Trang

22 thg 8, 2013

"Vén màn nhiễu tìm thù"

21:06 | 29/04/2005 
Theo Báo điện tử ĐCSVN 

Cuối tháng 4-1972, trong đợt phá hoại miền Bắc lần thứ hai, Mỹ đã sử dụng phương tiện "chiến tranh điện tử" mới. Trước tình hình đó, Ban nghiên cứu thiết bị chống nhiễu do Tiến sĩ Trần Thức Vân (Viện Kỹ thuật quân sự) phụ trách, được thành lập với nhiệm vụ tìm cách "vô hiệu hóa" chúng.

"Chiến tranh điện tử" là cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng vô cùng ác liệt và gian khổ. Mỹ đã áp dụng kỹ thuật hiện đại để chống phá các thiết bị điện tử của ta. Ðối tượng chính của chúng là các lực lượng phòng không - không quân. Ðịch dùng thiết bị điện tử để "bịt mắt" ra-đa của ta, làm cho các đơn vị hỏa lực không phát hiện được hướng bay của chúng. Không quân Mỹ đã đưa ra ba biện pháp để bảo đảm cho máy bay là: tránh hỏa lực phòng không; gây nhiễu bằng trang bị máy móc hiện đại ngay trên máy bay hoặc từ máy bay yểm trợ để làm yếu hỏa lực phòng không của đối phương; đánh phá tiêu diệt các trận địa phòng không.

Làm thế nào để "Vén màn nhiễu tìm thù" ? Ðây là nhiệm vụ hết sức mới đối với những cán bộ khoa học của Viện Kỹ thuật quân sự. GS, TS, Thiếu tướng Trần Thức Vân, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự (xem ảnh) kể cho chúng tôi nghe công việc của những nhà "khoa học chiến sĩ": Lúc đó Ban Nghiên cứu chúng tôi bắt tay vào tìm hiểu hệ thống gây nhiễu từ các máy bay bị bắn cháy với các thiết bị đơn sơ. Nói là nghiên cứu "chiến tranh điện tử" nhưng chúng tôi hầu như chưa có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đó. Từ năm 1967 chúng tôi đã cùng Phòng Khoa học quân sự của Bộ Tư lệnh Phòng không khảo sát phần đầu của tên lửa chống ra-đa (loại tên lửa tự bán theo cách sóng ra-đa để tiêu diệt ra-đa) tên gọi là Srike "Chiến tranh điện tử" tuy vậy những thông tin thu thập được còn hạn chế.

Mục tiêu của ban kỹ thuật là: tập trung nghiên cứu tính năng chủ yếu của các thiết bị gây nhiễu và tên lửa chống ra-đa của không quân Mỹ từ đó tìm ra nhược điểm của các thiết bị. Sau đó báo cáo kết quả nghiên cứu lên cấp trên. Bộ Tư lệnh Phòng không xây dựng các biện pháp chiến thuật chống lại nhiễu và tên lửa tìm ra-đa của địch. Thừa kế những kinh nghiệm của Viện Kỹ thuật quân sự về nghiên cứu bom từ trường, Ban Nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp tổng hợp tức là sử dụng nhiều nguồn thông tin để hỗ trợ nhau trước khi đưa ra kết luận. Mỗi lần cần khẳng định một vấn đề nào đó vừa nghiên cứu xong, các thành viên trong Ban được tạo cơ hội hỏi cung các phi công Mỹ tại "Khách sạn Hilton - Hà Nội", với các nội dung: trên một máy bay có bao nhiêu máy gây nhiễu, bao nhiêu tên lửa chống ra-đa, thời điểm phóng...

Nguồn thông tin quyết định nhất để hiểu được cụ thể tính năng thiết bị là nghiên cứu từ vật thực. Với một đống các thiết bị được cán bộ của Viện thu về từ xác những chiếc máy bay bị lực lượng phòng không không quân bắn rơi cho dù bị cháy xém, lấm bùn đất, nhưng rất có giá trị đối với những người làm công tác nghiên cứu. Một thành viên trong Ban đã khôi phục được đèn phát nhiễu từ đó đo được công suất của nó. Cùng với các thông tin thu được sau khi hỏi cung phi công Mỹ tại "Khách sạn Hilton - Hà Nội" về đội hình máy bay, số lượng máy bay Ban Nghiên cứu đã tìm ra cơ sở khoa học của việc hình thành các giải nhiễu trên mô hình ra-đa, từ đó cùng với bên phòng không không quân có giải pháp "vén màn nhiễu tìm thù" (câu nói của bộ đội ra-đa).

Kết quả nghiên cứu thứ hai đáng được ghi nhận đó là qua tìm hiểu máy gây nhiễu LQ-87 các nhà khoa học quân sự đã xác định được sự phân bố của nhiễu, hướng nào nhiễu yếu, hướng nào nhiễu mạnh. Vùng nhiễu yếu được đặt tên là "vùng mù". Nhờ xác định được "vùng mù" các nhà khoa học đã đề xuất phương án bố trí trận địa phòng không sao cho đánh địch đạt hiệu quả cao nhất.

Ðến đầu năm 1972, Mỹ đã sử dụng thủ đoạn mới là kết hợp tên lửa chống ra-đa và gây nhiễu. Khi có nhiễu, bắt buộc ra-đa của ta phải mở để xác định mục tiêu. Ðiều đó tạo điều kiện cho tên lửa chống ra-đa của địch mò theo mô hình sóng ra-đa, dễ dàng bắn trúng các trạm ra-đa của ta. Ðể chống lại, bộ đội có giải pháp tắt mở đài ra-đa liên tục. Tuy vậy, có nguồn tin cho rằng tên lửa của địch vẫn "nhớ" được vị trí của ra-đa ngay cả khi ra-đa tắt. Sau khi nghiên cứu một quả tên lửa chống ra-đa còn nguyên vẹn, Ban Nghiên cứu đã xác định tên lửa nói trên không có bộ nhớ tín hiệu. Kết quả nghiên cứu đó đã chứng minh cho trắc thủ của ta thông tin tên lửa chống ra-đa của địch có bộ nhớ chỉ là trò quảng cáo lừa bịp.

Ðể đánh giá hiệu quả lực lượng phòng không, không quân nói chung, Ban Nghiên cứu thiết bị chống nhiễu nói riêng của Viện Kỹ thuật quân sự, chúng tôi xin trích dẫn lời của tướng E-đơ nguyên Tham mưu phó của không quân Mỹ ở châu Âu: "Chúng tôi cho rằng bắc Việt Nam có một lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất trên thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất kỳ một nước nào trong việc phóng tên lửa SAM hạ máy bay. Họ cũng có kinh nghiệm hơn bất cứ một lực lượng quân sự nào trong việc điều khiển ra-đa dẫn đường từ mặt đất".

Ghi nhận những thành tích của các nhà khoa học quân sự, bộ đội phòng không, ngày 10-9-1996 Chủ tịch nước đã ký quyết định số 991 KT/ CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một cho Bộ Tư lệnh Phòng không và Viện Kỹ thuật quân sự vì đã có thành tích trong việc "nghiên cứu chống nhiễu trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc 1968, 1969, 1970, 1972".

HÀ HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét