Trang

17 thg 2, 2014

Đã 35 năm Cuộc chiến biên giới fía bắc



Quay đi quay lại đã 35 năm kể từ ngày ấy, những ngày tháng căng thẳng từ 1979 đến cuối 1980, sau khi cuộc chiến biên giới phía bắc vừa tạm ngưng tiếng súng, trong quân đội biểu đồ tình trạng sẵn sàng chiến đấu vẫn duy trì mầu đỏ - mức cao nhất, mình được giao nhiệm vụ trực chiến tại mặt trận Lạng Sơn: với chức Tiểu đoàn phó tiểu đoàn công binh, trực tiếp chỉ huy, huấn luyện 1 đại đội lính kỹ thuật, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược Trung quốc nếu chúng liều lĩnh vượt qua biên giới 1 lần nữa bằng vũ khí công nghệ cao (lúc bấy giờ): Hệ thống điều khiển nổ từ xa HĐK, tất nhiên kiêm cả bảo quản, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đảm bảo đủ cơ số khí tài theo yêu cầu nếu chiến đấu xảy ra.
Nhật ký công tác ngày ấy ghi rõ: từ tháng 5/1979 đến tháng 12/1980, Cấp bậc:Trung uý, chức vụ: Tiểu đoàn phó tiểu đoàn công binh D97 thuộc sư đoàn F337 – Quân đoàn 26.

Còn Trần Danh Thủy (k15 vô tuyến đại học Bách khoa Hà Nội) nhiệm vụ như mình, “trấn ải” Đình Bảng - Cao Bằng.

Trong hơn 1 năm ấy mình cùng các cán bộ Tiểu đoàn, nhiều lần có cả cán bộ các cấp cao hơn đi khảo sát lại địa hình, cách thức bố fòng các trận địa của ta và dự đoán hình thức tiến quân sang của phía quân xâm lược, từ đó lên kế hoạch tạo lập trận địa các bãi mìn để đón lõng hoặc đẩy quân địch vào các bãi mìn đã định trước.

Có ở biên giới thời đó mới ngấm đủ cái rét từ Tàu gửi sang! Ngày đó quân nhu chưa có áo bông, chăn bông bộ đội như bây giờ. Chỉ độc 1 cái áo trấn thủ (như hồi Điện Biên). May mà có sức trẻ nên mới qua được !

Đến các trận địa sát biên thấy lính suốt ngày suốt tháng khiêng vác những tấm bê tông tổ bố leo đồi vượt dốc lên các điểm cao xây công sự, hầm trú ẩn; có nhiều ngày ngay dưới làn đạn pháo của bọn giặc từ bên kia biên giới bắn sang. Họ là các sensor sống cảnh báo tình trạng chiến tranh ở từng trận địa về “Hà Nội” !

Rất nhiều người trong số họ là những người lính mới vừa trải qua những trận chiến như bài viết dưới đây (Ký ức về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979) và số còn lại là những người mới nhận lệnh lên đây trực chiến mà thật ra là “gác cổng” dọc biên giới (những nơi – địch có thể bất ngờ tràn sang) như mình. Tuy không được trực tiếp tham gia các trận chiến, nhưng cái không khí chiến tranh, dư âm các trận chiến vẫn còn nóng hổi trong từng hơi thở của cuộc sống những người lính và đồng bào dọc tuyến biên giới với bọn phản bội, bành trướng.

Đến cuối năm 1980, đầu năm 1981, chắc thấy tình hình đỡ căng đi rất nhiều, mình và Danh Thủy mới được lệnh rút khỏi biên giới !

Kể cũng không thừa nếu nói thêm rằng: “thành tích” hơn 1 năm lăn lộn cùng lính chiến trường ấy của mình cũng như Danh Thủy chỉ là con số 0 tròn trĩnh ! Vì sao ư thì ai cũng biết ! Nhưng đáng ra có “im lặng”như vậy thì chỉ nên là đối ngoại. Còn đối với với quyền lợi chính trị của cá nhân những người lính thì sao nỡ cũng lờ lớ lơ theo ?! Thậm chí tận lúc về trông cháu cũng chẳng có chút quyền lợi gì !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét