Trang

19 thg 9, 2013

Tạp Văn HEO MAY của Lưu Tuấn Kiệt - 6

Phụng Công,
làng hoa - làng huyền thoại
Những ngôi nhà bạc tỉ ngày càng xuất hiện nhiều ở làng cây cảnh Phụng Công.
Phụng Công (Văn Giang) là xã nằm ở phía bắc tỉnh, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20km. Dân cư ở đây có khoảng hơn 5 nghìn người sống quần tụ trong 6 làng: Đầu, Ngò, Khúc, Tháp, Đại, Bến. Phụng Công có cánh đồng rộng hơn 300 ha nằm phía đông của xã, phía tây là đê sông Hồng có bãi màu phù sa rộng trên 50 ha quanh năm lúa ngô xanh tốt. Nhờ phía nam giáp đường 207 nối với đường số 5, phía bắc giáp xã Xuân Quan và xã Kiêu Kỵ (Hà Nội) nên Phụng Công nhanh chóng trở thành một tâm điểm quan trọng trong phát triển kinh tế của thời mở cửa.

Xa xưa Phụng Công được hình thành đầu tiên từ một khu đất cao mang tên trại Ngô - nay là làng Ngò. Tục truyền rằng năm 40 sau Công nguyên, Hai bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định. Quân đội của Hai bà đã qua đây. Ông Trần Cảnh Công là người của trại Ngô suốt đêm đứng đốt đuốc để đón hai Bà. Và từ đó hai Bà đã đặt tên cho xã là Phụng Công (phụng sự, có công với đất nước). Hiện nay ở Phụng Công hãy còn nguyên những dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng: Nơi hai Bà tụ quân hội họp - cánh đồng Chầu, nơi khao quân thắng trận là dốc Yến. Và đặc biệt giếng Dạ - nơi đạo quân của Hai Bà cả người cả voi ăn uống không bao giờ hết nước. Ở trại Ngô (làng Ngò) hiện có đền thờ Hai bà Trưng. Về thiết kế đều hoàn toàn giống đền Đồng Nhân ở Hà Nội, bởi một huyền thoại được truyền tụng tại đây.
Chuyện kể rằng, khi Hai Bà thu được 65 thành trì, nhà Hán thấy họ Trưng xưng Vương, sai Mã Viện sang đánh nước ta. Hai bà thua trận đã gieo mình xuống sông Hát để giữ tròn khí tiết (năm 43). Xác của Hai bà hóa đá trôi sông. Hai bà trôi xuống đoạn sông của phường Bạch Đằng (Hà Nội), người dân ở đây đã ra kéo vào, nhưng hàng trăm người cũng không kéo được. Đến đêm họ được báo mộng gọi người Phụng Công sang kéo cùng là sẽ xong. Quả thật giấc mộng ấy linh ứng. Ngày hôm sau, chỉ cần 18 trai tráng người Phụng Công với hai dải vải đỏ, tượng Hai bà bằng đá được đưa vào bờ. Từ đó người Đồng Nhân và người Phụng Công trở thành anh em. Hai làng từ việc xây đền đến các ngày lễ hội đều có nhau. Đền Đồng Nhân thiết kế giống hoàn toàn như đền Ngò của Phụng Công, người Đồng Nhân và người Phụng Công gọi nhau là quan viên anh. Hội Phụng Công và Đồng Nhân trong lễ cấp thủy bao giờ cũng phải có nhau. Và đặc biêt hàng nghìn đời nay họ không bao giờ lấy nhau. Đó là sự linh nghiệm của một huyền thoại.
Ở Phụng Công còn ngôi đình làng Bến thờ tướng quân Lã Tá Đường. Ở đây còn lưu truyền một huyền thoại có liên quan đến thời thập nhị sứ quân.
Sau khi Ngô Quyền mất (944) nước ta rơi vào thời kỳ nội chiến thập nhị sứ quân. Lã Tá Đường một tướng giỏi của nhà Ngô cát cứ vùng Tề Giang (Văn Giang - Khoái Châu). Ông đã có công với người dân ở đây trở thành Thành hoàng được dân tôn thờ tại đình Bến. Nơi thờ ông xa xưa là ở ngoài bãi (khi chưa có đê sông Hồng) gọi là gò Nghè cùng với một huyền thoại lạ lùng:
Chuyện kể rằng, ở gò Nghè có một bà lão tóc bạc như mây ngày ngày ngồi bán nước dưới lùm cây duối gốc to nghìn tuổi. Trước cửa nhà bà có một lối mòn đi vào các vùng lau sậy. Thỉnh thoảng có những người lính vác giáo mác, cung tên qua đây, chẳng biết họ đi đâu. Một buổi chiều tà tà bà giật mình nhìn thấy một người tay bê chiếc đầu của mình đầy máu, miệng vẫn còn thều thào hỏi: “Bà ơi cái đầu của tôi thế này còn sống được không?”. Bà lão bê cái đầu lên nhìn thương cảm nói: “Người như thế này mà sống được có là người giời”. Lập tức người lính ấy ngã xuống dưới chân bà. Câu chuyện này tới bây giờ vẫn mang triết lý sâu sắc: Chỉ có người mẹ mới nói cho người lính hiểu được sự sống chết của mình. Nhưng linh ứng của người tử trận này lại rất kỳ diệu. Sau khi bà lão thương cảm chôn ông gần gốc duối già, thì tự nhiên vùng đất ấy cứ cao dần. Sau này người ta lập miếu thờ đặt là miếu Thánh Lã.
Hội làng Phụng Công nằm trong cụm hội của vùng Kinh Bắc. Hội làng tổ chức vào 3 ngày mùng 8, 9, 10 tháng tư âm lịch. Từ xa xưa hội làng hình thành từ hai đội hình hội. Đội thứ nhất lễ rước hai bà Trưng, gồm có hai làng Ngò và Đầu. Sáng mùng 8 kiệu rồng của Hai bà, kiệu rước nước cờ ngũ phương, đội bát âm, đội bát bửu, đội múa sinh tiền được rước từ đền Ngò lên đình Đầu. Mùng 9 rước từ đình Đầu lên đình Chạ để làm lễ cấp thủy. Ngày mùng 10 rước về đình Ngò. Đội hình thứ hai của tứ thôn gồm 4 làng Đại, Khúc, Tháp, Bến rước kiệu từ đình Bến thờ tướng Lã Tá Đường cùng các đội múa rồng, múa sư tử, cờ ngũ phương, bát âm, sinh tiền… cùng tới đình Chạ để làm lễ cấp thủy. Sáng mùng 10 tháng 4 kiệu rồng được rước trở về đình Bến.
Ngày nay để thống nhất hội làng đường đi của lễ hội chỉ tổ chức gọn gàng trong ngày mùng 9 và lấy tên chung là hội Hai bà Trưng. Sáng mùng 8 tháng 4 người ta rước kiệu rồng và đội hình hội tạp trung tại đình Ngò. Sáng mùng 9 tháng 4 toàn bộ đội hình kiệu rồng của Hai bà Trưng đi trước, tướng Lã Tá Đường đi sau cùng xuất phát từ đình Ngò lên đình Chạ để làm lễ cấp thủy. Sau đó lại trở về nơi cũ. Như thế hội làng Phụng Công vẫn giữ nguyên bản sắc của hội làng xưa nhưng đông vui hơn, đoàn kết hơn giữa các làng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy,UBND và Mặt trận của các thôn làng. Có lẽ ít thấy một hội làng đội hình rước lễ khổng lồ như hội ở Phụng Công. Riêng kiệu rồng kể cả kiệu long đình, bát cống, kiệu rước nước có tới 5 kiệu, phải huy động hàng trăm cô gái trẻ đẹp chưa chồng để khênh kiệu. Các đội hình múa rồng, cờ ngũ phương, bát bửu, múa sinh tiền… đã cuốn hút hàng nghìn người tham gia hội làng. Trong lễ hội người ta tổ chức nhiều trò chơi truyền thống: Đập nồi, đập niêu, thi gói bánh tẻ, thi hát quan họ và đặc biệt trò thổi cơm thi chạy thẻ đã nhắc lại tinh thần ôn luyện tinh binh của tổ tiên ta đánh giặc giữ nước.
Bây giờ, đến Phụng Công không ai còn nghĩ nơi đây xưa kia là một làng quê nghèo đói. Phụng Công nay đã phát triển như một thành phố ở nông thôn. Nhà cao tầng mọc lên như nấm. Những vườn hoa cây cảnh, cây thế nối liền nhau đẹp như công viên.
Năm 1992, Phụng Công đã hoàn thành toàn bộ các công trình phúc lợi: trường mầm non, trường tiểu học và trung học, UBND xã đều được xây nhà cao tầng bền vững. Toàn bộ hệ thống đường liên thôn trong xã đã đổ bê tông rộng rãi, đường trong ngõ xóm đều lát gạch không một bước lầy lội. Cả 6 thôn đều có nhà văn hóa. Các câu lạc bộ thơ ca, các đoàn thể sinh hoạt văn nghệ hường xuyên tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, dân chủ trong cộng đồng dân cư.
Người dân Phụng Công đã có truyền thống làm cây cảnh từ lâu đời. Hoa trà ở đây đã có thời kỳ mang lại nguồn lợi rất lớn cho các gia đình. Nhưng thị trường lại luôn biến động. Cho nên công việc khai thác và nhập những giống cây mới để đáp ứng thị trường nhưng phải duy trì phát triển những cây giống của quê hương là quan trọng. Ông Nguyễn Văn Thịnh (làng Đại) vừa đưa hơn 500 cây trà vào chậu vui vẻ nói: “Hoa trà có rẻ nhưng bán vẫn được. Tết vừa rồi tôi vẫn thu được 15 triệu tiền trà”. Ở Phụng Công người ta đã bỏ cấy lúa. Trồng lúa năng suất cũng chỉ 1 triệu đồng/sào/năm. Nhưng nếu trồng cây lộc vừng sau 5 năm bình thường cũng thu được 20 triệu.
Thế hệ trẻ ở Phụng Công ngày nay rất giỏi nghề và năng động. Phần lớn những tòa nhà cao tầng đều do lớp trẻ làm nên. Nhìn những cây đa, cây si, cây sanh mới có mươi năm mà đã có dáng như hàng trăm tuổi, hoa địa lan từ Trung Quốc, Thái Lan, miền Nam đưa về tỏa hương thơm ngát trong vườn mỗi nhà mới thấy hết Phụng Công đẹp, thanh bình ẩn chứa bao tiềm năng sức sống mới, huyền thoại mới.

Hồn làng 
Ngoài trồng cây cảnh, Phụng Công còn nổi tiếng với nghề trồng hoa.
Có người bảo làng là nơi chôn nhau, cắt rốn êm đềm dưới lũy tre xanh nên làng mới có hồn. Càng đi xa hồn làng như lửa, âm ỉ nóng làm cho ta đứng ngồi không yên. Có người lại nói làng như mẹ. Chỉ có lúc nào ta vui buồn nhất hoặc cô đơn nhất là mẹ ở bên ta. Bởi vậy có làng ta yên tâm như đứa trẻ vùi vào lòng mẹ êm đềm giấc ngủ.
Nhưng hắn lại gân cổ lên cãi lại tôi: Toàn giọng sĩ, chẳng thằng nào nói đúng! Rồi hắn cười. Đôi lông mày sâu róm díu vào nhau: Nghe đây, làng là cái vũng nước lúc khát ta về. Thế thôi!
Tôi trố mắt nhìn hắn từ đầu đến chân. Hóa ra mỗi định nghĩa về làng chẳng ai giống ai cả. Hắn nói có lý của hắn. Nhìn cái quần toạc ống, bàn chân đen nhẻm, mai tóc khét vàng vì khói lò cũng đủ biết hắn lam lũ lắm mới có miếng sinh nhai. Hắn xa quê từ lúc còn là cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Nghèo khổ làm con người ta nhẫn nhục. Nghe đâu hắn vào làm “ô sin” cho một nhà thợ đóng giầy ở Sài Gòn. Sáng sáng ngoài việc dọn dẹp, giặt giũ cho ông chủ, hắn phải xếp giầy dép, quét bụi và trông xe cho khách. Đêm đêm cả gia đình cơm nước xong hắn phải chuyên trách một công việc cho ông bà chủ là lấy nước nóng ngâm thảo quả để rửa chân cho ông bà. Ông chủ là một lão già ngoài sáu mươi tóc bạc như cước, người teo tóp vì đã lâu bị một chứng bệnh xuất huyết não. Khó nhọc lắm lão mới chống được cái gậy ra đứng ở cửa sổ. Còn bà chủ lại to béo nặng nề như một cái cót vựa, luôn mồm dặn hắn: “Phải rửa cho ông trước. Để ông nằm cẩn thận rồi mới sang đây”.  “Dạ” - Hắn nói lí nhí tay bưng chậu nước thảo quả bốc hơi thơm phức đến chỗ bà. Người phụ nữ tuổi chừng trên năm mươi luôn làm đỏm, thơm phức mùi nước hoa, phấn sáp. Lần nào cũng vậy, buổi tối bà ta thường mặc bộ áo váy mỏng, hai cái dây nịt vú hờ hững gợi cảm.
- Này Đôn (Tên cúng cơm của hắn)
- Dạ.
- Nước có vẻ nóng hơn hôm qua
- Vâng. Mợ đợi một chút nữa.
- Ờ… Ờ… xoa bóp trước cho mợ đầu gối này. Khiếp hôm nay người mua nhiều mỏi quá.
Thằng bé Đôn uể oải lấy tay xoa đầu gối người đàn bà. Cái váy mỏng cứ vén cao dần.
- Thưa mợ nước nguội rồi ạ.
- Ừ… thì bắt đầu đi.
Thằng Đôn làm một động tác thuần thục rửa từng ngón chân cho người đàn bà đến lúc hai gót chân bao giờ đỏ hồng ra là được.
- Này… Đôn. Mợ thấy xoa nước ấm chỗ này dễ chịu lắm - người đàn bà kéo tay Đôn đặt lên bắp đùi trắng nõn của mình.
Hình như thằng bé lần đầu nên hai tay run run.
- Cứ xoa… cứ xoa vào đi. Đừng làm ướt váy của mợ.
- Dạ… con hiểu rồi. Cơn sợ… con sợ mợ đau…
- Không. Nữa đi… nữa đi…!
Thằng bé lần đầu tiên đưa tay chạm vào miền rậm rạp. Nó hoảng hốt nhìn bà chủ hai mắt nhắm lại. Tay ả ghì chặt hắn đến ngạt thở, sức mạnh phi thường của tuổi hồi xuân đầy khao khát.
Đấy là người đàn bà đi qua đời hắn ở tuổi mười bảy.
Người ta bảo cái thuở ban đầu ấy nhớ lâu, nhưng hắn lại chóng quên. Bởi ký ức của hắn đầy ảm đạm.
Vào một ngày hè, cái gia đình ấy bỗng có tin vui. Cô con gái học ở nước ngoài sắp về thăm nhà. Thế là hắn phải mất hàng tuần lao động cực nhọc. Hết lau các cửa kính, quét dọn nhà cửa, người hắn mệt bã ra.
Một buổi sáng như thường lệ, hắn cầm cái phất trần quét bụi trên những đôi giày. Bỗng có tiếng gọi của người đàn bà:
- Này Đôn!
- Dạ… Mợ gọi con ạ?
Hắn bàng hoàng nhìn tay mụ rút ra một xếp tiền từ trong đôi giày bóng nhoáng:
­- Cái gì đây?
- …
- Chà chà nuôi ong tay áo. Anh ăn cắp tiền của tôi giấu vào giày. Giỏi thật? Anh nghỉ việc. Chiều nay đi khỏi nhà này!
Thằng Đôn mặt thuỗn ra:
- Không… Không thưa mợ…
- Hổng có không gì cả! Anh đi ngay. Qua chiều nay tôi sẽ báo công an.
Thằng Đôn trưa hôm ấy tay ôm gói quần áo ra khỏi cửa hàng bán giày dép. Khi ra tới gốc xoài nơi những buổi chiều hắn nhớ quê nhìn những chiếc lá vàng vừa rụng, bà chủ nhà chạy theo, mắt nhìn trước sau, dúi vào tay hắn một nắm tiền. Mắt ngấn lệ: “Cậu quyên tôi đi… tôi không muốn thế… con gái tôi sắp về”. Bây giờ hắn đi đâu? Hắn chỉ nhớ tới đứa em gái ở nhà. Có khi ta về quê, phải mua cho nó bộ quần áo mới - hắn nghĩ như vậy - chân bước tới khu chợ Trời.
Vào buổi trưa, chợ Trời vắng khách. Những người ngồi bán hàng đã bắt đầu ăn cơm trưa. Hắn sà vào hàng bán quần áo. Bà chủ hàng hỏi:
- Chú mua gì?
- Mua bộ cánh mỏng cho bé mười tuổi.
- Có đấy - bà chủ hàng chỉ - bộ này cho bé nhỏ nhắn,  bộ này cho bé mập. Chú ưng bộ nào?
Hắn chỉ vào bộ của bé gái nhỏ - em mình ở quê đâu đủ ăn mà mập - hắn nghĩ thế, rụt rè hỏi giá:
- Bao nhiêu tiền bà chủ?
- Sáu chục ngàn.
Hắn định giở bọc đồ ra để lấy tiền, một bàn tay nhỏ nhắn giữ lại:
- Anh thong thả, em mua cho.
Hắn quay lại là một cô gái giọng lơ lớ Bắc dễ nghe, khuôn mặt còn rất trẻ. Quần bò, áo trắng hơi nhàu nhĩ. Hắn đưa mắt nhìn cô gái như muốn nói “Em mua cho anh đi”.
Cô gái nhoẻn miệng cười, tay giở coi lại hàng chục bộ quần áo có màu sắc khác nhau. Cô lấy ra một bộ màu xanh da trời, đưa vào ngực mình ướm thử: “Bộ này được”. Hắn trả tiền, cất cẩn thận dưới đáy túi vải rồi lẳng lặng đi theo cô gái. Họ đi với nhau như một đôi tình nhân, qua hết phố này đến phố khác.
Ngày tháng mười, mặt trời xuống nhanh như tuột dốc. Cô gái quay lại hỏi:
- Anh về đâu?
Hắn ẩm ừ trong cổ:
- Tôi bị đuổi việc.
- À! Ra thế!
- Chưa có chỗ chứ gì?
- …
- Về với em đi. Sắp tối rồi. Em cũng quán trọ bình dân thôi.
Hắn gật đầu, lẽo đẽo theo cô gái. Quán trọ lợp mái tôn, chia ra từng ngăn như chuồng nuôi heo. Mỗi phòng có một chìa khóa riêng. Cô gái mở cửa đưa mắt như nói với hắn: “Anh vào đi”. Thì hắn vào. Tay đặt cái túi vải xuống chiếc giường một được ghép bằng những mảnh gỗ thông, hắn ngồi xuống. Cái giường cong lên như con gật gần gân. Cô gái cười nói với hắn: “Cứ nằm xuống đi còn êm hơn giường đệm”.
Đêm xuống, án đèn điện mờ mờ soi rõ mặt người. Hắn cứ ngồi lì một chỗ, tay ôm bọc quần áo như người đợi tàu xe. Cô gái cười nói như ra lệnh: “Tắm rửa đi rồi ngủ”. Hắn làm theo như một đứa trẻ. Cô gái đã buông màn xong, cởi quần áo dài, nằm gọn một nửa giường. Mùi nước hoa, mùi da thịt trắng ngần thơm thoảng làm hắn e dè, nói nhỏ: “Đằng ấy nằm trên. Tôi ngủ dưới đất”. Cô gái kéo tay hắn vào nhẹ nhàng: “Không được. Nhiều muỗi lắm”.
Hắn bẽn lẽn nằm nghiêng, quay mặt đi còn cảm thấy hơi thở người con gái trẻ bên tai mình nóng hổi. Hắn đã quá mệt mỏi vì một ngày lo toan cật lực, hai mí mắt cứ kéo dần vào giấc ngủ không sao cưỡng lại được. Trong mơ hồ hắn vẫn thấy bàn tay búp măng mát rượi mơn man trên ngực rồi ấp vào nơi mạnh mẽ để tận hưởng hơi ấm êm dịu.
*
Nghe tiếng kẹt cửa hắn tỉnh dậy. Người đàn ông có cái đầu hói nhẵn bóng nhấp nháy đôi mắt, mỉm cười hỏi hắn:
- Thanh toán tiền nhà chứ?
- Ơ…? Tôi không biết?
- Này… Ôm nó một đêm lại còn giả vờ? Con bé ấy biến rồi.
Bây giờ hắn đã hiểu. Chợtăn nhớ ra cái bọc quần áo, hắn chồm lên khua loạn tay vào ngăn tủ rỗng ở đầu giường. Thế là hết. Hắn ngồi xệp xuống đất, nhặt bộ quần áo còn xót lại, mếu máo: “Tôi xin ông. Con mẹ nó… Đồ lừa đảo!”.
Sau lần ấy hắn phải làm thêu cật lực ba tháng trời mới đủ tiền trả nợ và tiền tầu xe để về làng.
 *
Bây giờ trước mắt tôi, hắn vẫn lam lũ như người lính vừa qua trận mạc. Nhưng hắn bảo, thế là sướng mình lam lũ với làng. Ai đi đâu chẳng nhớ về làng? Từ ông quan to đến thằng cùng đinh rách rưới như tớ loanh quanh rồi lại về với làng cả. Hắn đinh ninh làng có hồn. Ai bảo hắn nói sai là hắn cự lại ngay:
- Đồ láo toét! Chẳng biết gì cả.
Nhìn hắn thoáng chốc đã nằm lăn ra ngáy o o dưới lũy tre làng, khuôn mặt hiền lành đầy khói lò than bụi, nhưng hạnh phúc và mãn nguyện biết bao. Hình như hồn làng đã ru hắn vào giấc ngủ.            
                   
