mấy năm nay tôi vẫn chưa được về
thăm quê, thăm mẹ, chưa được lăn trong hương lúa của làng. Lòng tôi cồn cào như
có lửa. Bỗng em đứng sát tôi thì thầm: “Anh có thích ở đây không?”. Tôi khe khẽ
gật đầu, mắt nhìn vào cái cổ cao ngọc ngà đang ngẩng lên như mời mọc.
Đất nước
thống nhất rồi. Sớm mai anh vô thành phố Hồ Chí Minh. Xong nhiệm vụ anh sẽ trở
lại tìm em. Anh nhớ rồi… trước cửa nhà em có đàn voi con, voi mẹ…
Bất ngờ em
nắm chặt tay tôi: “Thiệt nha… thiệt nha, anh không được dối em đâu”. Tôi nhận
thấy bàn tay em mỏng như hai chiếc lá khẽ run run. Xa xa vẫn còn vọng lại tiếng
súng giục chúng tôi phải chia tay: “Xuống nhà đi em! Ở đây đạn lạc”. Nhưng đôi
bàn tay mỏng mảnh ấy cứ giữ mãi chẳng muốn xa nhau...
*
Cuộc đời là thế, mấy ai rời được quê hương. Mẹ
tôi bấm đốt ngón tay tính ngày tôi trở về. Em tôi lấy vôi đánh dấu đầu mình
trên cột nhà mong anh trở về. Chị tôi chiều chiều quấn tóc rối đợi tôi trở về.
Tôi lỡ hen với em là thế! Lỡ hẹn với Nha Trang là thế! Đừng trách anh cô gái
nhỏ Nha Trang.
Nha
Trang, 7-20011
(Còn nữa)
hay quá
Trả lờiXóa