Heo may

Heo may về, cánh đồng trơ gốc rạ. Những vạt cỏ gà bắt đầu chuyển màu phơn phớt bạc, đàn trâu bò mải miết ăn không còn được nhởn nhơ, cũng là lúc bọn trẻ mục đồng hò nhau đào đất nặn chuông. Lũ con gái bưng nón đi nhặt củi, lũ con trai tìm phân bò khô chất đầy đống. Đất làm được chuông kêu phải tìm đất sét trắng từ cánh đồng Giếng Dạ. Chúng tôi mỗi người một việc, đứa lấy đất luyện cho thật dẻo, đứa nổi lửa làm lò nung. Lũ con gái lấy nón làm quạt vừa hò nhau vừa hát:

Khói về đằng kia ăn cơm với cá

Khói về đằng này lấy đá đập đầu

Cái Thảo kém tôi hai tuổi. Nó xoè bàn tay trắng mỏng mảnh như chiếc lá thỏ thẻ: “Anh đàn đất đi!”. Tôi vê đất thành hình tròn, rồi lấy hai bàn tay vỗ vào nhau cho đất được đàn ra thật đều, nhẹ nhàng đặt vào bàn tay nó. Cái Thảo khum tay lại khẽ reo lên: “Ô… có vỏ chuông rồi!”.
Còn ruột chuông thì đơn giản thôi - tôi nói - chỉ cần cho vào đấy một hai hòn sỏi nhỏ.
Cái Thảo gật đầu, đôi mắt ngước lên nhìn tôi đen nhánh. Ơ hay? Tôi thấy có cái gì là lạ trong lòng . Bàn tay tôi tự nhiên lóng ngóng. Hình như cái Thảo cũng phát hiện được điều đó. Đôi mắt ấy thoáng nhìn xuống. Nó khẽ đặt quả chuông lên gò cao cho gió nhanh se. Heo may mỗi lúc về một mạnh. Heo may làm cho má nó thoáng hồng và túm tóc đuôi gà khẽ lắc lư để lộ ra cái cổ dài trắng nõn như bông lan buổi sớm.
Những quả chuông đất của chúng tôi bắt đầu vào lò. Heo may cuốn khói lên cao như dải lụa kéo tới đầu làng. Mùi phân bò khô cháy lẫn lá thanh hao toả ra hăng hắc. Cái giống phân bò khô đã cháy hết có than hồng hơn củi. Than hồng làm cho từng quả chuông đỏ rực lên trông thật đẹp mắt.
 Thoáng chốc đàn trâu bò đã ăn tản ra xa tít. Chúng tôi dỡ lò, đợi cho chuông nguội. Lũ con gái nhanh tay cướp luôn những quả đẹp. Đứa nào cũng đưa lên tai khẽ rung rung, tiếng chuông đất có âm thanh trầm trầm nghe vang xa cốc cốc.
Cái Thảo không may cướp được quả chuông bị nứt. Nó phụng phịu đòi tôi đổi cho. “Ơ hay? Ai bảo trâu chậm...” - tôi mắng nó - bỗng nhìn thấy đôi mắt đen ươn ướt như sắp khóc, trong lòng lại thấy thương thương . Nó cầm quả chuông nứt dúi vào tay tôi, đôi mắt đen ấy như thúc giục: “Đổi cho em đi!”. Tôi đặt quả chuông của mình vào bàn tay xinh xinh bé nhỏ. Rồi hai đứa cứ thế chạy ngược heo may tới đàn trâu bò đang gặm cỏ. Heo may tràn đầy cánh đồng, heo may như thấm vào hơi thở hương vị ngọt ngào của đồng làng sau mùa gặt, trong heo may có một điều kỳ diệu lần đầu tiên được biết: Bàn tay con gái thật ấm! 

Cây đề đầu làng
                                                         
Làng tôi có cây đề, thân lớn tới chục vòng ôm, tán lá sum suê đến hàng sào ruộng. Mùa hè, những trưa trời oi ả nằm dưới gốc đề nghe gió đập vào nhau như muôn ngàn chiếc quạt tý teo nhất loạt cùng phe phẩy làm mát cả đầu làng.
Tuổi thơ, cũng ở dưới gốc đề này, có bà lão ngồi bán hàng tóc trắng như mây. Chõng hàng của bà lèo tèo lắm, chỉ có tích nước vối, mấy xâu phòng phành xanh đỏ, một lọ kẹo bột mà làm chúng tôi mê mẩn ngồi với bà suốt cả buổi trưa. Cái thứ kẹo bột có màu vàng vàng được trộn với bột nếp rang chín tới thơm thơm, trẻ con ăn vào đố đứa nào quên được! 
Bây giờ bà cụ đã theo tổ tiên từ lâu lắm rồi. Còn cây đề cứ lớn dần, mỗi năm một lần lột xác. Vào mùa đông, khi những luồng gió lạnh thổi về, cây biết thu mình ào ào trút lá. Những cành lớn, nhỏ như cánh tay người dang ra để chống chọi với trời đất. Thân cây rộp lên, bong từng lớp vỏ trong rét buốt khô hanh. Bà lão bán hàng đã có lần nói với bọn trẻ chúng tôi: “Các cháu biết không, người già người chết, nhưng cây đề lại trẻ ra vì cây biết mỗi năm lột xác một lần. Bởi thế ở đời chẳng có ai là cây đa, cây đề cả!”. Quả như lời bà lão nói, sang xuân những lá đề non nhất loạt bung ra, màu đỏ hồng như bàn tay non rì rào gọi gió. Màu đỏ của lá cây được nắng trời nhuộm xanh dần xanh dần, trùm bóng mát xuống đầu làng.
Đã có lần chúng tôi tò mò hỏi bà lão bán hàng: “Bà ơi, ai trồng cây này?”.
- Nào biết! Ngày xưa các cụ chỉ mong có bóng mát cho con cho cháu. Cần gì phải để lại tên tuổi cho ai?
Bây giờ đã bao nhiêu đứa trẻ làng tôi hiểu ra lời bà lão nói, cùng lớn lên dưới bóng cả cây đề. Người xa quê nhớ nhiều, người ở quê thường lãng quên nhớ ít, cây đề cứ sừng sững đứng ở đầu làng chỉ cho người về quê không lạc lối… 
Lớp người chúng tôi tóc giờ đã bạc, lại bâng khuâng đứng dưới gốc đề. Nhìn những chiếc lá đỏ hồng, nhớ bà lão bán hàng, nhớ xâu phòng phành xanh đỏ, và vị ngọt thơm của từng viên kẹo bột, lòng bâng khuâng như có hồn người trồng cây còn quanh quất đâu đây!



Người thổi kèn

Cả cái xóm nghèo ấy chỉ có cái ao của ông lão thổi kèn là trong sạch nhất. Nước ao bốn mùa có màu thuỷ tinh như đánh phèn. Mùa hè, những cây vả lưng cong cong ngả xuống mặt nước, xoè lá to bằng chiếc quạt nan che cho ao đỡ bớt nắng trời. Ông lão thổi kèn bắc một chiếc cầu ao bằng hai thân cau khô nằm giữa hai cây vả làm cho nước càng mát mẻ, trong văn vắt.
Bọn trẻ chúng tôi thường ra nơi này lặn ngụp, nô đùa trong những trưa hè oi ả. Ông lão thổi kèn thường ít khi có nhà, còn phải đi giúp các đám sứ. Nhưng những lúc không có ai mời, sống cô đơn một mình, ông  muốn trẻ đến thật nhiều. Có lần nhìn chúng tôi xếp hàng đứng tồng ngồng trên cầu rồi hò nhau nhảy xuống mặt nước ùm ùm, ông dặn:
- Ao sâu lắm, không được chơi dìm nhau. Chết đuối đấy! Còn quả vả chưa ăn được đâu. Khi nào chín ông cho.
Chúng tôi nhìn những quả vả to bằng cái bát con túm tụm quanh gốc cây quả nào cũng có màu xanh mỡn. Cái giống vả khi chín tới là chuyển màu nâu, ruột ngọt như đường phèn, hương thơm phưng phức.
Cách nhà ông lão thổi kèn một đoạn đường vòng, có một túp lều tranh núp mình dưới lùm cây sấu. Chủ nhà là người đàn bà goá chồng cũng sống âm thầm một mình như cái bóng. Chị có khuôn mặt xinh, nước da trắng hơi xanh, nụ cười rất hiền và cũng yêu bọn trẻ. Chị như chúng tôi hay đến tắm ở cái cầu này.
Một buổi chiều nhập nhoạng tối, chúng tôi đang ngồi nghe ông lão thử kèn. Mỗi chiếc dăm mới làm ông thổi một hai điệu. Tiếng kèn lúc trầm lúc bổng nghe rạo rực lòng người. Bỗng ngoài cầu ao có một tiếng động mạnh: Ùm! Như có linh cảm, ông lão vội đặt chiếc kèn xuống chiếu, chạy vọt ra ngoài. Hoá ra chị hàng xóm đang tắm bị ngã xuống cầu ao. Chẳng biết có phải nghe tiếng kèn của ông làm chân tay chị bủn rủn, hay một sự vô tình? Chúng tôi chạy ùa ra. Tất cả sững sờ lần đầu tiên nhìn thấy người đẹp như tượng. Ông lão thổi kèn ngắt vội cái lá vả đưa cho chị để che bớt phần dưới của thân thể mịn màng. Còn hai bầu vú tròn xoe như hai trái vả trắng ngần vẫn ròng ròng nước chảy.
Sau lần ấy, ông lão đã lấy tre nứa quây riêng cho chị một cái nhà tắm. Và đích thân ông hàng ngày xách nước cho chị. Kỳ lạ thay, từ đó, trưa nào ông cũng ngồi thổi kèn. Người ta bảo tiếng kèn của ông bỗng vui hơn. Lũ chim trời rủ nhau về đầy vườn, ríu ran trên những cành vả biếc.
(Còn nữa)

1 nhận xét: